Năm biện pháp giúp trẻ có giấc ngủ tốt hơn

GD&TĐ - Khuyến khích, nhắc nhở một đứa trẻ đi ngủ đúng giờ là điều đơn giản, nhưng để trẻ thực hiện được điều đó lại là một vấn đề.  

Năm biện pháp giúp trẻ có giấc ngủ tốt hơn

Phần trăm trẻ em đang gặp vấn đề về giấc ngủ đã tăng cao hơn trong những năm gần đây, và vấn đề này phần lớn là do trẻ sử dụng thiết bị điện tử, hoặc ăn đồ ngọt trước khi đi ngủ.

Mặc dù để uốn nắn đưa các bé vào đúng quy củ cũng không phải điều đơn giản, có lẽ ở khoản này bố mẹ trẻ sẽ phải bỏ ra khá nhiều công sức cũng như thời gian cho con nhỏ. Dưới đây là một số phương pháp mà cha mẹ hay người chăm sóc có thể áp dụng để giúp trẻ lấy lại được giấc ngủ hoàn chỉnh.

Từ việc thiết lập giờ ngủ nghiêm ngặt để tránh việc ăn thức ăn chứa đường hay sử dụng thiết bị điện tử, theo các chuyên gia thì đây là năm mẹo hàng đầu để giúp trẻ ngủ ngon vào ban đêm:

1. Nói không với thiết bị điện tử

Số trẻ em dưới 16 tuổi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn giấc ngủ đã tăng mạnh trong vài năm qua, dữ liệu được thu thập bởi tổ chức NHS Digital và được The Guardian phân tích.

Người lớn có thể giúp khắc phục vấn đề này bằng cách đảm bảo rằng trẻ em không sử dụng các thiết bị điện tử ngay trước khi chúng đi ngủ.

“Các thiết bị điện tử có sức hút rất lớn với trẻ em như TV hoặc iPad, v.v… ánh sáng xanh phát ra từ màn hình của những thiết bị này có thể có tác động tiêu cực đến giấc ngủ của con, vì nó ảnh hưởng đến nồng độ melatonin, hormon gây ngủ” Neil Robinson, chuyên gia về giấc ngủ của Anh quốc cho biết.

"Bằng cách tạo ra một môi trường không công nghệ 30 phút trước khi đi ngủ, các bậc phụ huynh có thể kể chuyện cho trẻ mỗi đêm, hay thay vì sử dụng điện thoại hãy cho con đọc các cuốn truyện tranh mà chúng thích, có trẻ em nào mà lại không thích truyện tranh chứ?"

Và đôi lúc, ánh sáng trong phòng ngủ của trẻ cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của chúng.

Theo Sarah Ockwell-Smith, huấn luyện viên ngủ và là tác giả của cuốn “Sách Ngủ Nhẹ Nhàng” chia sẻ: “Bạn nên mua một loại đèn ban đêm được thiết kế khoa học để giúp trẻ em đi vào giấc ngủ dễ và sâu hơn.”

2. Đặt giờ đi ngủ nghiêm ngặt

Trẻ em khó có thể ngủ ngon nếu mỗi ngày chúng đi ngủ vào mỗi thời điểm khác nhau.

Đó là lý do tại sao thiết lập một thói quen ngủ vào ban đêm và thời điểm thức giấc vào buổi sáng được coi là điều quan trọng, Joy Richards giải thích.

"Tôi luôn nói rằng thiết lập thói quen đi ngủ đúng giờ là phần quan trọng nhất trong lối sống của một đứa trẻ", cô nói thêm.

“Bằng cách rèn con vào quy củ, phân chia giờ giấc rõ ràng được làm gì và phải làm gì, để trẻ nhận thức và làm quen được với thời gian bạn đặt ra, dần dần nó sẽ trở thành một thói quen.”

Nhưng không phải cứ ngủ sớm và nhiều là tốt. Theo Ockwell-Smith, một số phụ huynh đã đưa con mình đi ngủ sớm hơn so với nhu cầu cần thiết của trẻ.

