Một câu chuyện đầy... phi lý

GD&TĐ - Cuốn tiểu thuyết Buồng tắm của Jean-Philippe Toussaint, ra mắt bạn đọc Việt Nam vào trung tuần tháng Sáu năm 2021, do Nhã Nam phối hợp với NXB Hội Nhà văn tổ chức xuất bản.

Một câu chuyện đầy... phi lý

Là cuốn tiểu thuyết đầu tay, xuất bản lần đầu năm 1985, Buồng tắm đã gần như ngay lập tức đem lại tiếng tăm và tên tuổi cho Jean-Philippe Toussaint. Báo chí Pháp lẫn báo chí quốc tế dành nhiều lời tán tụng cho tác phẩm.

Với cốt truyện rất đỗi kỳ lạ và nhiều phần phi lý, “Buồng tắm” mang những chiêm nghiệm và suy tưởng của con người khi không còn theo kịp nhịp sống hối hả của cuộc đời, muốn rút lui khỏi dòng đời trôi quá vội. 

Jean-Philippe Toussaint chịu nhiều ảnh hưởng từ phong cách sáng tác của tác giả đoạt giải Nobel Văn học năm 1969 - Samuel Beckett (tác giả Trong khi chờ đợi Godot). Ở “Buồng tắm”, ông đã xây dựng nên một câu chuyện đầy màu sắc phi lý nhưng cũng rất đỗi cuốn hút.

Một người đàn ông trẻ tuổi quyết định đặt cả thư viện của mình vào buồng tắm và muốn sống nốt phần đời còn lại trong đó. Anh muốn rút lui khỏi dòng đời trôi qua quá nhanh và nhận thấy bồn tắm là nơi lý tưởng cho cuộc tồn tại chiêm nghiệm được hình thành từ suy tưởng và mơ mộng ấy. 

Cuốn tiểu thuyết bao gồm ba phần tách biệt: Paris – Cạnh huyền – Paris, tương ứng với ba giai đoạn: Nhân vật chính ở trong bồn tắm (tại Paris quê nhà) - rời bồn tắm - lại quay trở về. Mỗi phần được Jean-Philippe Toussaint chia làm nhiều đoạn nhỏ, mỗi đoạn được đánh số lần lượt từ 1.

Ở phần đề từ, ông trích lại một định lý toán học: “Bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh còn lại”. Bằng cách triển khai bố cục tiểu thuyết rất đặc biệt, tác giả đã khéo léo ám chỉ cuộc đời của nhân vật chính là một điều vô nghĩa, không đáp ứng được những điều tưởng chừng như đã là định lý. 

Nhân vật chính của “Buồng tắm” là một người đàn ông hờ hững với nhịp sống của xã hội. “Buồng tắm là nơi (anh ta) cảm thấy thoải mái nhất”. Anh vốn không định ở lại bồn tắm quá lâu, nhưng sự dễ chịu mà nơi chốn ấy đem lại khiến anh quyết định chuyển hẳn thư viện của mình vào đó, mặc cho những lời can ngăn và khuyên bảo của người thân. Nhất quyết là thế, anh lại quyết định rời khỏi nơi yêu dấu ấy chỉ bởi nhận được lời mời dự tiệc của Đại sứ quán Áo – một nơi anh chắc mẩm đã gửi nhầm thiệp mời cho mình. 

Không còn bắt kịp nhịp sống hối hả, nhân vật “tôi” khao khát cái “bất động” đến cùng tận. Thậm chí không thể nắm bắt được cái “bất động” trong bồn tắm, anh chạy trốn tới Ý. Trong những cơn suy tưởng tới ám ảnh của anh, anh nhận ra mình không thể có được trạng thái bất động: bên ngoài, mọi thứ tất xê dịch, ngay bên trong cơ thể cũng là những chuyển động vô phương cảm nhận. 

Cuốn sách tràn ngập màu sắc phi lý, có thể khiến độc giả cảm thấy hồ nghi, cảm giác như tác giả dụng tâm gửi gắm điều gì đó mà mình chưa hiểu được. Đây là một tác phẩm không dễ dàng nắm bắt với độc giả, và cũng không dễ dàng cho tác giả để viết ra được. Jean-Philippe Toussaint viết về quá trình cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay này như sau:

“Tôi mất một tháng viết bản đầu của quyển sách, trên máy đánh chữ cũ, và, do chưa biết đánh máy, tôi tiến tới bằng cách gõ mổ cò hai ngón, đầy vụng về (và trong lúc viết, tôi cũng học đánh máy luôn).

Quyết định đưa ra hôm ấy khá bất ngờ với tôi. Tôi hai mươi tuổi (hoặc hai mốt, cũng chẳng quan trọng, tôi có bao giờ chi li đo một tháng đếm một năm/cò kè thêm một tháng bớt một năm trong đời), và trước đó chưa bao giờ nghĩ sẽ viết sách có ngày.

