Một năm học nhiều ý nghĩa

Một năm học nhiều ý nghĩa

(GD&TĐ) - Năm học 2012 - 2013 diễn ra trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thu nhập thực tế của người lao động, viên chức giảm sút, xã hội lại nảy sinh nhiều tiêu cực, ảnh hưởng xấu tới tâm lý người học, nhất là với HS cấp  THCS, THPT. Tuy nhiên, nhà trường đã hoàn thành tốt trọng trách của mình.

Năm học 2012 - 2013 khép lại với nhiều thành công Ảnh: Thiên Thanh
Năm học 2012 - 2013 khép lại với nhiều thành công     Ảnh: Thiên Thanh

1.   Từ đầu  năm 2013 đến nay, kinh tế đất nước vẫn tiếp tục suy giảm. Điều đó tác động từng ngày tới nhà trường. Thu nhập thực tế của giáo viên, cán bộ giáo dục giảm sút do sự trượt giá, làm cho sức mạnh của đội ngũ cũng bị tác động. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, với tình yêu nghề nghiệp, xác định rõ sứ mạng “trồng người”, đội ngũ giáo viên vẫn vững vàng. Các thầy cô giáo vẫn quyết tâm đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức cho HS.

Điều đáng quý là số HS bỏ học do tác động xấu của kinh tế gia đình cũng không nhiều. Có được điều đó là nhờ sự tận tụy với nghề, sự vận động của các thầy cô giáo đến từng nhà HS. Nó cũng còn là sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với chính quyền địa phương, không để xảy ra tình trạng HS bỏ học. Nhưng, đáng quý nhất chính là quyết tâm của lãnh đạo ngành Giáo dục, được sự ủng hộ của Chính phủ trong việc hỗ trợ cho HS nghèo, nhất định không để cho bất cứ một HS nào nghèo mà phải bỏ học. Đây chính là sự ưu việt của chế độ, là tấm lòng “Tất cả vì học sinh thân yêu” của ngành Giáo dục. Sức mạnh tổng hợp cộng với quyết tâm cao, cách làm đúng đã mang lại hiệu quả đáng trân trọng.

Nhìn chung, năm học qua, các tệ nạn không còn ùa vào nhà trường như trước. Đó là kết quả của sự phấn đấu không mệt mỏi của ngành Giáo dục, của từng trường học, sự chung tay của cả cộng đồng trong việc rèn luyện đạo đức cho HS. Tuy nhiên, đó không phải là công việc hoàn thành trong một sớm một chiều, kết quả của một năm là đáng quý, nhưng duy trì nó vẫn là nhiệm vụ lâu dài. Bởi lẽ, bên ngoài cổng trường vẫn còn đó các nguy cơ, vẫn còn đó biết bao tệ nạn chỉ nhăm nhe cuốn HS vào.

2.  Trong năm học vừa qua, ngành Giáo dục đã hoàn tất nhiều công việc tưởng chừng rất khó, đã nhiều năm trước đặt ra nhưng chưa làm được. Trước hết, đó là thực hiện phụ cấp thâm niên cho GV.

Năm học qua cũng là năm học của những đổi mới. Việc thi HS giỏi quốc gia có những thay đổi đáng kể. Năm học 2012 - 2013 cũng cho thấy việc kiểm tra, đánh giá tốt hơn trong toàn bộ hệ thống. Đây không chỉ là việc làm định kỳ nhiều tính hình thức, mà đã đi vào bản chất vấn đề, với những barem tương đối cụ thể. Thực ra, việc kiểm tra, đánh giá là nhằm đem lại kỉ cương trường học, đem lại chất lượng cho giáo dục, đào tạo. Chất lượng được nâng lên do các nhà trường, các nhà giáo được kiểm tra, đôn đốc. Việc kiểm tra ấy cũng hạn chế không ít những tiêu cực có thể xảy ra. Việc Bộ GD&ĐT mới đây đã công bố danh sách những trường, ngành học không được tuyển sinh năm học mới; xử lý những cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài... cho thấy kỉ cương trong ngành đã tốt hơn rất nhiều.

