(GD&TĐ) - Thời gian qua, vấn đề thiếu trường lớp, thiếu cơ sở vật chất là chủ đề “nóng” của ngành giáo dục ĐBSCL. Để giải quyết vấn đề này, năm nay các địa phương đã “mạnh tay” đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu dạy học và nỗ lực xóa bỏ các phòng học tạm, phòng học nhờ, phòng tre lá…
Ưu tiên cho xây dựng trường lớp
Thiếu phòng học MN và TH là vấn đề “nóng” đặt ra cho vùng ĐBSCL. Nhiều tỉnh đã nỗ lực xóa trắng trường MN nên thầy trò không còn lo cảnh học nhờ, học tạm trong những ngôi trường tre lá |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó GĐ Sở GD&ĐT Hậu Giang vui mừng cho biết: “Việc đầu tư cho GDMN trong thời gian qua, đặc biệt chỉ trong thời gian ngắn mà tỉnh đã xóa phòng học tre lá, xóa các điểm trắng trường MN, MG ở các xã, phường được xem như bước tiến đáng kể. Năm 2013, tỉnh đặt quyết tâm hoàn thành 12 trường MN, MG trọng điểm với tổng kinh phí khoảng 72 tỉ đồng. Có trường lớp khang trang ngành GD sẽ rất thuận lợi trong huy động trẻ ra lớp và tuyển dụng đủ GV để hướng tới hoàn thành PC GDMN cho trẻ 5 tuổi theo kế hoạch…”.
Bước vào năm học 2013 -2014 thầy trò ở tỉnh Hậu Giang rất vui vì có thêm nhiều trường mới được xây dựng khang trang. Đặc biệt là trường lớp cho bậc học MN năm nay được tỉnh tăng cường đầu tư xây mới để đáp ứng nhu cầu học tập của HS vùng sâu, vùng xa, vùng còn trắng trường MN. Như Trường MN Lương Nghĩa, Thuận Hòa (huyện Long Mỹ), Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng (huyện Phụng Hiệp), Trường MN Phường 4 (TP Vị Thanh)… Các trường đưa vào sử dụng đã góp phần giải tỏa áp lực trường lớp cho bậc học MN bấy lâu nay đang là vấn đề bức xúc ở địa phương.
Theo ông Phan Văn Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang cho biết: Tính đến năm 2012, địa phương vẫn còn 7 đơn vị xã, phường chưa có trường MN, MG. Đầu năm 2012, được sự quan tâm của chính quyền địa phương nên tỉnh tập trung nguồn lực để xây dựng trường MN, MG, giải quyết bức xúc về phòng học cho bậc học MN trên địa bàn. Sau nhiều nỗ lực, đến nay tỉnh đã xóa trắng trường MN và tất cả các xã, phường đều có trường MN, MG. Đặc biệt đã giải quyết mục tiêu xóa phòng học tạm, phòng tre lá, phòng xuống cấp nặng...
Theo thống kê của tỉnh Hậu Giang, năm 2013 Chương trình mục tiêu quốc gia đã triển khai hoàn chỉnh 16 công trình trường học. Trong đó xây dựng mới 31 phòng học, nâng cấp, sửa chữa 83 phòng, xây dựng mới 9 hạng mục phụ trợ: Hàng rào, nhà vệ sinh, sân trường, nhà giữ xe… với kinh phí trên 27,3 tỉ đồng.
Ngoài ra, 13 công trình trường mẫu giáo trọng điểm của tỉnh trong năm nay cũng đã sắp hoàn thành. Chương trình Kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2008 - 2012 đã xây dựng hoàn thành 12 phòng học tại Trường THCS Tân Long, huyện Phụng Hiệp với tổng kinh phí khoảng 5 tỉ đồng. Ngoài ra tỉnh cũng đã đầu tư trang thiết bị PC GDMN cho trẻ 5 tuổi và thiết bị cho phòng dạy ngoại ngữ, tin học với tổng kinh phí khoảng 8,3 tỉ đồng…
Bước vào năm học mới tỉnh Vĩnh Long cũng có thêm nhiều trường mới, đặc biệt là các trường mới xây dựng theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Theo thống kê, năm 2013 nguồn vốn xây dựng cơ bản là gần 157 tỉ đồng, tỉnh đã đầu tư xây dựng trường lớp hơn 94 tỉ đồng. Từ năm học 2012 -2013 tỉnh đã lập dự án đầu tư xây dựng trường MN, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đầu tư xây dựng trường THPT chuyên… tính đến nay các công trình thuộc đề án trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia với số vốn triển khai là 12 tỉ đồng.
