Hội thảo tổng kết 2 đợt đánh giá kĩ năng đọc của học sinh đầu cấp tiểu học Việt Nam |
Phương pháp đánh giá mới theo hướng tiếp cận năng lực
Ông Trần Đình Thuận - Giám đốc Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) – cho biết: Thực hiện chương trình được lãnh đạo Bộ GD&ĐT, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ, SEQAP đã tổ chức triển khai thành công 2 đợt đánh giá kĩ năng đọc của học sinh đầu cấp (EGPA) trong năm 2013, 2014 với tổng số trên 3.357 học sinh các lớp 1, 2, 3 của 112 trường tiểu học thuộc 6 tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lai, Vĩnh Long.
Từ năm 2006 đến nay, EGRA đã được thử nghiệm và triển khai tại hơn 60 quốc gia với hơn 80 ngôn ngữ trên thế giới. Tác dụng can thiệp nhằm nâng cao chất lượng học tập nói chung, kĩ năng đọc của học sinh đầu cấp nói riêng ở các nước triển khai EGRA là rất khả quan.
Bộ công cụ khảo sát được thiết kế gồm 3 phần: Bộ công cụ EGRA (để đánh giá các kĩ năng đọc ban đầu của học sinh); bảng hỏi học sinh (dùng để phỏng vấn học sinh nhằm thu thập các thông tin về cá nhân và gia đình); bảng hỏi giáo viên (dành cho giáo viên dạy các khối lớp có học sinh tham gia khảo sát tự trả lời nhằm thu thập các thông tin liên quan đến giáo viên và nhà trường).
Công cụ EGRA của các lớp 2, 3 đều gồm các phần: Xác định âm đầu của tiếng; đọc các âm của chữ; đọc thành tiếng và đọc hiểu văn bản; nghe hiểu văn bản; nghe - viết (chính tả). Bộ công cụ EGRA cho lớp 1 cũng có các phần tương tự, trừ phần đọc tên chữ cái.
Đây được cho là cách đánh giá mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, đúng theo yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Một số kết quả đọc của học sinh vượt chuẩn
Dù hai đợt khảo sát được tiến hành với số lượng học sinh không lớn nhưng nhờ thực hiện nguyên tắc chọn mẫu đáng tin cậy và được chuyên gia quốc tế công nhận, kết quả bước đầu cho thấy thực trạng kĩ năng đọc của học sinh các lớp 1, 2, 3 và một số nhân tố chi phối sự phát triển các kĩ năng đọc ban đầu của học sinh đầu cấp tiểu học Việt Nam.
Cụ thể, so với kết quả đánh giá EGRA của các nước khác trên thế giới, học sinh Việt Nam có tỷ lệ phải “dừng sớm” - đồng nghĩa với việc chưa có kĩ năng đọc - rất thấp.
Điều ngạc nhiên và vui mừng là: Kết quả đọc từ quen thuộc và đọc thành tiếng của học sinh cao hơn so với chuẩn kiến thức, kĩ năng của Bộ GD&ĐT đề ra cho mỗi lớp. Tuy nhiên, kết quả các phần đọc hiểu, nghe hiểu và nghe - viết (chính tả) vẫn còn tương đối thấp, đặc biệt đối với học sinh lớp 1.
So sánh kết quả đọc của học sinh ở các lớp 1, 2, 3 cho thấy: Nhìn chung, học sinh có tiến bộ đều về tất cả các kĩ năng đọc (trừ kĩ năng xác định âm đầu của tiếng), nhưng mức độ tiến bộ ít nhiều không đều ở các kĩ năng khác nhau.
Hai kĩ năng tỏ ra khó đối với học sinh là kĩ năng đọc tên chữ cái và kĩ năng đọc tiếng tự tạo, chứng tỏ học sinh còn chưa thành thạo các nguyên tắc ghi âm bằng chữ viết và kĩ năng giải mã tiếng - từ.
