Mong lương ‘tháng 13’ không là mơ ước xa tầm tay nhà giáo

GD&TĐ - Thưởng Tết Giáp Thìn 2024 của giáo viên sẽ khởi sắc, tiệm cận với thưởng lương “tháng 13”, là mong ước của nhiều thầy, cô giáo trên cả nước.

Cô Lý Thị Thu và học trò. Ảnh: NVCC
Cô Lý Thị Thu và học trò. Ảnh: NVCC

“Đặc sản” quà Tết

Hơn 8 năm “cắm bản”, song cô Lý Thị Thu - giáo viên chủ nhiệm lớp 2C, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Sủng Máng (Mèo Vạc, Hà Giang) chưa bao giờ biết đến khái niệm thưởng Tết. Vì thế, được thưởng Tết lương “tháng 13” là câu chuyện xa lạ, ước mơ xa xỉ với cô Thu cũng như nhiều thầy, cô dạy học ở vùng khó.

“‘Đặc sản’ quà Tết của giáo viên vùng khó là những lời động viên, chúc mừng năm mới của đồng nghiệp dành cho nhau”, cô Thu kể và không khỏi chạnh lòng khi nghe thông tin ngành nọ, doanh nghiệp kia thưởng Tết lương “tháng 13”; thậm chí có đơn vị thưởng vài chục triệu cho nhân viên, người lao động.

Ngành Giáo dục không có quỹ thưởng Tết cho giáo viên, nhà trường không có nguồn thu nên càng không có kinh phí thưởng Tết. Biết vậy nên ai nấy đều thông cảm. “Thưởng Tết hay không cũng không ảnh hưởng đến tình yêu nghề và học trò. Với chúng tôi, điều này luôn đong đầy như thuở ban đầu đứng trên bục giảng”, cô Thu bộc bạch.

Tết Giáp Thìn năm 2024, Trường THCS & THPT Bá Thước (Thanh Hóa) dự kiến “thưởng” mỗi thầy, cô giáo từ 1 - 2 triệu đồng. Cô Hiệu trưởng Hà Thị Thu cho biết, công đoàn và nhà trường đang tính toán, phấn đấu mỗi thầy, cô giáo được thưởng 2 triệu đồng tiền Tết. “Nhà trường phải “co kéo”, tiết kiệm khéo lắm mới có được số tiền này để thưởng Tết giáo viên.

Gọi là thưởng cho vui và khí thế, vì 1 - 2 triệu đồng chẳng thấm vào đâu so với những gì thầy cô cống hiến 1 năm qua. Tuy nhiên, đó là món quà “thay lời muốn nói” để chúng tôi cảm ơn, động viên thầy, cô giáo những ngày Tết đến Xuân về”, cô Thu chia sẻ.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Bá Thước, để có nguồn thưởng Tết là vấn đề không dễ, bởi không có quy định nào cho việc này. Nếu không chi tiêu tiết kiệm, các trường công lập khó có thể thưởng Tết cho giáo viên. Do đó, cô Thu luôn đau đáu, làm sao để giáo viên được thưởng lương “tháng 13”, thậm chí nhiều hơn thế như một số đơn vị ngoài ngành Giáo dục đã làm.

Ông Võ Quốc Thoại (thứ hai từ trái qua) trao quà Tết cho nhà giáo. Ảnh: NVCC

Ông Võ Quốc Thoại (thứ hai từ trái qua) trao quà Tết cho nhà giáo. Ảnh: NVCC

Không để nhà giáo không có Tết

Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang đang xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo đoàn viên, nhà giáo và người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán 2024. Với phương châm, không để nhà giáo nào không có Tết, ông Võ Quốc Thoại - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang cho hay:

“Chúng tôi sẽ quan tâm, chăm lo tất cả đoàn viên, người lao động; trong đó ưu tiên những trường hợp, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, thầy cô nhiều năm chưa có điều kiện về quê sum họp với gia đình dịp Tết Nguyên đán”. Theo đó, các hoạt động chăm lo bảo đảm thiết thực, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định, tạo không khí vui tươi, phấn khởi.

Trước mắt, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang sẽ thưởng Tết 500.000 đồng/người. Đối với các công đoàn cơ sở trực thuộc cân đối nguồn thu, chi trong năm, tự quyết định mức chi chăm lo cho đoàn viên, nhà giáo, người lao động tại đơn vị. Ngoài ra, Công đoàn ngành sẽ tổ chức Chương trình “Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ”, giúp đoàn viên, nhà giáo và người lao động đều có Tết.

“Chăm lo Tết cho giáo viên là điều chúng tôi luôn đau đáu. Công đoàn ngành Giáo dục có nhiều chương trình dành cho giáo viên dịp Tết. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, chúng tôi chỉ hỗ trợ được phần nhỏ cho giáo viên khó khăn. Vì vậy, rất mong địa phương, các cấp, ngành quan tâm, chăm lo cho nhà giáo nhiều hơn nữa dịp Tết đến, Xuân về”, ông Võ Quốc Thoại bày tỏ.

Mới đây, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Chương trình “Tết sớm với cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh vùng cao” năm 2024. Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho hay, chương trình nằm trong chuỗi hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh vùng cao dịp Tết cổ truyền dân tộc; đảm bảo cán bộ, nhà giáo, học sinh đều có Tết. Đồng thời, tăng cường đoàn kết, sẻ chia tinh thần “tương thân, tương ái” và lan tỏa rộng rãi vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong giai đoạn hiện nay.

Tại chương trình, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã trao quà cho cán bộ người lao động và Công đoàn Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc với tổng trị giá 45 triệu đồng; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Fuji dành tặng 10 triệu đồng cho Quỹ Xuân ấm yêu thương của nhà trường. Dịp này, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc cũng dành tặng 191 suất quà cho học sinh hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập.

“Với trách nhiệm thấu hiểu, sẻ chia, Công đoàn Giáo dục Việt Nam mong các thầy, cô giáo tiếp tục vượt qua khó khăn, ra sức thi đua dạy tốt, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh vùng cao. Qua đó góp phần giúp nhà trường giữ vững truyền thống và thành tích cao hơn nữa trong thời gian tới”, ông Ân bày tỏ.

Theo ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa, dù không phải là yêu cầu bắt buộc nhưng nên có thưởng Tết để động viên, khích lệ thầy, cô giáo. Trong bối cảnh khó khăn chung, các địa phương nên dành một phần kinh phí để tặng thưởng giáo viên trong ngày Tết. Đó là nguồn động viên tinh thần ý nghĩa với thầy, cô giáo khi Tết đến, Xuân về.

“Mong rằng, với sự quan tâm, chăm lo của xã hội, giáo viên sẽ có Tết ấm áp, nhận được mức thưởng xứng đáng, để câu chuyện thưởng lương ‘tháng 13’ không còn là mơ ước xa tầm tay”, cô Hà Thị Thu bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.