Việc tàu hộ vệ tên lửa tàng hình mang tên Đô đốc Gorshkov của Hải quân Nga, được trang bị tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh 3M22 Zircon bất ngờ xuất hiện ngoài khơi Bermuda đã khiến giới chức quân sự Mỹ cảm thấy vô cùng lo ngại
Thành công Liên bang Nga trong việc phát triển vũ khí siêu thanh đang buộc Lầu Năm Góc phải đẩy nhanh quá trình chế tạo sản phẩm tương đương nhằm không để bị tụt hậu xa hơn nữa trước đối thủ lớn.
Hải quân Mỹ đang cảm thấy rất sốt ruột trước tình trạng tụt hậu trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh. Để giải quyết vấn đề, một hợp đồng giá trị lớn với số tiền hơn 2 tỷ USD đã được ký kết với Tập đoàn Lockheed Martin.
Theo thỏa thuận, nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Mỹ sẽ nâng cấp khu trục hạm tàng hình USS Zumwalt (DDG-1000) để trang bị thêm tên lửa chống hạm siêu thanh.
Tờ Naval News cho biết, Lockheed Martin sẽ nghiên cứu tích hợp tên lửa siêu thanh phóng từ mặt đất của mình, mới được thử nghiệm thành công gần đây vào chiếc khu trục hạm "độc nhất vô nhị".
Để phóng vũ khí mới, một phần mềm đặc biệt sẽ được cài đặt trên USS Zumwalt.
Khu trục hạm USS Zumwalt (DDG-1000) của Hải quân Mỹ sẽ được tích hợp tên lửa siêu thanh. |
"Hải quân Mỹ đã trao cho Tập đoàn Lockheed Martin một hợp đồng trị giá hơn 2 tỷ USD để tích hợp 'Hệ thống vũ khí tấn công nhanh thông thường' (CPS) lên khu trục hạm USS Zumwalt".
"CPS là một hệ thống vũ khí siêu thanh cho phép tên lửa di chuyển quãng đường dài với tốc độ trên Mach 5, có khả năng sống sót cao trước các hệ thống phòng không đối phương", tờ Naval News nói rõ.
Việc trang bị bệ phóng mới cho khu trục hạm USS Zumwalt được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025, sau đó các cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh trên biển sẽ bắt đầu. Tuy nhiên nhiều khả năng phải đến năm 2028 thì hệ thống vũ khí này mới thực sự trực chiến.
Chi tiết cần lưu ý tiếp theo đó là tốc độ của tên lửa siêu thanh do Lockheed Martin chế tạo chỉ bằng một nửa khi đặt cạnh Zircon, bởi 3M22 phát triển tốc độ lên tới Mach 9.