(GD&TĐ)-Mục tiêu chung của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 là đến năm 2020, đa số sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa. Tuy nhiên, để đạt được đến mục tiêu này còn rất nhiều khó khăn trước mắt. PV Báo Giáo dục & Thời đại điện tử đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng bộ phận thường trực Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 về vấn đề này.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng bộ phận thường trực Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.Ảnh: gdtd.vn |
PV. Ông đánh giá thế nào về trình độ ngoại ngữ của HSSV hiện nay?
Ông Nguyễn Ngọc Hùng: Nhìn thẳng vào sự thật, hiện đa số HSSV chúng ta hiện nay chỉ biết một chút về từ vựng, ngữ pháp, nhưng nếu nói đến kỹ năng đọc trên phương diện đọc để lấy được thông tin thì còn rất kém.
PV. Theo ông, nguyên nhân của thực trạng trên là gì?
Ông Nguyễn Ngọc Hùng: Theo tôi, nguyên nhân trước hết đó là do cách tiếp cận đối với môn học. Từ xưa đến nay chúng ta vẫn coi dạy ngoại ngữ như một môn học chứ chưa yêu cầu học sinh sử dụng ngoại ngữ như một công cụ để hội nhập quốc tế. Vì dạy ngoại ngữ như một môn học nên nhu cầu giao tiếp không được chú ý đến. Cả giáo viên cũng có thói quen dạy ngoại ngữ như một môn học mà ít chú ý đến kỹ năng cho HSSV nên chính các thầy cô cũng “quên” luôn các kỹ năng này. Vì vậy, điều cần thay đổi đầu tiên cũng là thay đổi từ cách tiếp cận môn học, thay vì coi ngoại ngữ như một môn học lý thuyết trở thành môn hình thành các kỹ năng cho học sinh như nghe, nói, đọc, viết.
Nguyên nhân nữa là do yếu tố trang thiết bị dạy học và cuối cùng là cả xã hôi, gia đình, nhà trường đều chưa thực sự quan tâm đến việc dạy, học ngoại ngữ, giúp con em mình có năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.
PV.Liệu chúng ta có thay đổi được những hạn chế trên với Đề án ngoại ngữ 2020?
Ông Nguyễn Ngọc Hùng: Thực sự, với trình độ ngoại ngữ của HSSV như hiện nay chúng ta chưa thể hội nhập với ai được, vì thế Chính phủ mới có đề án này. Hiện, chúng tôi đã tiến hành các bước hết sức cơ bản như đổi mới chương trình, sách giáo khoa, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ giáo viên và yêu cầu tất cả giáo viên phải đạt chuẩn. Chính phủ sẽ làm tất cả các biện pháp để hỗ trợ giáo viên học tập, nâng cao trình độ, tăng cường đào tạo về phương pháp giảng dạy để đổi mới toàn bộ cách tiếp cận với môn học. Hy vọng như vậy, thế hệ con em chúng ra sẽ được hưởng lợi từ đề án này và trong 10 năm tới, chúng ta sẽ thay đổi năng lực cơ bản cho toàn bộ HSSV tốt nghiệp các trường từ phổ thông đến ĐH.
Tôi tin chúng ta có thể làm được nhưng phải hết sức cố gắng. Việc này không phải việc riền của Bộ GD&ĐT mà là việc của tất cả các bộ, ngành, UBND các tỉnh, các Sở GD&ĐT và đặc biệt là nhiệm vụ của Ban giám hiệu các trường ĐH, CĐ.
PV.Ngoài một số ĐH lớn, hiện có nhiều trường ĐH, CĐ trên cả nước cũng đào tạo giáo viên ngoại ngữ. Đã có giải pháp nào cho những đối tượng này thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Hùng: Bộ đã tiến hành rồi. Chúng tôi đã cho xây dựng chương trình đào tạo giáo viên tiểu học, THCS tại các trường CĐ được ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) xây dựng với sự tham gia của tất cả các trường ĐH, CĐ trên cả nước. Khi chương trình trên được ban hành thì các trường CĐ trên cả nước có chương trình đào tạo CĐ sư phạm tiếng Anh sẽ phải tham gia sử dụng chương trình này. Bộ GD&ĐT cũng sẽ dành kinh phí và thời gian cần thiết giúp các trường CĐ có được đội ngũ giáo viên xuất sắc.
PV.Chương trình này bao giờ được áp dụng thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Hùng: Cuối năm nay chúng tôi sẽ ban hành và bắt đầu từ tháng 9 sang năm, các trường CĐ sư phạm trong cả nước sẽ ứng dụng chương trình này.
PV.Việc đào tạo đội ngũ giáo viên mới thì như vậy, nhưng hiện tại Bộ GD&ĐT có giải pháp nào đối với đội ngũ giáo viên không đạt chuẩn hiện nay?
Ông Nguyễn Ngọc Hùng: Hiện nay, 18 trường ĐH, CĐ trong cả nước đang thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên không đạt chuẩn. UBND các tỉnh cũng đang tích cực đầu tư để đưa giáo viên đến các lớp tiếp tục nâng cao trình độ đạt chuẩn quy định. Hy vọng đến năm 2015 chúng ta sẽ làm xong việc này.
PV.Vậy còn với lứa sinh viên hiện tại chưa được thụ hưởng đề án từ cấp tiểu học, làm thể nào để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đối tượng này?
Ông Nguyễn Ngọc Hùng: Cái này chúng tôi đã giao cho các trường xây dựng tiếng Anh tăng cường, dạy số giờ nhiều hơn và đặt ra mục tiêu cao hơn.
PV. Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hiếu Nguyễn (thực hiện)