Tôi không có sở thích đặc biệt với sách, tôi hầu như chẳng đọc gì (lúc quyển Balzak, lúc quyển Zola, vậy thôi). Tôi đọc báo, dăm tập khoa học xã hội liên quan đến ngành học lịch sử và khoa học chính trị của tôi. Thứ khiến tôi quan tâm nhất thời điểm ấy có lẽ là điện ảnh, tôi những muốn, nếu công cuộc gây dựng không nhọc nhằn đến thế, được làm phim, tôi có thể hình dung mình thành nhà làm phim, cái ấy thì có (hình dung mình như chính trị gia, chẳng hạn, thì tôi lại không hề).

Thế là, chuyên tâm vào việc, tôi viết kịch bản phim câm ngắn, đen trắng, về một giải vô địch cờ vua thế giới, ai thắng mười nghìn ván thì vô địch, giải đấu kéo dài trọn đời, chiếm trọn đời, cũng là chính cuộc đời, và kết thúc khi các nhân vật chính chết cả (cái chết, thời điểm ấy, khiến tôi quan tâm hết mực, và là một trong những chủ đề ưa thích của tôi).

Song song, cũng thời kỳ ấy, hai quyển sách có ảnh hưởng quyết định lên tôi. Đầu tiên là Những bộ phim của đời tôi của François Truffaut, trong ấy ông khuyên thanh niên nào nuôi mộng làm phim mà không đủ nguồn lực thì đi viết sách, chuyển kịch bản thành sách, với lời giải thích là điện ảnh đòi hỏi ngân sách lớn và kéo theo trách nhiệm lớn chừng nào, văn chương lại là hoạt động nhẹ nhàng và phù phiếm, vui và quậy chừng ấy (tôi có biến lời ông đi đôi chút), ít tốn kém (xấp giấy với máy chữ thôi), có thể thực hiện tùy nghi, trong nhà cũng được ngoài trời cũng xong, đóng bộ đeo cà vạt tề chỉnh cũng tốt mà đánh độc quần lót cũng hay (tôi đã viết phần kết Buồng tắm như thế, trán đầm đìa, ngực đọng giọt mồ hôi, đùi nhớp, trong cái nóng ngột ngạt hầm hơi 40oC nhà tôi ở Médéa bên Algerie). 

Việc đọc thứ hai có ảnh hưởng quyết định với tôi lúc ấy là Tội ác và Hình phạt của Dostoyevsky. Hè năm ấy, theo lời khuyên tinh tường của chị gái, tôi đọc Tội ác và Hình phạt lần đầu tiên. Và, sau khi đọc xong một tháng, đã biết đến cảm giác rùng mình khi đặt bản thân vào nhân vật Raskolnikov không rõ ràng, tôi bắt tay vào viết.

Tôi không rõ có nên nhìn thấy ở đây một liên hệ trực tiếp, quan hệ nhân quả hoàn hảo, hay biết đâu một định luật (ai đọc Tội ác và Hình phạt cũng sẽ có ngày viết sách) không, nhưng, với tôi, chuyện là như vậy: đọc xong Tội ác và Hình phạt được một tháng thì tôi bắt đầu viết sách – và vẫn còn viết.”

Tờ The New York Times nhận định: “Cứ mỗi lần đọc, ta lại nhận được thêm một chút hé lộ từ cuốn tiểu thuyết hài hước một cách u ám này, tuy vậy đó vẫn là một tác phẩm tuyệt đẹp khó giải mã”.

Bằng việc cho đoạn kết cuốn tiểu thuyết giống với đoạn mở đầu, Jean-Philippe Toussaint tạo ra một vòng tròn lặp đi lặp lại cho nhân vật “tôi”. Dù muốn tĩnh tại, anh vẫn sẽ không ngừng trở về “bồn tắm” – nơi anh cảm thấy dễ chịu nhất và bước ra khỏi đó, để chạy trốn, để kiếm tìm một điều gì có nghĩa, để rồi lại trở về. 

Jean-Philippe Toussaint sinh năm 1957 tại Brussels, Bỉ. Ông là nhà văn, nhà làm phim và nhiếp ảnh gia. Ông là tác giả của mười sáu cuốn sách xuất bản tại Éditions de Minuit. Năm 2005, ông giành giải Médicis  cho Fuir (Bỏ trốn) và năm 2009 giải Décembre cho La vérité sur Marie (Sự thật về Marie). 

Ông từng đạo diễn bốn phim điện ảnh dài và có triển lãm ảnh khắp nơi trên thế giới, trong đó phải kể đến triển lãm “Livre/Louvre” tại bảo tàng Louvre, Paris, năm 2012. Các tiểu thuyết của ông đã được dịch sang hơn hai mươi thứ tiếng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