Giáo dục toàn diện trong trường học ngày càng được quan tâm Ảnh: Thiên Thanh
Giáo dục toàn diện trong trường học ngày càng được quan tâm Ảnh: Thiên Thanh

Trong năm qua, nhiều trường học được xây mới, nhất là các trường tại vùng duyên hải, miền núi. Như vậy là, cùng với ngân sách Nhà nước thì việc xã hội hóa giáo dục, sự gắn kết cộng đồng trách nhiệm giữa ngành Giáo dục với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã thực sự đi vào chiều sâu. Ngành Giáo dục đã tạo ra niềm tin cho toàn xã hội nên nhận lại được sự chung sức đồng lòng của toàn xã hội. Thầy được dạy trong một ngôi trường tốt hơn, trò được học trong một ngôi trường tốt hơn - đó là điều kiện cần thiết để đạt tới chất lượng giáo dục.

Với bậc học MN, nhất là ở lớp mẫu giáo 5 tuổi, năm qua là một “vụ mùa bội thu”. Hệ thống trường lớp MN được mở ra rộng khắp, đáp ứng chủ yếu chỗ học, chỗ chơi cho các cháu. Trang thiết bị của các trường MN cũng được đầu tư thỏa đáng. Các cháu bé như những nụ hoa được các cô chăm lo chu đáo. Cha mẹ  yên tâm, xã hội vui mừng. Sáng đưa trẻ đến lớp, chiều đón trẻ về nhà, rồi cả nhà cùng nghe cháu kể chuyện, hát múa những gì học được ở lớp. Những tưởng đó là điều bình thường, nhưng để làm được những điều đó là cả một sự vận động lớn, với tinh thần trách nhiệm và tình yêu trẻ thơ của từng cô giáo MN, của cả ngành Giáo dục.

Năm học vừa qua, một lần nữa cho thấy việc giáo dục toàn diện trong nhà trường được triển khai tốt. Trường học không chỉ là nơi truyền thụ - tiếp nhận kiến thức, mà còn là nơi đào tạo, rèn giũa, chuẩn bị nhân cách cho mỗi con người vào đời. Không chỉ thế, người học còn được rèn luyện sức khỏe, bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ để trở thành con người toàn diện. Đó là điều lớn nhất mà bất cứ một trường học nào cũng mong muốn đạt tới.

3. Vấn đề quan trọng nhất với bất cứ nền GD nào chính là chất lượng. Để có chất lượng trong GD cần nhiều yếu tố, nhưng không thể không nói đến chất lượng của đội ngũ nhà giáo. Trong khi số người giỏi thi vào sư phạm ít, số thí sinh đăng ký dự thi vào các trường sư phạm (đặc biệt là khối C) ít thì bài toán chất lượng GV là mục đích phải được tính đến và có giải pháp.

ThS Phan Minh Phùng (Trường Cán bộ quản lý giáo dục Tp Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Hiện nay, phương pháp đào tạo trong các trường sư phạm chậm đổi mới, dẫn đến trình độ chuyên môn và nghiệp vụ của một bộ phận GV chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng. Cần thay đổi mô hình đào tạo GV truyền thống “nặng lý thuyết, nhẹ thực hành”. Khó có GV giỏi, chuyên môn sâu khi các trường sư phạm chỉ trang bị cho sinh viên lý thuyết, còn mảng thực hành lại “đá” sang cho các trường phổ thông”. Ông Phùng nhấn mạnh: “Việc nâng cao năng lực đội ngũ GV là một nhiệm vụ cấp bách góp phần to lớn trong quá trình đổi mới giáo dục và nâng cao chất lượng GD”.

Muốn thế, các trường sư phạm phải là đầu tàu về đổi mới phương pháp, nội dung giảng dạy để kéo dần hệ thống GD đi lên. Mỗi một trường sư phạm cần liên kết với một tỉnh, thành phố để biết rõ nhu cầu thực tế GV trong tương lai của địa phương và có kế hoạch đào tạo cho phù hợp. Có như vậy, bài toán giải quyết thiếu hụt đội ngũ GV, mất cân đối về ngành nghề mới được giải quyết bền vững.

Bài toán chất lượng trước mắt và lâu dài vẫn nằm trong tay đội ngũ nhà giáo. Với thắng lợi của năm học 2012 - 2013, chúng ta hoàn toàn hy vọng bài toán ấy sẽ có lời giải trong năm học mới sắp tới, để từ đó tạo bước đà cho những năm học tiếp theo thu được nhiều thành tựu tốt đẹp hơn.

Năm học qua, dù phải chống chọi, loay hoay giải bài toán thu nhập nhưng đội ngũ những người làm công tác giáo dục vẫn vững vàng. Các thầy cô giáo vẫn quyết tâm đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức cho HS.

Gia Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