Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển còn vấp phải trở ngại là Hungary, khi quốc gia đã bày tỏ nhiều bất đồng với đất nước Bắc Âu này.
Để gây áp lực lên Hungary và cố gắng thuyết phục đồng minh hành động theo tinh thần đoàn kết Đại Tây Dương, Washington đã sử dụng đến kỹ thuật gây áp lực chính trị.
Ông Jim Rish - một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, đã quyết định ngăn chặn việc cung cấp 24 tổ hợp pháo phản lực dẫn đường M142 HIMARS và các vũ khí khác cho Hungary.
Quyết định này được đưa ra do Thủ tướng Hungary Viktor Orban kiên quyết từ chối ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO. Điều này sẽ dẫn đến việc Budapest không thể nhận số vũ khí có giá trị lên đến 735 triệu đô la.
Hơn nữa, có khả năng các hệ thống HIMARS dành cho Hungary sẽ được bàn giao cho Ukraine.
Những tổ hợp pháo phản lực dẫn đường M142 HIMARS dự định dành cho Hungary rất có thể sẽ tới Ukraine. |
Theo tờ Washington Post, Thượng nghị sĩ Rish đã bày tỏ mối quan ngại của mình với chính sách của Hungary, khi nhấn mạnh rằng Thụy Điển vẫn chưa trở thành thành viên của NATO, mặc dù hiện tại đã là tháng 6 năm 2023.
Trước thực tế này, giới chính trị Mỹ đã quyết định gây áp lực lên Hungary trước thềm hội nghị thượng đỉnh của khối quân sự phương Tây diễn ra ở Vilnius, dự kiến vào ngày 11 - 12 tháng 7.
Đồng thời, Mỹ vẫn hy vọng rằng trước hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn sẽ thống nhất được về vấn đề Thụy Điển gia nhập Liên minh. Cần nhắc lại, Stockholm đã đệ trình một văn bản về ý định gia nhập NATO từ tháng 5 năm ngoái.
Trong khi đó, Hungary tiếp tục là quốc gia EU duy nhất mua các nguồn năng lượng từ Nga và không ủng hộ những lệnh trừng phạt đối với Liên bang Nga.
Ngoài Hungary, Mỹ còn đang gây áp lực theo cách tương tự với Thổ Nhĩ Kỳ khi chưa phê duyệt bán cho Ankara những tiêm kích F-16 Block 70 mà nước này quan tâm.