Những vụ mất nguồn phóng xạ lớn có; nhỏ có, ở các nước đang phát triển đã đành; ở các quốc gia đã phát triển ngành năng lượng hạt nhân từ lâu cũng vậy và có trường hợp bất ngờ đáng ngạc nhiên.
Vài nước “nổi bật”
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết: Tính đến năm 2014, trên 120 nước đã báo cáo tổng cộng gần 2.500 vụ mất phóng xạ. Riêng năm 2013 đã có 140 vụ mất vật liệu phóng xạ (nguồn) phóng xạ được báo cáo gửi về tổ chức IAEA lớn này.
Và số liệu thống kê cho thấy mỗi năm trên thế giới có từ 20 đến 40 vụ bị mất hoặc bị đánh cắp, trong đó có những vụ số lượng phóng xạ tương đối lớn. Điều khó hiểu là rất nhiều vụ mất nguồn phóng xạ xảy ra ở các cường quốc hạt nhân lâu năm.
Chẳng hạn, ở Nga chỉ trong 2 năm 2010 đến 2011 đã xảy ra con số khổng lồ với trên 200 vụ thất lạc nguồn phóng xạ.
Hoặc ở nước Anh, năm 2014, đưa ra số liệụ tổng kết: Trong 10 năm qua có trên 30 vụ mất nguồn phóng xạ ở các công ty, bệnh viện…, dù ít hơn so với nước Nga, nhưng rõ ràng là nhiều hơn con số mà Việt Nam công bố (7 vụ trong 5 năm).
Và đáng ngạc nhiên là Nam Phi, tuy chưa phải là “nước lớn” về năng lượng hạt nhân, nhưng đã tiết lộ con số đáng ngạc nhiên với những 200 vụ mất phóng xạ xảy ra trong 1 năm 2010!
Anh: Thất lạc phóng xạ liều lớn
Trước hết, nói đến vụ rơi mất nguồn phóng xạ Ytterbium Yb-169 với chu ký bán rã 32 ngày và phát bức xạ gamma năng lượng mềm gần như X-quang: 0.063, 0.198, 0.177 và 0.109MeV. Lợi thế của Yb-169 là có thể chế tạo những nguồn có hoạt độ phóng xạ lớn với dạng viên kích thước nhỏ; như hoạt độ 1- 3Ci với kích thước là 0.6 x 0.6mm hay hoạt độ 100 - 500mCi với kích thước 0.3x 0.3mm.
Vụ việc xảy ra ở nước Anh, gây hậu quả nghiêm trọng ở Công ty Năng lượng Hàng hải Rolls Royce vào ngày 3/3/2011. Cụ thể, vào lúc 5 giờ sáng, trong khi thử mối hàn, ống đựng phóng xạ rời khỏi giá đỡ và rơi vào một bộ phận tàu ngầm đang được kiểm tra.
Việc mất nguồn phóng xạ không được những người có nhiệm vụ phát hiện ra mãi đến khi các thợ hàn trong phòng nhìn thấy một cái ống và chuyền tay nhau để xem xét. Lúc sau, khi nhân viên chụp X-quang trở lại phòng làm ca tiếp theo, người này mới xác định đó chính là nguồn phóng xạ.
Kiểm tra chi tiết phát hiện các công nhân đó đã cầm trong tay ống đựng phóng xạ và bị phơi nhiễm ở mức vượt quá liều được phép là 500 millisievert mSv/năm. Một số người trong đó còn bị phơi nhiễm gấp 32 lần so với giới hạn liều cho phép.
Sự cố trên khiến Cơ quan Môi trường và Cơ quan Điều hành An toàn và Sức khỏe (HSE) phải tiến hành một cuộc điều tra chung và đi đến kết luận rằng, công ty Rolls Royce trên đã không đảm bảo đánh giá đầy đủ các rủi ro cũng như quản lý hiệu quả nguồn phóng xạ khi thực hiện công việc chụp ảnh bằng tia phóng xạ gamma. Kết cục, tòa án phạt Công ty Năng lượng Hàng hải Rolls Royce 200.000 bảng Anh và phải trả 176.000 bảng các chi phí liên quan sau vụ mất nguồn phóng xạ.
Ba Lan: Đánh cắp phóng xạ công nghiệp lượng lớn
Ngoài các vụ mất nguồn phóng xạ do thất lạc như kể trên, còn xảy ra nhiều vụ mất do trộm cắp. Vụ đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra ở nước Ba Lan thuộc Đông Âu. Đó là vụ đánh cắp phóng xạ khỏi một nhà kho ở Poznan vào ngày 6/3/2015 mới đây nhất với số lượng lớn gồm 22 hộp và mỗi hộp cân nặng từ 45 đến 70kg chứa chất phóng xạ Cobaltium Co-60.
