Những kết quả kinh tế - xã hội năm 2009 là đáng khích lệ
Đa số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, thì những kết quả đạt được trong năm 2009 là rất đáng khích lệ, tạo được lòng tin trong nhân dân. Nhiều khó khăn của nền kinh tế từng bước giải quyết có kết quả, thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Sản xuất công nghiệp và xây dựng chuyển biến tích cực; sản xuất nông nghiệp phát triển khá, (là một trong 13 nước có mức tăng trưởng kinh tế dương)… Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường.
Nhiều ý kiến biểu thị sự nhất trí cao với các nội dung được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và cho rằng về cơ bản, các báo cáo được chuẩn bị công phu, khá toàn diện, làm rõ được những tác động khách quan không tránh khỏi của nền kinh tế nước ta trước những khó khăn, biến động bất lợi của kinh tế toàn cầu.
Có ý kiến đề nghị các Báo cáo cần có đánh giá và phân tích sâu sắc hơn về các lĩnh vực xã hội vì mới chỉ nặng về kinh tế; cần lường hết các yếu tổ rủi ro tiềm ẩn và xem lại tính chính xác của các con số thống kê về chỉ tiêu việc làm, tỷ lệ hộ nghèo…; cần làm rõ một số khái niệm mới như “tái cấu trúc nền kinh tế”, “doanh nghiệp dân tộc” trong Báo cáo. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Về kinh tế, Nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện các gói kích cầu trong năm 2009 còn trùng lắp về đối tượng thụ hưởng, mới tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn, chưa hướng vào việc tái cấu trúc nền kinh tế. Việc triển khai còn lúng túng, chưa đồng bộ giữa các địa phương. Quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đã xuất hiện sự bất bình đẳng giữa một số doanh nghiệp; thủ tục, điều kiện cho vay còn khắt khe, ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm. Do những hạn chế này nên ảnh hưởng tích cực của việc hỗ trợ lãi suất đối với sản xuất là không lớn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Các đối tượng là các hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận với gói kích cầu. Việc hỗ trợ nông dân vay vốn mua máy móc, nông cụ chưa thực hiện được như mong muốn. Trong khi đó, có tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách này vay để đáo nợ hoặc gửi ngân hàng khác có mức lãi suất cao hơn hoặc vay để mua ngoại tệ, gây mất cân đối trên thị trường ngoại.
Đại biểu Hồ Quốc Dũng (đoàn Bình Định) cho biết, đa số dân cư sống ở nông thôn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta triển khai không đồng bộ, thủ tục rườm rà, phức tạp không rõ ràng, thiếu thực tế và chủ yếu là do bị hạn chế bởi nguồn vốn cho vay và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị khống chế. Từ đó ngân hàng chủ yếu ưu tiên nguồn vốn cho các khách hàng truyền thống, có quan hệ gắn bó lâu năm với ngân hàng, còn các doanh nghiệp khác và hộ nông dân tiếp cận nguồn vốn này rất khó khăn. Đây là điều không công bằng, cần phải khắc phục nếu chúng ta có chủ trương triển khai gói kích cầu thứ hai.
Về chính sách an sinh xã hội, đã được quan tâm nhưng thiếu đánh giá tổng thể. Việc tổ chức thực hiện vẫn còn lúng túng, nhiều người nghèo chưa thực sự được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ; việc thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo còn mang tính bình quân; chưa quan tâm đến thực hiện chính sách đối với cán bộ ở địa phương, cơ sở, ở những vùng nghèo, đặc biệt khó khăn. Việc hỗ trợ người nghèo ăn tết ở một số nơi chi sai đối tượng, chưa giải ngân hết, gây búc xúc trong nhân nhân. Khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn ngày càng rộng ra.
