“Chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng môi trường đang thay đổi rất nhanh chóng ở biển Đông nên đòi hỏi những cách tiếp cận mới” – ông Davidson nói với Ủy ban vũ trang của Thượng viện Mỹ - “Nó sẽ đòi hỏi chúng ta nghĩ về một số nơi, nếu không nói là những căn cứ… Chúng tôi đang nói chuyện với các đối tác và đồng minh về những cơ hội có thể có ở đó”.
Ông Davidson lưu ý rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không giữ một lời hứa mà ông nói tại một buổi lễ ở Nhà Trắng với cựu Tổng thống Barack Obama năm 2015, đó là không quân sự hóa biển Đông.
Từ đó Bắc Kinh đã đưa tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị gây nhiễu điện tử tới một loạt đảo, trong đó có đảo nhân tạo, ở biển Đông – ông Davidson chỉ ra.
“Giờ đây họ có vũ khí” – ông Davidson nói – “Họ có đủ quân và họ sẽ tăng cường các hoạt động cả ở trên biển và cùng với các loại máy bay ném bom, máy bay chiến đấu theo cách thể hiện rõ rằng những hòn đảo đó sẽ hỗ trợ họ về mặt quân sự”.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết biển Đông – một tuyến đường thủy quốc tế quan trọng bao gồm đường đi của tàu bè, các đường dây cáp viễn thông dưới biển.. Trong khi đó ít nhất 6 quốc gia khác cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền ở khu vực này.
Mỹ thường xuyên đưa tàu chiến, đôi khi cùng với các quốc gia đối tác, tới biển Đông trong hoạt động mà Washington gọi là diễn tập “tự do hàng hải”.