Đến 10/3/2015, 4 người, một trong số đó làm việc tại nhà kho nói trên, đã bị bắt và bị cáo buộc ăn cắp số phóng xạ Co-60 nói trên. Chính họ cũng đã đánh cắp 1 tấn chì dạng thỏi trong nhà kho Poznan trước đó vào tháng 2/2015. Các thỏi chì này được dùng để che chắn tia phóng xạ gamma của nguồn Co-60 nhằm bảo vệ phóng xạ cho con người.
Vụ việc đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Ba Lan (PAA) báo cáo lên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 19/3 vừa qua.
Cho đến bây giờ, toàn bộ 22 hộp phóng xạ vẫn chưa thu hồi lại được. Nếu các viên Co-60 còn ở nguyên trong hộp chì bảo vệ sẽ không gây nguy hiểm đáng kể cho người tiếp xúc.
Trong trường hợp này, máy chiếu chụp ảnh phóng xạ này sẽ được xếp vào loại an toàn mức 4 hay/và mức 5. Nhưng nếu các viên Cobalt phóng xạ bị đưa ra ngoài hộp, người nào ở trong vòng 1m sẽ bị phơi nhiễm lượng bức xạ gamma chết người chưa đầy 4 phút sau.
Cũng nên bổ sung thêm, rằng Ba Lan trước đó vào tháng 11/2013, tại Nhà máy Năng lượng Belchatow ở Lodz đã mất 2 hộp bằng chì chứa các viên cobalt-60. Vụ việc được phát hiện vào tháng 5/2014 và được thu hồi tại một bãi phế liệu ở Poraj, gần Czstochowa ở khu vực Silesia (miền Trung Ba Lan).
Mexico: Đánh cắp phóng xạ Y tế lượng lớn
Vụ đánh cắp nguồn phóng xạ gây ồn ào vào năm 2013, gần Mexico City, nước Mexico (Trung Mỹ). Hai tên gian đã đánh cướp chiếc xe tải chở loại đồng vị phóng xạ cobaltium Co-60 dùng trong y tế trên con đường từ một bệnh viện ở Tijuana tới chỗ chứa chất thải phóng xạ.
Vụ việc xảy ra khi xe tải dừng ở một trạm xăng, vào 1 giờ sáng ngày 2/12/2013, liền bị một người đàn ông mang theo súng gõ cửa xe và lúc phụ xe kéo kính cửa xe xuống thì bị chĩa súng và buộc giao chìa khóa xe. Cả hai, phụ và lái xe, liền bị đưa tới một nơi vắng vẻ rồi trói lại.
Chiếc xe bị cướp, sau đó, đã được cảnh sát tìm thấy ở một nơi hẻo lánh cách nơi bị cướp khoảng 40 km và nguồn phóng xạ được thu hồi. Hai tên trộm đã biến mất. Còn chưa đầy 40gr chất phóng xạ Co-60 bên trong chiếc hộp đựng đã bị mở tung cách chiếc xe tải chừng 1km.
Cảnh sát đã tổ chức bảo vệ khu vực và dựng rào chắn trong vòng 0,5km và đánh giá mức độ phơi nhiễm của người dân gần đó. Không bao lâu, sau đó, 6 người đã phải nhập viện với các triệu chứng bị phơi nhiễm tia phóng xạ gamma.
Cũng ở Mexico, vào năm 2014 tiếp theo, lại xảy ra một vụ mất cắp chất phóng xạ Iridium Ir-192 ở Tlalnephantla, phía bắc thủ đô Mexico City. May sao, trong lần này, do hộp đựng không bị mở, vật liệu phóng xạ đã được cảnh sát thu hồi nguyên vẹn.
Tình hình xảy ra ở Mexico có sự đồng dạng với vụ việc xảy ra ở Việt Nam. Vụ việc mất cắp Ir-192 rồi tìm lại được ở gần thủ đô Mexico City vào năm 2014 chẳng khác nào sự kiện diễn ra ở ngoại thành Tp. Hồ Chí Minh cũng vào năm 2014.
Còn vụ mất cướp phóng xạ Co-60 xảy ra ở Mexico City vào năm 2013 lại tương đồng với vụ bị cắp loại nguồn phóng xạ kể trên tại Bà Rịa-Vũng Tàu vào cuối 2014 đầu 2015.
Rõ ràng, tình hình và mối nguy hiểm của các đồng vị phóng xạ sử dụng trong các ngành công nghiệp, y tế v.v…không chỉ xảy ra ở nước ta mà hầu như ở khắp thế giới. Đó là mối đe dọa đến sức khỏe và cả tính mạng của những người liên quan và kể cả cộng đồng dân cư ở gần mà không một ai và không một quốc gia nào được xem thường.