Làm sao để những người mẹ trẻ biết chọn lựa thông tin một cách hiểu biết, thay vì tin vào trào lưu “thuận tự nhiên” đầy mâu thuẫn tràn lan trên mạng xã hội?
Một sản phụ tự sinh con tại nhà, tự kẹp rốn cho con rồi gọi cấp cứu đến Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng điều trị tiếp. Dù các bác sĩ chẩn đoán sản phụ bị hậu sản, nhưng gia đình nhất quyết không dùng thuốc cho mẹ, không cho khâu vết rách của mẹ, không cho tiêm vắc-xin viêm gan, uốn ván cho em bé.
Gia đình ký cam kết không can thiệp y tế mà chỉ muốn người mẹ sinh con một cách “thuận tự nhiên”, và đến chiều sản phụ về nhà, dù bác sĩ tư vấn rất nhiều. Vẫn chưa có thông tin gì thêm về người mẹ này, chỉ mong hai mẹ con được bình yên.
Phong trào “sinh con thuận tự nhiên” rầm rộ trên mạng xã hội năm 2018, tưởng đã xẹp đi sau hàng loạt trường hợp nguy kịch, nhưng lại trở lại trong năm 2019, đe dọa tính mạng của nhiều bà mẹ và em bé.
Một trường hợp cuối tháng 11/2019 ở TPHCM, sau khi được bác sĩ cấp cứu vì tình trạng quá nguy hiểm, mẹ tròn con vuông rồi, sản phụ và gia đình mới tiết lộ ở đầu thai kỳ, qua tìm hiểu trên mạng xã hội, chị biết đến trào lưu “thuận tự nhiên” nên quyết tâm theo đuổi phương pháp này.
Nào là sinh con tại nhà, không cần nhân viên y tế hỗ trợ, không cắt dây rốn để tự rụng, không tiêm vắc-xin cho em bé... - với lý thuyết chủ đạo rằng, thuận theo những gì tự nhiên đã ban cho con người là tốt nhất.
Có những người mẹ đã tin vào lý thuyết này, song họ không tính đến những rủi ro sản khoa mà rất nhiều bài viết trên mạng xã hội không đề cập đến. Tự nhiên chắc chắn không phải là bỏ mặc mẹ và em bé khi nguy hiểm, mà là cung cấp những gì tốt nhất có thể và phải phù hợp với cơ địa của người mẹ, tình huống sinh nở, thể trạng em bé.
Ở nước ngoài có những trường hợp sinh con tại nhà, nhưng luôn có nhân viên y tế trực sẵn để trợ giúp. Ngay cả những bà đỡ trước đây, ngoại trừ các trường hợp rủi ro, thì bà đỡ cũng phải là người có nhiều kinh nghiệm, không phải là người nhà thai phụ hay chính thai phụ chỉ “học” qua mạng xã hội.
Thật kỳ quái khi đưa người mẹ đầy bất trắc vào bệnh viện cấp cứu nhưng lại không cho can thiệp. Cần hiểu đúng rằng, y học hiện đại là để giảm bớt nguy cơ cho mẹ và bé, chứ không thể nghe những “chuyên gia tư vấn” khơi khơi trên mạng, bởi nguy cơ là với mình, không phải với những “chuyên gia” kia.
Mặt trái của mạng xã hội là vậy, bất chấp khoa học, lý lẽ, có quá nhiều thông tin giả, thông tin phiến diện rất dễ đánh lừa người đọc. Nhất là những người mẹ trẻ, sinh con lần đầu, họ sẽ đọc và tham khảo rất nhiều nhưng đôi lúc lại không đủ khả năng chọn lọc, đánh giá thông tin. Người mẹ nào cũng muốn điều tốt nhất cho con, nhưng bị những thông tin cực đoan về “thuận tự nhiên” dẫn dụ, họ lại vô tình đánh cược cả sinh mạng của con lẫn của chính mình.
Xã hội nào cũng có nhiều điều bất an, từ ô nhiễm môi trường đến an toàn thực phẩm, từ giao thông đến năng lực của các dịch vụ y tế, giáo dục... Nhưng đừng để có những kẻ lợi dụng bất an mà đánh vào nỗi sợ hãi của các bà mẹ trẻ. Chẳng lẽ phải để người ngoài xót xa cho đứa trẻ khi chính người mang nặng đẻ đau, người trong gia đình các bé mù quáng trước sự bịp bợm, dối lừa.