Mong manh trước con sóng lớn

Mong manh trước con sóng lớn

(GD&TĐ) - Tại những đảo có trạm y tế thì  cơ cấu trang thiết bị cũng chưa hợp lý. Nơi thì thiếu thốn, nơi thì được đầu tư quá khả năng sử dụng, vận hành của cán bộ. Công tác vận chuyển người bị thương, bị nạn trên biển gặp rất nhiều khó khăn do thiếu phương tiện vận chuyển chuyên dụng… Chính những khó khăn này đã tạo ra tâm lý bất an cho những người muốn bám biển, lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh lãnh thổ và lãnh hải của đất nước.

Với  43,9 triệu người lao động cùng với quân và dân ở 28 tỉnh thành ven biển, đảo là lực lượng lao động hùng hậu đóng góp một phần không nhỏ cho nền kinh tế, là những người bám biển, khẳng định chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, những năm qua, việc chăm sóc sức khỏe cho đội quân này chủ yếu do quân y đảm nhiệm.

Chăm sóc sức khỏe người dân biển đảo: Tự điều trị là chính

Các nghiên cứu do Viện Y học Biển thực hiện trong 10 năm qua về đặc điểm sức khỏe và cơ cấu bệnh tật của thuyền viên, ngư dân cho thấy, 60-80% bị bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa, rối loạn hành vi, rối loạn thần kinh chức năng. Đặc biệt là các tai biến do lặn biển của nhóm ngư dân đánh bắt bằng nghề lặn biển, tai nạn đụng giập và bệnh liên quan đến rung, ồn ở nhóm thuyền viên… gây suy giảm sức nghe (chiếm trên 10%). Ngoài ra trên 48% thủy thủ, ngư dân mắc bệnh răng miệng, cao hơn nhóm lao động trên đất liền (32%).

Cần đầu từ nâng cao năng lực y tế biển đảo (Ảnh: Đinh Thị Hương - TTXVN)
Cần đầu từ nâng cao năng lực y tế biển đảo (Ảnh: Đinh Thị Hương - TTXVN)

Cụ thể như tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), hiện có khoảng 3000 lao động hành nghề biển và 356 phương tiện tàu, thuyền, trong đó 90 phương tiện hành nghề lặn biển với xấp xỉ 1000 thợ lặn. Ước tính, tỷ lệ tai nạn biển hàng năm chiếm khoảng 2% dân số, trong đó tai nạn do lặn biển chiếm tỷ lệ khá cao và thường để lại hậu quả và di chứng nặng nề.

Tương tự tại Cồn Cỏ (Quảng Trị), ngoài những khó khăn thách thức về diện tích, khan hiếm nguồn nước ngọt thì sau 7 năm thành lập, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất, đời sống dân sinh hầu như không đáng kể. Đặt chân đến đảo ta có cảm giác đây là một đại công trường với những gạch, sắt, cát, sỏi ngổn ngang. Nhưng cả đảo mới chỉ có lớp học mầm non cho trẻ từ 1-5 tuổi với diện tích, thiết bị đồ dùng dạy học khiêm tốn. Còn trạm y tế thì tìm cả ngày không thấy.

Chị Nguyễn Thị Quyệt, cư dân trên đảo cho biết: Cũng như nhiều chị em trên đảo, khi có thai tôi phải vào đất liền để sinh con. Khi con cứng cáp mới trở lại đảo. Mỗi khi trẻ ốm, nhẹ thì tự chữa còn nặng hơn chút nữa thì nhờ BS ở trạm quân y khám. Thuốc men thì nhiều khi phải nhờ người nhà trong đất liền mua rồi gửi tàu ra…

Lấp đầy khoảng trống

Hệ thống y tế biển đảo trước đây được tổ chức theo quy hoạch chung trong hệ thống y tế quốc gia tuy nhiên do năng lực của cán bộ y tế còn hạn chế nên từ năm 1991, việc chăm sóc sức khỏe người dân vùng biển đảo thực hiện theo hướng quân dân y kết hợp. Tuy nhiên, theo thống kê thì có tới 31% dân số vùng  biển đảo gặp khó khăn trong việc tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh.

Nguyên nhân do mạng lưới y tế ở các tỉnh, thành ven biển không có bộ phận chuyên trách quản lí. Các huyện có tổ chức y tế khác nhau, có huyện thành lập phòng y tế, BV đa khoa huyện và Trung tâm y tế huyện (Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Phú Quốc, Kiên Hải, Phú Quí); Có huyện mới có Phòng y tế và Trung tâm y tế (huyện đảo Bạch Long Vỹ, Lý Sơn, Côn Đảo…). Lực lượng cán bộ y tế, nhất là cán bộ chuyên khoa thiếu nhiều về số lượng (khoảng 1.563 bác sĩ, 265 dược sĩ đại học…). Cán bộ y tế chưa có kiến thức đầy đủ về y học biển. Chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ y tế ra công tác tại vùng biển, đảo và ven biển chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn…

Tổ chức các cơ quan y tế cấp huyện, xã còn nhiều bất cập, có những huyện đảo chỉ có từ 1 - 3 bác sĩ nhưng phải đảm nhận khối lượng công việc ở cả BVĐK, trung tâm y tế và các lĩnh vực chuyên môn chuyên ngành khác, an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế dự phòng… Cơ cấu trang thiết bị chưa hợp lý, nơi thì thiếu thốn, nơi thì được đầu tư quá khả năng sử dụng vận hành thiết bị của cán bộ y tế. Công tác vận chuyển người bị thương, bị nạn trên biển gặp rất nhiều khó khăn do thiếu phương tiện vận chuyển chuyên dụng… Theo TS Nguyễn Hoàng Long (Bộ Y tế), hệ thống y tế nhân dân vùng biển, đảo hiện nay vừa thiếu, vừa chưa đủ năng lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe quân và dân trên biển, đảo.

Còn theo ông Chu Tiến Cường, nguyên Cục trưởng Cục quân y (Bộ Quốc phòng), việc chúng ta cần làm ngay là những quy định giúp ngư trường lớn có nhân dân khai thác có những tàu kiêm nhiệm để giúp việc chăm sóc sức khỏe, cấp cứu giống như tàu hải quân. Kinh phí để làm việc này không cao, có thể làm ngay để nhân dân yên tâm khai thác trên ngư trường. PGS. TS Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng Viện Y học Biển khẳng định: Để người dân yên tâm bám biển, lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh lãnh thổ và lãnh hải của đất nước thì cần đầu tư hơn nữa cho biển đảo, trong đó trước mắt là dịch vụ khám chữa bệnh, xa hơn là cứu hộ, cứu nạn trên biển.

M.Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.