Ngày 30/11, Nha Trang tiếp tục có mưa lớn. Nhiều khu vực ngoại ô thành phố như xã Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái... ngập hơn nửa mét.
Tại xã Vĩnh Thạnh, nước tràn vào chợ Ga, tiểu thương kê hàng hóa lên cao, đóng cửa sạp. Trong khi đó, người dân phải lội nước quá đầu gối đi mua thực phẩm, nến để phòng khi mất điện.
Nhà nằm phía sau cánh đồng, khu vực thấp trũng, anh Quang cho biết, mỗi lần mưa kéo dài, anh đều chuẩn bị tâm lý ứng phó ngập. 19h hôm qua, trời mưa xối xả, anh cùng em trai ngồi trong nhà thì thấy nước dâng cao, tràn vào nhà. Hai anh em liền rút ổ cắm điện tủ lạnh, thu dọn xoong nồi, quạt máy... đưa lên giường.
Lúc sau, khu nhà bếp nước đã cao gần đầu gối, việc đi lại khó khăn hơn. Nhà không còn đủ chỗ, hai anh em phải lắp giàn giáo trước sân để cho đàn gà leo lên. "Cả đêm qua, chúng tôi thức trắng để chống chọi với lũ", Quang nói.
Cách đó khoảng 300 m, ông Lê Thành Chính, 53 tuổi, gửi xe máy nhà người quen ngoài đường lớn, rồi cùng con gái 21 tuổi lội nước khoảng 800 m vào nhà.
Ba hôm nay, trời mưa, xưởng cơ khí tại nhà của ông Chính phải đóng cửa do công nhân nghỉ làm. Ông dự đoán lũ diễn ra, nhưng không ngờ lại lên nhanh như tối qua. Chỉ trong 30 phút, nước tràn vào nhà khoảng 50 cm, gia đình ông phải đưa máy móc, đồ đạc lên gác.
"Cả đêm qua, vợ chồng thao thức để theo dõi lũ, chỉ mong trời sớm tạnh mưa, nước rút còn dọn dẹp bùn đất để ổn định cuộc sống", ông Chính nói.
Tại xã Vĩnh Hiệp, vợ chồng ông Nguyễn Hùng, 64 tuổi, trông khá mệt mỏi, sau một đêm không ngủ. Nhà sát lộ 23 Tháng 10, mỗi lần có xe qua, nước từ đường lại tràn vào. Lo sợ nước tiếp tục lên trong tối nay, họ đã về con trai cách đó khoảng 2 km để ở tạm.
Đến chiều nay, chính quyền TP Nha Trang đã sơ tán hơn 1.500 người tại các khu vực thấp trũng, nguy cơ sạt lở đến các trường học, nhà văn hóa thôn, trụ sở UBND xã... để tránh lũ. Thành phố cũng yêu cầu các địa phương rà soát, cử lực lượng chốt chặn, không cho người dân qua lại điểm ngập.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa cho biết ngoài Nha Trang, nhiều xã ở huyện Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa và nhiều cánh đồng của huyện Vạn Ninh bị ngập.
Mưa lũ cô lập 27 du khách tại núi Tà Giang, huyện Khánh Sơn. Lực lượng cứu hộ đang tiếp cận để giải cứu đoàn khách đến từ TP HCM này. Trong khi đó, quốc lộ 27C nối Nha Trang - Đà Lạt đã được thông tuyến sau 6 giờ bị tê liệt do sạt lở.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa tiếp tục cho hơn 286.000 học sinh trên toàn tỉnh nghỉ ngày 1/12, thời gian trở lại trường chờ thông báo sau.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ hôm nay đến hết ngày mai, Khánh Hòa tiếp tục có mưa lớn, có nơi lượng mưa trên 100 mm. Toàn tỉnh Khánh Hòa có 31 hồ chứa nước, tổng dung tích hiện nay 232 triệu m3. Các hồ đang xả lũ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông, nhiều ngày qua các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nhiều ngày qua có mưa lớn, gây sạt lở, ngập lũ ở Khánh Hòa, Phú Yên và Đăk Lăk.