Mỹ - Iran trước bờ vực chiến tranh toàn diện

Mỹ - Iran  trước bờ vực chiến tranh toàn diện

Iran trả đũa

Truyền hình nhà nước Iran đưa tin nước này đã bắn 15 quả tên lửa vào căn cứ không quân Ain al-Asad - nơi Tổng thống Donald Trump từng đến thăm cuối tháng 12/2018, và một mục tiêu khác ở Erbil, cả hai nơi đều có lính Mỹ đồn trú. Phía Iraq nói đã có 22 quả tên lửa được bắn đi.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận các vụ tấn công, thông báo đang đánh giá tình hình thương vong. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman nói: “Mỹ sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ và phòng vệ cho người Mỹ, đối tác và đồng minh của Mỹ trong khu vực”. Truyền hình Iran nói rằng 80 “kẻ khủng bố người Mỹ” đã chết, trực thăng và thiết bị quân sự của Mỹ bị phá hủy.

Song Reuters dẫn lời một nguồn tin nói, đánh giá ban đầu không ghi nhận thương vong, còn các quan chức Mỹ khác từ chối bình luận. Trong phát biểu ban đầu trên Twitter, Tổng thống Donald Trump cũng cho là không có thương vong gì: “Đến nay mọi chuyện đều tốt.

Chúng ta có quân đội mạnh nhất, được trang bị tốt nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới cho đến nay”. Ông sẽ có tuyên bố về vụ tấn công vào sáng 7/1 theo giờ Mỹ, tức tối cùng ngày theo giờ Việt Nam.

Đức, Đan Mạch, Na Uy, Iraq đều khẳng định binh lính của họ không có thương vong gì trong cuộc tấn công của Iran. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran nói, vụ tấn công nhằm trả đũa cho việc tướng Soleimani bị giết trong vụ tấn công của Mỹ vào sân bay Baghdad cuối tuần trước theo lệnh của Tổng thống Donald Trump.

Lực lượng này ra lời cảnh báo Mỹ nên rút quân khỏi Trung Đông để ngăn chặn chết chóc cho lính Mỹ, và cảnh báo đồng minh của Mỹ, kể cả Israel, chớ cho phép các vụ tấn công từ lãnh thổ của họ, nếu không sẽ trở thành mục tiêu của Iran.

Truyền hình Iran đưa tin, một quan chức thuộc văn phòng của nhà lãnh đạo tối cao Ali Khameni nói rằng việc tấn công tên lửa này là “yếu nhất” trong các kịch bản trả đũa. Họ cũng dẫn một nguồn khác nói, Iran đã tập hợp 100 mục tiêu tiềm năng khác.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif sau đó ra tuyên bố trên Twitter nói cuộc tấn công là nhằm tự vệ và Iran không muốn tình hình leo thang thành chiến tranh.

Ông viết: “Iran đã tiến hành và chấm dứt các biện pháp phòng vệ tương xứng theo Điều 51 Hiến chương LHQ nhằm vào căn cứ mà từ đó đã phát đi các cuộc tấn công vũ trang hèn nhát nhằm vào công dân và các quan chức cấp cao của chúng tôi. Chúng tôi không tìm kiếm leo thang chiến tranh, nhưng sẽ tự vệ trước bất kỳ cuộc xâm lược nào”. Rất có thể với dòng Tweet này, Iran muốn đưa ra ranh giới hạn chế việc trả đũa của họ.

Cơ hội kiềm chế

Các nhà phân tích cho rằng, nếu quân đội Mỹ không có thương vong gì trong vụ tấn công trả đũa của Iran, và nếu Iran không tiếp tục trả đũa cho cái chết của ông Soleimani, thì vẫn có cơ hội để Washington và Tehran tìm cách thoát khỏi cuộc đối đầu bạo lực đang gia tăng này.

CNN cho rằng, dù cuộc tấn công của Iran là “cuộc đấu súng” trực tiếp hiếm thấy với Mỹ, nhưng chúng không mạnh như người ta chờ đợi, nếu xét về tầm cỡ của tướng Soleimani trong chính quyền Iran. “Nếu Mỹ cắt nghĩa theo cách đó, tình hình sẽ mở ra hướng đi để giới hạn cuộc khủng hoảng hiện nay không leo thang” - CNN viết.

Nếu không bên nào kiềm chế, Mỹ sẽ trên bờ vực cuộc chiến tranh nóng đầu tiên với Iran sau 40 năm diễn ra các cuộc xung đột ủy nhiệm, những cuộc khẩu chiến và những nỗ lực ngoại giao ngắn ngủi. Còn nếu các bên lùi lại sau những ngày nóng bỏng vừa qua, căng thẳng sẽ được làm dịu bớt.

Lúc đó có thể Iran vẫn tiếp tục tìm cách đẩy Mỹ khỏi khu vực, còn Mỹ sẽ tăng gấp đôi sức ép chính trị, kinh tế, ngoại giao với Tehran, nhưng hai bên sẽ không bị dấn vào cuộc chiến bằng súng đạn mà cả hai bên đều đã khẳng định rằng họ không muốn diễn ra.

Trường hợp chiến tranh nổ ra sẽ có nhiều bất lợi cho ông Trump trước cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới. Báo chí Mỹ nhận định rằng, đó sẽ là một bằng chứng về việc ông Trump luôn hành động thoát khỏi truyền thống ngoại giao Mỹ, theo ý mình một cách đầy cảm xúc hơn là dựa trên một chiến lược lâu dài.

Nó cho thấy chính sách “sức ép tối đa” và trừng phạt kinh tế mà ông Trump đề ra để buộc Iran trở lại bàn đàm phán hạt nhân trở nên thất bại. Chiến tranh sẽ phá vỡ đời sống chính trị Mỹ hiện nay, trong lúc đã có sự chia rẽ nặng nề về việc luận tội ông Trump.

Ở Trung Đông, leo thang sẽ biến khu vực thành lò lửa còn lớn hơn cả cuộc chiến Iraq, do các nhóm chiến binh được cho là Iran ủng hộ sẽ nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và đồng minh, làm ngưng trệ cuộc chiến chống IS. Đó là những điều ông Trump cần cân nhắc.

Nhiều nghị sĩ phe Dân chủ cũng như các ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã cảnh báo về nguy cơ leo thang xung đột. Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, viết trên Twitter: “Chúng ta phải bảo đảm an toàn cho binh lính, kể cả việc chấm dứt sự khiêu khích không cần thiết từ chính quyền, và yêu cầu Iran ngừng bạo lực.

Nước Mỹ và thế giới không thể gánh chịu chiến tranh”. Thượng nghị sĩ Robert Menendez thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thúc giục ông Trump tránh đối đầu trước khi quá muộn. “Chúng ta đang ở ngã tư quan trọng, nơi chúng ta vẫn có cơ hội để hành động có trách nhiệm và theo đuổi các kênh ngoại giao. Người Mỹ không muốn dính vào một cuộc chiến bất tận khác ở Trung Đông, với mục tiêu và chiến lược không rõ ràng”.

Ít nhất Mỹ đã không trả đũa ngay lập tức sau khi Iran bắn tên lửa vào hai căn cứ ở Iraq. CNN dẫn lời một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ nói: “Giờ là lúc phải kiên nhẫn và kiềm chế”. Nếu quả thực lính Mỹ được khẳng định không có thương vong, ông Trump sẽ có khoảng trống để tránh làm tình hình bùng nổ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.