Vì vậy, việc sưu tầm để phục hồi và gìn giữ các điệu múa cổ đang là sự quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu văn hóa cũng như những nghệ sĩ múa tâm huyết của Hà Nội.
Những năm gần đây, những điệu múa cổ Thăng Long đã được người dân phục dựng tạo nên sự hấp dẫn độc đáo cho nét văn hóa của người Hà Nội.
Tìm về nguồn cội
Theo thống kê mới nhất tại Hà Nội hiện còn lại khoảng 30 điệu múa cổ. Từ năm 2006 đến nay, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện công trình “Phục hồi, phát triển múa cổ Thăng Long - Hà Nội”.
Nhờ đó, nhiều điệu múa cổ đặc sắc như múa rồng, múa trống bồng, múa bài bông… tưởng như đã bị lãng quên, nay đang hồi sinh trên chính mảnh đất cội nguồn.
Là đất kinh kỳ kẻ chợ xưa nên Hà Nội – Thăng Long là nơi giao thoa của nhiều nét văn hóa đặc sắc phong phú. Bởi vậy múa cổ Hà Nội là sự kết tinh của nhiều nét văn hóa.
Điệu Lục cúng hoa đăng ở chùa Minh Quang (quận Đống Đa) có sự pha trộn của loại hình nghệ thuật truyền thống của văn hóa Phật giáo và nhã nhạc cung đình Huế. Đặc biệt, múa bài bông của làng Phú Nhiêu là sự kết hợp giữa những điệu múa bình dân và quý tộc...
Tuy nhiên, múa cổ Thăng Long cũng có những làn điệu mang đậm phong cách riêng của người đất kinh kỳ xưa. Những điệu múa dân gian thường có nội dung ca ngợi, mừng cuộc sống yên bình của muôn dân.
Múa cung đình với biểu tượng quyền quý, long – ly – quy - phượng với ý nghĩa cầu chúc an lành, thịnh vượng, xua đuổi tà ma. Múa tín ngưỡng tôn giáo lại mang tính nhân văn cao, cầu siêu cho các vong hồn đã mất trong tiến trình lịch sử ngàn năm của đất Thăng Long.
Đã có một thời gian dài, nhiều người cho rằng, vùng đất Thăng Long - Hà Nội không có truyền thống múa, hoặc nghệ thuật múa chỉ hết sức mờ nhạt trong một số lễ hội.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện những chuyến điền dã thâm nhập vào đời sống của quần chúng nhân dân, các thành viên Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội nhận ra vùng đất Thăng Long - Hà Nội có một kho báu di sản múa cổ. Hầu hết các điệu múa cổ của Hà Nội và Hà Tây (cũ) đều gắn với các nghi thức tâm linh nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ. Song nếu như chúng ta không nhanh chóng tìm tòi, phục dựng thì sự mai một lai tạp là không thể tránh khỏi.
Sống dậy trong môi trường diễn xướng
Sau 15 năm qua nghiên cứu, sưu tầm, kết hợp với người dân các địa phương Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã sưu tầm được 59 hình thức múa cổ truyền của Hà Nội. Những nghiên cứu này đã phục dựng lại từ hình thức, động tác, trang phục tại các môi trường diễn xướng mà múa cổ được khai sinh.
Trong đó, có nhiều điệu múa nổi tiếng như: Múa Giải Long (hội Lệ Mật - quận Long Biên), múa Rồng lửa (hội Đống Đa, quận Đống Đa), múa Kéo chữ (hội làng Sọ, huyện Sóc Sơn), múa cởi yếm mo (hội làng Đường Yên, huyện Đông Anh)...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo thuộc Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội từng chia sẻ: “Thử tưởng tượng, nếu như trong lễ hội truyền thống vắng bóng những lời ca điệu múa thì con người sẽ rơi vào trạng thái lặng lẽ, tẻ nhạt và nhàm chán bởi những nghi thức cứng nhắc, khô khốc.
Các lời ca điệu múa nhắc nhở chúng ta về truyền thống hào hùng của cha ông, tạo những ký ức đẹp về hội làng, ghi dấu ấn trong tâm trí mỗi người từ tấm bé đến suốt cuộc đời”.
Năm nay, vào dịp kỷ niệm 62 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội, các điệu múa cổ đã lại được tái hiện tưng bừng tại chân tượng đài Lý Thái Tổ.
BTC cho biết tại đây các điệu múa cổ được phục dựng lại và trình diễn như múa Đèn ở lễ hội đền Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, điệu múa Chén ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, múa chèo Tầu ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, múa chèo Cạn ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, múa Giảo Long ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, múa Ải Lao ở Phù Đổng, huyện Gia Lâm…
Đặc biệt điệu múa “Con đĩ đánh bồng” của làng Triều Khúc, Thanh Xuân cũng được ra mắt cho du khách chiêm ngưỡng. Như vậy không chỉ mang đến một không khí rộn rã trong ngày hội của Thủ đô mà việc phục dựng lại những điệu múa cổ này còn là việc trở về với cội nguồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của người Hà Nội xưa.