Trước đó, trong một bức thư đăng trên tờ Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, ông Castro bày tỏ sự ngờ vực với Mỹ nhưng vẫn ủng hộ quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Havana và Washington.
“Tôi không tin tưởng chính sách ngoại giao của Mỹ và cũng chưa nói chuyện với họ nhưng điều này không có nghĩa là tôi sẽ phản đối một giải pháp hòa bình cho những cuộc xung đột hay đe dọa chiến tranh”.
Tại cuộc gặp các phóng viên ngày 27-1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã bày tỏ sự lạc quan thận trọng với phát biểu của ông Castro. “Chúng tôi biết còn nhiều ngờ vực nhưng chúng tôi đang cố gắng xây dựng lại lòng tin” - bà nói.
Phát ngôn viên Mỹ cho biết Washington cảm thấy được khích lệ bởi những lời nói tích cực của cựu lãnh đạo Cuba dù họ vẫn duy trì cách tiếp cận kiểu “chờ xem” với chính quyền Havana.
“Chúng tôi xem việc ông ấy đề cập “các chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế” là một dấu hiệu tích cực” - bà Psaki nói và cho biết chính phủ Mỹ đang trông đợi “chính phủ Cuba thực thi những chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế đó vì một Cuba dân chủ, thịnh vượng và ổn định”.
Tuần qua, phái đoàn cấp cao nhất của Mỹ trong vòng 35 năm qua đã thương thảo với giới chức Cuba tại Havana về việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, mở lại đại sứ quán ở mỗi nước và dỡ bỏ một số hạn chế về du lịch.
Mặc dù vậy, bà Psaki cho biết vẫn còn “nhiều việc phải làm” và Mỹ đã mời giới chức Cuba đến Washington trong những tuần tới để tiếp tục đàm phán. Ngày giờ của chuyến đi chưa được tiết lộ.
Ông Castro, năm nay 88 tuổi, vẫn là một nhân vật có nhiều ảnh hưởng tại Cuba dù đã trao quyền lãnh đạo đất nước cho em trai Raul Castro từ năm 2006. Bức thư được công bố tối 26-1 đã xóa đi những đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông sau nhiều tháng im lặng.
Vào tháng 12/2014, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro đã tuyên bố bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ sau hơn 50 năm “xa mặt cách lòng”.