Năm học mới, bịt kẽ hở tiêu cực

Năm học mới, bịt kẽ hở tiêu cực

(GD&TĐ) - Dạy thêm học thêm, thu chi đầu năm học,... -  là những vấn đề được ngành Giáo dục tập trung giải quyết đầu năm học mới này. Nhiều giải pháp quyết liệt đã được thực hiện nhằm chấn chỉnh tình trạng này.

Học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) khai giảng năm học mới. Ảnh: gdtd.vn
Học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) khai giảng năm học mới. Ảnh: gdtd.vn

Vững hành lang pháp lý

Bộ GD&ĐT cho biết, đến nay đã có 38 tỉnh ban hành quy định về quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn; các địa phương còn lại đang hoàn thiện văn bản và xin ý kiến các sở, ngành trước khi trình UBND tỉnh.

“Chiếc gậy” pháp lý để các địa phương giải quyết vấn đề này là Thông tư 17 ban hành quy định về dạy thêm học thêm của Bộ GD&ĐT. Quy định mới nêu rõ: Không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Đồng thời, các trường hợp không được dạy thêm cũng được quy định.

Theo đó, không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, TCCN và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý.

Tại Nam Định, Quy định mới được ban hành về dạy thêm, học thêm quy định rõ cả nội dung dạy thêm trong, ngoài nhà trường, mức thu, số lượng học sinh trong lớp, thời gian học thêm. Thậm chí, việc dạy thêm dưới hình thức kèm cặp cho một số ít học sinh tại gia đình (gia sư) cũng được quy định tại văn bản này.

Theo quy định này, học sinh Nam định chỉ học thêm tối đa 3 buổi/ tuần, mỗi buổi học thêm đảm bảo tối thiểu 3 tiết học. Trong kỳ nghỉ hè, chỉ dạy ôn luyện thi tuyển sinh. Mỗi trường thành lập Ban quản lý dạy thêm, chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về quản lý và tổ chức thực hiện dạy thêm học thêm trong nhà trường. Trong đó, thường trực hội cha mẹ học sinh có mặt với vai trò ủy viên.

Tại Bắc Ninh, giáo viên tham gia dạy thêm phải xây dựng chương trình dạy học chi tiết, xác định rõ yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng đối với học sinh. Giáo viên lên lớp phải có giáo án dạy học; giáo án phải thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp và tổ chức các hoạt động trong giờ dạy thêm.

Quy định về dạy thêm, học thêm mới được Hà Giang ban hành tháng 6 vừa qua. Quy định ghi rõ mức thu 1 học sinh/buổi học thêm không quá 0,02 mức lương tối thiểu do nhà nước quy định. Mức thu dạy thêm ngoài nhà trường không vượt quá 1,5 lần mức thu dạy thêm trong nhà trường.

Minh bạch các khoản thu

Bộ GD&ĐT đã ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, có hiệu lực từ năm 2012. Điểm mới nổi bật của điều lệ này là không cho phép Ban đại diện thu góp tiền để chi cho nhà trường.

Thu chi đầu năm luôn là mối băn khoăn lớn nhất của các bậc phụ huynh mỗi đầu năm học mới. Do đó, thời điểm này, nhiều sở GD&ĐT đã có hướng dẫn thực hiện các khoản thu chi. Trong đó nêu rõ, đâu là những khoản thu không bắt buộc, khoản nào không được thu. Ban đại diện cha mẹ học sinh - đầu mối nhiều khoản thu “nhạy cảm” luôn được cụ thể hóa chi tiết trong các văn bản này.

Sở GD&ĐT Bắc Giang trong Dự thảo hướng dẫn thu, quản lý và sử dụng các khoản thu trong các cơ sở gáo dục, áp dụng từ năm học 2013 - 2014 quy định rõ các khoản thi hộ theo quy định gồm: Tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể học sinh, quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Cũng theo dự thảo này, tổ chức thu cần chia nhiều đợt, tránh thu nhiều khoản ngay từ đầu năm học.

Riêng với Ban đại diện cho mẹ học sinh, không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ phục vụ trực tiếp cho hoạt động như bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho nhà trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học, và các hoạt động giáo dục; sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Sở GD&ĐT Đồng Nai nhấn mạnh, các trường tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải tham gia bảo hiểm tai nạn học sinh. Ban Đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh.

Hải Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