Về vấn đề này, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, năm 2009 cả nước còn 11% hộ nghèo và mục tiêu là kiên quyết thực hiện các biện pháp xoá nghèo để tránh hiện tượng tái nghèo trong điều kiện tiêu chí hộ nghèo chưa được xây dựng mới, phù hợp điều kiện kinh tế và mức sống trung bình của dân cư, thì chắc chắn chất lượng sống của hộ thoát nghèo sẽ không được đảm bảo, do đó chính sách đảm bảo an sinh xã hội cũng cần xem xét thực thi, sao đạt được yêu cầu và ý nghĩa của chính sách.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhưng chưa bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo cao. Chủ trương về cơ chế, chính sách đối với người nghèo là rất đúng đắn, phù hợp với lòng dân, nhưng việc triển khai, thực hiện thiếu đồng bộ, chưa có những hướng dẫn hiệu quả về cách làm kinh tế để thoát nghèo bền vững. Các chương trình giảm nghèo thực hiện còn phân tán, chưa tập trung, hiệu quả thấp. Việc hỗ trợ giảm nghèo khó cân đối cho tất cả 62 huyện nghèo. Đến nay vẫn chưa có chuẩn nghèo mới, do đó những chỉ tiêu giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trong báo cáo của Chính phủ tính chính xác không cao. Thực tế, các hộ nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đang tăng lên, cần sớm ban hành chuẩn nghèo mới.
Năm 2010 phải giữ vững ổn định kinh tế - xã hội
Nhiều đại biểu cho rằng, năm 2010 dự báo kinh tế thế giới và trong nước sẽ dần phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài gay gắt hơn cho cả vật tư nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng, trong bối cảnh các nước đều thực thi chính sách bảo hộ mậu dịch thế nên mục tiêu tổng quát năm 2010 chúng tôi thấy cần phải tập trung giữ vững cho được ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009 tức là 6,5%. Nhưng phải đạt được yêu cầu gắn với nâng cao cho được chất lượng tăng trưởng và lấy tốc độ tăng trưởng làm nền tảng chứ không phải tăng nóng và ngăn chặn lạm phát cao trở lại.
![]() |
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) |
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) cho rằng, về các chỉ tiêu kinh tế, tôi thấy khả năng đều có thể đạt và việc tạo đà thì năm 2009 khả năng khôi phục và phát triển kinh tế của đất nước ta có thể sẽ thuận lợi hơn trong năm tới. Chỉ tiêu tăng 6,5% GDP là hợp lý, là có thể được. Chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 6% so với năm 2009, theo tôi cần xem xét nâng lên 7%, vì năm 2009 như báo cáo đã nêu là kim ngạch xuất khẩu của chúng ta đạt rất thấp, ở mức 99,9% so với năm 2008. Năm tới tôi dự báo kinh tế thế giới có thể phục hồi khá, khả năng xuất khẩu của ta có thể khôi phục bằng mức của năm 2008. Khi chỉ tiêu, bội chi ngân sách 125.000 tỷ đồng bằng 6,5% GDP đặc biệt xem xét lại theo hướng giảm dưới 6,5% GDP.
Về văn hoá, giáo dục - đào tạo, nhiều ý kiến đề nghị đẩy mạnh quản lý các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao văn hóa ứng xử, quy định tiêu chí “phường, xã văn hóa” phù hợp với từng vùng, miền. Tập trung chỉ đạo, quản lý tốt công tác thông tin, tuyên truyền, các trang web…, bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời, tạo sự đồng thuận của xã hội.
Tăng cường quản lý việc xuất bản sách giáo khoa; nghiên cứu lại các điều kiện tuyển sinh, chuẩn đào tạo nghề, về chính sách giáo dục mầm non, đảm bảo quy hoạch đối với chương trình kiên cố hóa trường lớp học, thực hiện đồng bộ việc phân ban, đổi mới giáo dục… Tiếp tục quan tâm thực hiện trợ cấp thâm niên cho giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi, hiệu quả trong việc đầu tư xây dựng ký túc xá cho sinh viên; nhà ở cho giáo viên ở những nơi khó khăn, nâng cao chất lượng cán bộ nghiên cứu, giảng viên; có quy chế đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên và có chế tài xử lý nghiêm những tiêu cực, yếu kém trong lĩnh vực giáo dục nhằm đảm bảo chất lượng, tạo niềm tin trong nhân dân. Nghiên cứu chiến lược phát triển thanh niên, tạo điều kiện để phát huy mạnh mẽ thanh niên đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Quang Anh