Tổng lượng dòng chảy thấp kỷ lục
Ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, sau đợt hạn mặn khốc liệt năm 2020, bước vào mùa lũ lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mê Kông vẫn tiếp tục bị sụt giảm.
Từ đầu tháng 6 đến nay, tổng lượng mưa khu vực thượng nguồn Trung Quốc thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 25%. Tổng lượng mưa ở vùng thượng lưu sông Mê Kông ở mức cao hơn TBNN và năm 2019 từ 10 - 25%, ở vùng trung, hạ lưu phổ biến thấp hơn TBNN và năm 2019 từ 25 - 45%.
Tổng lượng mưa khu vực ĐBSCL ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN từ 10 - 40%. Hiện tại, mực nước cao nhất vùng đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn TBNN từ 1,15 - 2,0m, thấp hơn cùng kỳ nhiều năm.
Theo thông tin dự báo khí tượng, cuối tháng 9 - 10 lượng mưa trên lưu vực có thể sẽ được cải thiện và lượng mưa sẽ tăng tới mức TBNN. Tuy nhiên, thường vào đầu mùa lũ, các hồ chứa bắt đầu tích nước theo quy trình.
Do vậy, mặc dù có thể có sự gia tăng đóng góp dòng chảy của mưa nhưng vì nền tài nguyên nước trên lưu vực nửa đầu mùa lũ đang ở mức rất thấp (kể cả mực nước các hồ chứa), nên mực nước dọc dòng chính sông Mê Kông không thể tăng cao và vẫn bị thấp hơn so với TBNN. Các hồ chứa vẫn tiếp tục tích cực tích nước để bảo đảm phát điện trong mùa khô tới.
Báo động hạn hán, xâm nhập mặn
Ông Vũ Đức Long cho hay, theo các số liệu thống kê, tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô 2020 - 2021 từ thượng nguồn sông Mê Kông về ĐBSCL ở mức thiếu hụt từ 20 - 35% so với TBNN, tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và gay gắt. Tuy nhiên, dự báo khí quyển khả năng chuyển sang trạng thái pha lạnh (La Nina) vào các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 nên lượng mưa trong các tháng mùa khô tại vùng ĐBSCL có khả năng cao hơn TBNN và xuất hiện các đợt mưa trái mùa nên tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có thể được cải thiện.
Cảnh báo chiều sâu xâm nhập mặn (4g/l) tại các cửa sông Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Tây, sông Cửa Tiểu, sông Cửa Đại, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên, sông Hậu và sông Cái Lớn. Thời gian xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có thể xuất hiện sớm từ khoảng đầu tháng 12, trong đó xâm nhập mặn cao tập trung vào tháng 2 (từ 10 - 14/2, từ 24 - 28/2), tháng 3 (từ 12 - 16/3, từ 25 - 29/3); riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3, tháng 4 (từ 10 - 14/4, từ 24 - 28/4).
Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy sản và diện tích trồng cây ăn trái ở ĐBSCL, đặc biệt tại các huyện: Thủ Thừa, Bến Lức, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc (Long An); huyện Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông (Tiền Giang); Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Chợ Lách (Bến Tre); huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ, Tam Bình (Vĩnh Long); huyện Trà Cú, Châu Thành (Trà Vinh)...
Ngoài ra, do thiếu hụt nguồn nước dẫn đến mực nước trên sông và các kênh rạch ở mức thấp, nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông và các kênh rạch trong thời gian này, đặc biệt là trên các sông chính.
Trường hợp cực đoan, mưa trái mùa xảy ra ít, kết hợp với việc sử dụng, khai thác tài nguyên nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập vùng thượng nguồn gia tăng, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ diễn ra tương tự mùa khô năm 2019 - 2020 và có thể còn gay gắt hơn. Người dân cần có các phương án chuẩn bị ứng phó, tránh những thiệt hại nghiêm trọng do thời tiết khắc nghiệt đem lại.