Hiện nay các công trình này đã được nghiệm thu và sẵn sàng đưa vào sử dụng trong năm học mới… Ngoài ra để đáp ứng yêu cầu cho đề án nâng cao năng lực dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD, bước vào năm học mới tỉnh đầu tư 3 gói thầu mua sắm thiết bị dạy học trị giá khoảng 3 tỉ đồng. Đây được xem như nỗ lực để nâng cao chất lượng dạy, học môn ngoại ngữ của tỉnh trong thời gian tới
Không khí đầu năm học mới khắp nơi hết sức phấn khởi vì bộ mặt trường lớp được quan tâm đầu tư |
.TP Cần Thơ cũng đang nỗ lực hoàn thành các công trình trường học để kịp thời đưa vào sử dụng khi năm học mới bắt đầu. Chuẩn bị năm học mới, quận Thốt Nốt đã đầu tư hàng tỉ đồng để xây dựng mới và sửa chữa trường lớp như Trường MG Tân Hưng (đầu tư 10 tỉ đồng), THCS Tân Hưng (10 tỉ đồng), THCS Thới Thuận 1 (5 tỉ đồng)… Huyện Cờ Đỏ đã đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Đến nay huyện Cờ Đỏ có 9/46 trường đạt chuẩn quốc gia. Quận Bình Thủy đầu tư xây mới Trường THCS Long Hòa với kinh phí khoảng 15 tỉ đồng; xây dựng Trường TH Long Tuyền 2 khoảng 38,8 tỉ đồng…
Theo ngành GD Đồng Tháp thì năm học này tỉnh đã giải quyết được tình trạng thiếu phòng học. Để chuẩn bị cho năm học mới 2013 - 2014, tỉnh đã đầu tư kinh phí hơn 143 tỉ đồng để xây mới, sửa chữa trường lớp và các công trình phụ trợ. Trong đó tỉnh đã xây mới 405 phòng học, 310 phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ như sân trường, hàng rào, nhà vệ sinh, nhà giữ xe… cho 60 điểm trường. Tiến hành sửa chữa 409 phòng học, phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ ở 175 trường. Thay mới và bổ sung 4.706 bộ bàn ghế HS với tổng kinh phí trên 143 tỷ đồng…
Trọn vẹn niềm vui ngày tựu trường
Tính đến thời điểm này HS ở ĐBSCL đã tựu trường và bước vào những ngày đầu học tập. Không khí đầu năm học mới khắp nơi hết sức phấn khởi vì bộ mặt trường lớp được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang. Đây được xem như động lực lớn để thầy trò toàn vùng hướng đến nâng cao chất lượng GD, tiếp tục tạo những bước tiến quan trọng góp phần đưa ĐBSCL thoát khỏi vùng trũng GD…
Với sự nỗ lực của các cấp cùng ngành GD mỗi địa phương nên vấn đề “nóng” về thiếu trường lớp được quan tâm đặc biệt. Chỉ tính trong năm 2013 nhiều tỉnh, thành đã nỗ lực xóa trắng trường MN (Hậu Giang); một số địa phương đã đảm bảo đủ phòng học cho HS các cấp (Đồng Tháp). Nhiều địa phương tuy còn nhiều khó khăn nhưng vẫn dành nguồn kinh phí đáng kể đầu tư xây dựng trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân… Từ những nỗ lực đó nên bước vào năm học 2013 - 2014 thầy trò nhiều địa phương ở ĐBSCL rất phấn khởi vì có thêm trường mới, không còn lo cảnh phải học nhờ, học tạm trong những ngôi trường tre lá tạm bợ.
Theo thống kê, năm học 2012 – 2013 nhiều địa phương ở ĐBSCL vẫn còn thiếu phòng học, đặc biệt là phòng học bậc MN và TH. Số phòng học tạm, phòng học mượn vào đầu năm học 2012 - 2013 là hơn 5.465 phòng (MN 3.157 phòng, TH 1.491 phòng). Cũng vào thời điểm đó, vùng có trên 145 xã, phường chưa có trường MN độc lập, nhiều địa phương chưa có nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình... |
Nguyễn Quốc Ngữ