Cũng theo kết quả được SEQAP công bố: Học sinh dân tộc Kinh và dân tộc Thái nhìn chung có kết quả các phần cao hơn học sinh các dân tộc khác; sự khác biệt này được thu nhỏ đáng kể ở các lớp 2, 3. Các em học sinh dân tộc ít người, đặc biệt học sinh Ja-rai có những bước tiến nhảy vọt ở lớp 3, đặc biệt ở những kĩ năng quan trọng như: Đọc tiếng quen thuộc, đọc thành tiếng, đọc hiểu và nghe hiểu. Học sinh ở các điểm trường lẻ có kết quả đọc thấp hơn học sinh ở điểm trường chính…
Bên cạnh đó, học sinh các gia đình khá giả có kết quả trung bình cao nhất trong 3 nhóm (khá giả - trung bình - khó khăn). Những học sinh có đầy đủ đồ dùng học tập có kết quả cao hơn các em có tạm đủ hay thiếu. Điều này cho thấy những gia đình khá giả có sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho con cái sẽ có tác động quan trọng đối với kết quả học đọc của học sinh những năm đầu cấp tiểu học.
Không có sự khác biệt về kết qủa đọc của học sinh theo loại hình trường, mặc dù xu hướng chung là học sinh các trường có sự hỗ trợ của SEQAP có điểm trung bình cao hơn học sinh các trường không tham gia SEQAP ở hầu hết các phần của EGRA.
Các nhân tố chi phối sự phát triển kĩ năng đọc ban đầu của học sinh đầu cấp tiểu học cũng được chỉ ra gồm trường học, gia đình và học sinh, giáo viên và môi trường dạy học.
Đáng chú ý: Người trợ giảng tiếng dân tộc có vai trò tích cực trong việc giúp học sinh phát triển các kĩ năng đọc ban đầu; trong các lớp học đa dân tộc, giáo viên sử dụng đồng thời cả tiếng Việt và tiếng dân tộc có thể giúp kết quả đọc của học sinh tốt hơn; sự đầu tư và quan tâm của gia đình có tác động tích cực đến kết quả đọc; phương pháp giảng dạy, đánh giá kĩ năng đọc; thái độ của giáo viên; chương trình đào tạo và các khóa tập huấn chuyên môn… cũng có liên quan đến kết quả đọc.
Đặc biệt, tài liệu Tiếng Việt 1 (tập 1) - Công nghệ giáo dục không chỉ có tác dụng làm cho học sinh thích học và giáo viên thích dạy mà còn giúp học sinh đạt được kết quả cao ở một số kĩ năng đọc bộ phận.
Kiến nghị điều chỉnh yêu cầu cần đạt với kĩ năng đọc
Kiến nghị được đưa ra trên cơ sở đánh giá thực trạng kĩ năng đọc của học sinh và phân tích nhân tố tác động, báo cáo từ 2 đợt đánh giá là cần rà soát các nội dung dạy học trong SGK Tiếng Việt ở các lớp đầu cấp tiểu học, theo hướng chú ý nhiều hơn đến các kĩ năng học sinh còn hạn chế như: Đọc hiểu, nghe hiểu, đọc tiếng tự tạo và đọc tên chữ cái. Bởi vì, đọc hiểu và nghe hiểu là 2 kĩ năng quan trọng nhất, là đích cuối cùng của hoạt động đọc.
Cùng với đó, xem xét có thể điều chỉnh yêu cầu cần đạt (chuẩn kiến thức kĩ năng) đối với kĩ năng đọc trơn của học sinh các lớp 1, 2, 3 trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Bởi lẽ, yêu cầu hiện hành tỏ ra khá thấp so với năng lực của đa số học sinh, kể cả ở những vùng còn nhiều khó khăn. Đồng thời, cần nghiên cứu, đề xuất chuẩn cần đạt cho tất cả các kĩ năng đọc bộ phận khác chưa có trong chương trình.
Những kiến nghị liên quan đến yếu tố nhà trường, gia đình và cộng đồng, các cấp quản lý giáo dục cũng được đưa ra. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất có thể xem xét sử dụng sách Tiếng Việt 1 (tập 1) - Công nghệ giáo dục để dạy lớp 1; EGRA là một hoạt động cần được Bộ GD&ĐT triển khai trên quy mô rộng và chỉ đạo các cơ quan chức năng tham gia với tinh thần chủ động, tích cực và sáng tạo…