Vườn thơ có vẻ “quê mùa” ấy, từ mấy ngàn năm nay, đã là một nguồn sữa trong mát nuôi dưỡng những tâm hồn nghệ thuật dân tộc.
Nhiều câu ca dao, dân ca đã có tác dụng khơi nguồn cảm hứng cho sáng tác nghệ thuật, nhất là thơ ca. Chẳng thế mà trong tác phẩm “Truyện Kiều” nổi tiếng của Nguyễn Du, đây đó ta bắt gặp những câu thơ như:
“Vầng trăng ai sẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”.
Mang dáng dấp của câu ca dao:
“Vầng trăng ai sẻ làm đôi
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng !”
Rồi trong thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Bính… hương sắc của thơ ca dân gian đã hòa quyện một cách đậm đà, góp phần làm nên phong cách của mỗi nhà thơ.
Bài ca dao tỏ tình sau đây, cũng là một đóa hoa thơ có hương sắc đặc biệt trong Vườn Thơ dân tộc:
“Lá này là lá xoan đào
Tương tư thì gọi thế nào hả em?
Cánh bèo anh tưởng cánh sen
Ánh trăng anh tưởng ánh đèn anh khêu !”
Ánh trăng làm cho những cảnh thôn dã mộc mạc cũng trở nên thơ mộng và hóa thành nhịp cầu cho trai gái hẹn hò gặp gỡ nhau. Trong buổi ban đầu, khi trai gái đi bên nhau, trái tim thổn thức, “trống ngực đánh to hơn trống làng”, cho lòng bối rối, nên chẳng nói nên lời. Để phá tan cái khoảng không lời ấy, một trong hai người phải lên tiếng chứ? Nhưng nào ai biết nói gì đây! Họ phải nhìn quanh, xem có cái gì để vịn vào đó mà vượt qua nỗi e thẹn ban đầu.
May thay! Trước mặt họ lúc này, lại có cái lá xoan đào, không biết nó vô tình hay hữu ý, rơi vào khoảng lặng giữa lứa đôi, để gỡ thế bí cho chàng trai. Chàng trai cầm chiếc lá xoan, giơ lên trước mặt người tình mà khoe rằng: “Lá này là lá xoan đào!” Không nói thì vô duyên quá mà nói ra lại càng vô duyên. Bởi vì, lý ra anh ta phải khoe một cái gì mới lạ chứ, còn cái lá xoan đào này, cô gái có lạ gì. Chẳng lẽ một cô gái sinh ra ở chốn vườn quê lại không biết được đó là cái lá xoan đào, một loại xoan có thân gỗ màu hồng đào, không bao giờ bị mối xông, mọt đục, nên thường dùng để làm cửa làm nhà, đóng đồ nội thất và cũng thường dùng để đóng giường cưới nữa hay sao?
Nhưng chính nhờ có câu nói vô duyên ấy mà mối duyên tình giữa hai con tim còn ngăn cách được nối lại. Cái lá xoan đào quen thuộc chốn vườn quê, vô tình đã trở thành một nhịp cầu, cho hai con tim vỗ sóng sang nhau. Lẽ đời, khi nói một điều mà người ta đã biết là lời nói thừa, nhưng trong cuộc trai gái hẹn hò này, nếu không nói thì lại rất thiếu như đôi bờ sông sâu thiếu một nhịp cầu. Cái nhịp cầu mà chàng trai muốn mượn cánh lá xoan này để bắc vào lòng cô gái, đó là: Người yêu của ta ơi! Như em đã biết đấy, ở trên đời này cái gì cũng có tên của nó. Chẳng hạn cái lá này tên của nó là “lá xoan đào”. Từ tên của cái lá ở bên ngoài, bắc cầu vào việc hỏi tên sự cảm xúc ở bên trong thế giới tâm hồn:
“Tương tư thì gọi thế nào hả em?”
Chàng trai này lẩn thẩn chăng? Tương tư thì gọi là Tương tư, chứ còn gọi là gì nữa?
Nghe ra thì có vẻ là lẩn thẩn, nhưng đừng tưởng, mà đây lại là một chàng trai rất khôn khéo, hóm hỉnh trong việc giao tiếp đấy. Anh ta không dám nói thẳng ra là mình đang tương tư, vì sợ sỗ sàng mà chỉ nói lảng sang cái chuyện đặt tên cho sự vật, cho cảm xúc thế thôi, để thăm dò xem thái độ của cô gái như thế nào, có phản ứng gì không. Nếu không thì sau đó mới dấn thêm một bước nữa bằng cách nói gần, nói thật ra những điều có trong lòng mình.