"Ở mỗi độ tuổi, lượng giờ ngủ lại thay đổi, và đó là điều các cha mẹ nên chú ý.” cô nói.

Ockwell-Smith khuyến nghị đối với trẻ mới biết đi nên ngủ từ 9 đến 16 giờ, từ 8 đến 14 giờ ngủ cho trẻ mẫu giáo, từ 7 đến 13 giờ ngủ cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi và ngủ 6 đến 12 giờ cho thanh thiếu niên.

"Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm là cố gắng hiểu được nhu cầu ngủ sinh học ở mỗi độ tuổi và chắc chắn rằng họ không nên bắt ép con mình ngủ quá thời gian," cô nói.

3. Tạo một môi trường yên bình

Bạn có thể tạo ra một không gian yên bình cho con khi khuyến khích trẻ hãy cứ thả lỏng và thư giãn cơ thể cũng như não bộ, chỉ nghĩ về những điều tích cực, không nặng nề hay mệt mỏi.

Điều này có thể giúp chúng “trôi dạt” vào một giấc ngủ yên bình, mơ mộng - Dani Binnington, chuyên gia phúc lợi gia đình chia sẻ.

"Hãy hỏi con bạn về kỳ nghỉ, hoặc bất cứ thứ gì con cảm thấy yêu thích, thoải mái. Hãy để chúng dần chìm vào những suy nghĩ, những câu chuyện mà trẻ tự vẽ ra trong đầu. Cứ như vậy, con sẽ chìm sâu vào giấc ngủ lúc nào không hay!" cô nói.

"Điều này cũng có thể mang lại những kỷ niệm hạnh phúc và cảm xúc tích cực cho trẻ."

4. Hãy cảnh giác với những gì trẻ ăn

Không nên cho trẻ ăn đồ ngọt ngay trước khi đi ngủ, vì điều này có thể dẫn đến đột biến về mức năng lượng của chúng.

Tuy nhiên, thực phẩm có đường không phải là loại duy nhất nên tránh trước khi đi ngủ.

Theo Richards, việc ăn pho-mát ngay trước khi đi ngủ cũng có thể dẫn đến những giấc mơ khó chịu.

"Ăn pho-mát quá sát với thời gian đi ngủ góp phần làm tăng phần trăm khiến trẻ gặp ác mộng", cô nói.

"Nếu trẻ gặp một cơn ác mộng, chúng có thể có suy nghĩ muốn tránh đi ngủ càng lâu càng tốt."

Robinson khuyến cáo chỉ cho phép trẻ ăn đồ ăn nhẹ như bánh mì nướng nguyên hạt, bánh quy khoảng 45 phút trước khi ngủ.

5. Một chiếc giường thoải mái

Nếu trẻ gặp vấn đề thường xuyên khi ngủ vào ban đêm, có lẽ giường của trẻ là nguyên nhân.

Các loại nệm mà một đứa trẻ cần để có được một giấc ngủ yên tĩnh có thể khác với loại nệm của người lớn - Phil Lawlor, chuyên gia ngủ tại Dormeo chia sẻ.

“Nhiều người lớn thích ngủ với một tấm nệm êm và mềm mại. Nhưng trẻ em thường sẽ cần một tấm nệm cứng hơn” ông nói.

"Điều này là do cơ thể trẻ đang phát triển nên chiếc nệm cứng một chút sẽ hỗ trợ cho nhu cầu cơ thể của trẻ.”

Ngoài một tấm nệm thoải mái, điều quan trọng là phải chú ý đến độ dày của chăn bông, vì chúng có thể cảm thấy khó chịu vì nóng nếu chăn lông quá dày.

"Chăn bông lý tưởng cho trẻ mới biết đi là khoảng 3,4,5 tog (một đơn vị đo lường mức độ ấm áp của chăn, ga trải giường), và bạn có thể dần dần tăng chỉ số này khi chúng phát triển."

Lawlor cũng đề nghị nên xem xét kĩ càng việc mua chăn gối không gây dị ứng, vì nếu con bị dị ứng, đống chăn gối kia có thể làm gián đoạn giấc ngủ của chúng.

Theo Independent

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.