Do vậy, nếu không cẩn thận, các bà vợ sẽ đẩy chồng ra xa mình hơn, thậm chí càng sa lầy vào thói hư tật xấu.
Tâm lý độc chiếm chồng
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Lê, Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống (TƯ Đoàn TNCSHCM), lý do khiến cho các bà vợ phải nghĩ ra chiêu “độc” để quản chồng, một phần cũng do các ông chồng.
Có thể ông chồng mắc tật trăng hoa, thích à ưa với người phụ nữ khác làm mất niềm tin nơi các bà vợ. Một phần nữa có thể bản thân các ông chồng cũng ở thế “dưới cơ” vợ, bị vợ bắt nạt. Cách hành xử của những bà vợ này là xuất phát từ mục đích tốt đẹp là muốn giữ chồng. Nhưng những biện pháp đó thường không hiệu quả, thậm chí lại phản tác dụng.
Tâm lý người đàn ông trước những bà vợ này thường là không phục, không sợ. Thậm chí có người chồng sẽ khó chịu bởi cách hành xử đó. Trước mặt vợ, có thể họ im lặng hoặc xin lỗi, nhưng thực chất là họ đang cố chịu đựng mà thôi.
Với những người vợ ghen một cách thái quá như vậy, thường các ông chồng sẽ ra ngoài kể xấu và châm biếm “con vợ mình”, “sư tử Hà Đông” nhà mình… rồi thì chứng nào vẫn tật ấy.
Khi thực hiện những chiêu “độc”, thường tâm lý các bà vợ sẽ thỏa mãn được ý đồ kiểm soát, sở hữu và độc chiếm chồng của mình. Nếu ở mức độ nhẹ, có thể các ông chồng sẽ rất thích vì cảm thấy mình quan trọng, thấy vợ yêu và cần mình.
Tuy nhiên nếu các bà vợ ứng xử một cách thái quá thì chẳng mang lại kết quả tốt đẹp gì. Họ đang tìm cách giữ phần xác mà không biết giữ phần hồn của chồng. Việc bắt chồng thú nhận tang chứng như vậy thực chất là càng đẩy họ lún sâu vào tật xấu của mình. Nó là một dạng bạo hành tinh thần rất ghê gớm, đẩy người chồng càng ngày càng ra xa các bà vợ hơn.
Các ông chồng không bao giờ… sợ vợ?
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất lại tỏ ra hết sức thông cảm với giới nữ. Ông cho rằng: Ghen là tật chung của phụ nữ Việt Nam. Xuất phát của việc ghen là yêu và muốn giữ chồng.
Phụ nữ ở một số nước tiên tiến cũng có tật này nhưng luật pháp của họ nghiêm nên khi có bằng chứng ngoại tình là người chồng phải đi khỏi nhà. Còn ở Việt Nam không như vậy.
Để giữ được người đàn ông của mình, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất khuyên rằng, chị em cần đặc biệt tránh việc đe dọa, làm nhục họ. Chị em nên thu hút họ về phía mình bằng sự tế nhị, dịu dàng, nắm tâm lý của đàn ông, nghiêm khắc…
Có người phụ nữ rất sai lầm khi tâm sự rằng “chồng tôi chỉ sợ tôi”. Thực chất đàn ông không hề sợ vợ. Họ chỉ nể vợ, yêu vợ chứ không sợ. Nếu có sợ chỉ sợ bố mẹ của họ và sợ con họ thôi, chứ tuyệt nhiên vợ thì không.
Do vậy, muốn “buộc chặt chồng”, đừng bao giờ phản đối theo kiểu “em không đồng ý” mà là “3 mẹ con em không đồng ý”, kể cả khi đứa con đang là một chiếc bào thai. Cách nói đó sẽ khiến các ông chồng nghe hơn, bởi bản chất là họ sợ con chứ không phải sợ vợ.
Nếu nói “em chẳng đồng ý” thì ông chồng sẽ nói “chẳng đồng ý thì thôi”. Nhưng nếu khéo léo, hiểu tâm lý sợ con của ông chồng thì bà vợ sẽ nói “3 mẹ con em không đồng ý” thì ông chồng sẽ nghĩ khác. Bởi vũ khí của người vợ là sự tế nhị, dịu dàng nhưng phải kiên quyết.
Hầu như đàn ông khi đi với người phụ nữ khác đều không muốn mất vợ, không dám mất vợ. Như nhà thơ Tế Xương đã từng viết:
“Một trà, một rượu, một đàn bà/ Ba cái lăng nhăng nó quấy ta/ Chừa được thứ nào hay thứ nấy/ Họa chăng chừa rượu với chừa trà”.
“Đàn ông cũng hiểu thói ham đàn bà là một thói hư tật xấu khó bỏ của họ. Nếu người phụ nữ hiểu được tâm lý này, hiểu rằng đàn ông không chừa được tật mê đàn bà thì các bà vợ đừng dùng những kế sách bắt nạt chồng kiểu quái dị.
Hãy bằng sự tế nhị, dịu dàng mà nghiêm khắc để kéo chồng về với mình. Cố chứng minh, cố bắt bẻ, cố tìm ra mọi bằng chứng để tố cáo tội lỗi của chồng thì chồng sẽ không vì sợ vợ mà yêu vợ hơn. Ngược lại, họ sẽ sợ cách ứng xử kém văn hóa đó để chạy theo người đàn bà khác mãi mãi”, nhà tâm lý Nguyễn An Chất nói.