Qua đây, ta thấy nghệ thuật sử dụng câu hỏi của ca dao cũng thật tài tình: Hỏi mà không yêu cầu trả lời và nếu có trả lời cũng không trả lời được, vì cái tên mà anh ta muốn hỏi, đã được nói toạc ra rồi. Cho nên hỏi chỉ là một phương tiện để phô bày. Câu hỏi này cũng là một cách nói ỡm ờ mà tình tứ, nửa kín, nửa hở, ta thường gặp trong nghệ thuật của ca dao, dân ca như;
“Hỡi cô tát nước bên đàng!
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”
Cái tài tình của câu hỏi còn là ở chỗ: Chỉ cần nói ít mà được nhiều, vừa thể hiện được lòng mình một cách tự nhiên, không sượng sùng, vừa thử lòng người và cũng là hình thức gián tiếp đề cao cô gái. Một phép thử lòng nữa theo kiểu “cuốc giật vào lòng”, còn được thể hiện trong cách dùng loại từ mà chỉ khi dùng giao tiếp đối với những người đã thân quen từ lâu rồi. Đó là từ “hả”. Nếu dùng từ “hỡi” thì khoảng cách không gian giữa hai người xa quá, ví như:
“Hỡi cô cắt cỏ bên sông!
Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây”
Và khoảng cách tình cảm cũng còn rất xa:
“Sang đây anh nắm cổ tay
Anh chí cổ tay
Anh hỏi câu này:
- Có lấy anh không”?
Từ “hả” ở đây, còn cho ta thấy khoảng cách không gian giữa hai người như gần kề bên nhau, chỉ cần quay lại là môi chạm vào môi nhau. Sau khi thấy cô gái không có phản ứng gì, chàng trai không còn giấu lòng mình được nữa mà nói thẳng ra là mình đang chìm trong cơn mê. Cho nên:
“Cánh bèo anh tưởng cánh sen
Ánh trăng anh tưởng ánh đèn anh khêu!”
Chàng trai muốn nói với cô gái rằng: Vì mình đang mắc bệnh tương tư, nên bị hoa cả mắt, nhìn “gà hóa cuốc”. Tương tư, trong trường hợp này không phải là do nhớ thương vì sự ngăn cách bởi không gian vời vợi ngàn trùng, hay sự xa cách về thời gian đằng đẵng, không được gặp mặt nhau; hoặc là tình yêu đơn phương không được đáp đền thỏa mãn mà sinh ra ốm đau, như bệnh tình của Trương Chi và Mỵ Nương trong truyện dân gian.
Cả đôi tình nhân đang vai kề vai chung bước mà chàng trai vẫn cứ tương tư, thì lạ thật! Vậy nỗi tương tư của anh chàng này chỉ là sự mê đắm trong mối tình thơ mộng, nên không nhận thức được một cách chính xác cảnh sắc ở bên ngoài. Nhìn cánh bèo trôi dạt trên mặt nước mà lóa mắt, cứ tưởng đó là cánh lá sen, thế có nghĩa là hình khối và bản chất của cảnh vật đã bị đánh tráo bởi con mắt đang nhuốm bệnh tương tư. “Cánh bèo” , là thân phận bèo bọt thấp hèn, sao lại có thể so với lá sen mang hương sắc thanh cao tươi mát?
Ánh trăng sáng tỏ giữa trời cao, tỏa mát khắp không gian, sao lại có thể đánh lộn với ngọn đèn dầu lạc tù mù, đỏ quạch, không đủ sức soi tỏ, nên anh ta cứ phải khêu hoài cái bấc ảo (không có bấc) đó lên. Vậy thì cái gì đã làm át đi cả hình sắc lá và ánh sáng thanh cao trong tâm cảm của chàng trai? Cái gì đã làm cho anh ta mê mẩn đến mức lầm lẫn tất cả? Nếu không phải là cô gái nết na xinh đẹp, đi bên cạnh anh ta thì còn là ai nữa? Cô gái đã trở thành điểm sáng rực rỡ trong tình yêu của chàng trai và cũng là bóng thức của hồn mê.
Nhưng có thật là chàng trai đang bị “bùa mê, thuốc lú” không? Hay chỉ là lời tán tỉnh nhằm đề cao người tình?
Xét về phương diện nghệ thuật thì nhân vật “Anh”, nhân vật trữ tình đang trực tiếp bày tỏ tình cảm với cô gái, chứ không phải là tác giả. Thực ra là chàng trai không mê mà lại rất tỉnh, nên mới nhận thức được sự giả tưởng của mình, điều đó được thể hiện qua nhóm từ: “Anh tưởng” cánh sen, “Anh tưởng” ánh đèn. Nếu là mê mẩn thật thì có khi anh ta đã nhẩy xuống ao bèo mà cứ tưởng là mình đang đi trên mặt đất cũng nên!
Cái hay, cái đẹp, sự hàm súc và tinh tế của ca dao, dân ca là như thế đấy.n