“Mưa vàng” cứu lúa

GD&TĐ - Trong mấy ngày qua, mưa rào tại hầu hết các huyện của Nghệ An được ví như “mưa vàng”, giảm nhiệt, và đặc biệt cứu hàng ngàn ha lúa vụ Hè Thu đang có nguy cơ chết hạn do nắng nóng, gió phơn Tây Nam kéo dài.

“Mưa vàng”  cứu lúa

Thoát khỏi tình trạng “chết cháy”

Ông Nguyễn Văn Thư (SN 1960) trú tại xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An có 7 sào ruộng đã gieo cấy lúa. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cây lúa còi cọc, toàn bộ diện tích ruộng bị nứt nẻ, có nguy cơ khô cháy. Ông đã huy động toàn bộ nhân lực ra đồng chống hạn, nhưng lượng nước từ mương dẫn quá ít nên hiện mới chỉ có hơn 1 sào lúa của gia đình ông có nước tráng chân ruộng. Số còn lại, ông đang không biết xử lý thế nào.

“Tôi chỉ lo tiếp tục nắng hạn 38 – 39 độ, gió nam thổi như vậy thì diện tích lúa cấy bị khô, còn số gieo sạ chắc cũng chết. Nhưng nhờ trời, sau mấy trận mưa thì lúa của bà con được cứu rồi”, ông Thư vui mừng núi.

Huyện Hưng Nguyên là một trong những vùng trọng điểm trồng lúa của tỉnh Nghệ An. Đợt nắng nóng vừa rồi, hơn 1.100 ha lúa Hè Thu nguy cơ chết vì hạn. Nay nhờ có mưa nên số diện tích lúa này được phục hồi do nước đã có trong đồng.

Tại xã Nghĩa Hành (huyện Tân Kỳ, Nghệ An), tính đến dịp đầu tháng 7, có tới 11/13 hồ đập vào tình trạng cạn kiệt nước. Điều này khiến 170ha đất nông nghiệp chưa thể cày bừa để chuẩn bị cho vụ cấy Hè Thu. “Nếu trời không mưa, không có nước để làm đất thì số mạ đã bắc sẽ già, quá tuổi. Không những thế việc cấy muộn sẽ ảnh hưởng đến mùa vụ, đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng do mưa lũ cuối tháng 9, đầu tháng 10”, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hành cho biết. Vì thế, mưa vào những ngày qua cũng đã giúp bà con nơi đây kịp gieo trồng.

Huyện Nghi Lộc cũng nhờ có mưa và nhiệt độ giảm nên khoảng 5.500 ha lúa cơ bản thoát khỏi tình trạng “chết cháy” ngoài đồng.

Tiếp tục các phương án chống hạn

Tại Nghệ An, đầu tháng 7 trở về trước, thời tiết nắng nóng kèm gió phơn Tây Nam khiến mực nước các hồ đập thủy lợi xuống thấp: 25 hồ đập đã xuống dưới mực nước chết, 40 hồ dung tích dưới 50%, 20 hồ dung tích nước còn 50 - 70%. Mực nước tại các công trình đầu mối như hồ thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố… đều thấp hơn mực nước thiết kế.

Thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Gần 23.000 ha lúa bị khô hạn, thiếu nước tưới, gần 15.000 ha lúa chưa thể gieo cấy.

Tình trạng cháy rừng liên tiếp xảy ra tại các huyện Nam Đàn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành và Đô Lương.

Bởi vậy, những cơn mưa rào vừa qua được xem là “mưa vàng” cứu nguy cho lúa, hoa màu có nguy cơ chết cháy ngoài đồng do nắng hạn. Ngay sau khi có mưa, nông dân Nghệ An đồng loạt ra đồng khơi thông cống rãnh, thực hiện biện pháp tích trữ nước và cứu lúa.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết: Toàn xã có 300 ha lúa. Từ trong đợt nắng nóng, xã đã tổ chức lực lượng khơi thông hệ thống mương dẫn về đến ruộng dân để không xảy ra thất thoát nước. Hiện bà con đang ra đồng gia cố bờ, thực hiện tích trữ nước trong ruộng để cây lúa phát triển.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn, những ngày tới tại Nghệ An thời tiết có mưa nhỏ, nền nhiệt độ hạ xuống. Tuy nhiên, không chủ quan với thời tiết, ngành thủy lợi tích cực phối hợp với các địa phương điều tiết nước hợp lý. Khuyến cáo nông dân sử dụng tiết kiệm nước và thực hiện biện pháp tích trữ nước đề phòng có thể trong tháng 7 và tháng 8 tới sẽ còn nắng nóng, khô hạn gay gắt hơn trước.

UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ban ngành và UBND 21 huyện, thành phố, thị xã thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Trong trường hợp nắng nóng kéo dài, các hồ chứa nước cạn kiệt không đủ nước phục vụ tưới tiêu cho cây trồng, vật nuôi, tỉnh Nghệ An sẽ yêu cầu các hồ thủy điện trên sông Lam có lịch điều tiết, xả nước phù hợp để chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