Món quà xúc động của người thầy 15 năm kiên trì với học sinh đặc biệt

GD&TĐ - "Tôi luôn tin rằng, dù thời cuộc có biến thiên và nhiều thay đổi, nghề giáo, nhà giáo vẫn luôn cao quý và xứng đáng được tôn vinh", thầy Trần Hải Nam - Hiệu trưởng trường THPT Ý Yên (Nam Định) chia sẻ về cái duyên và nhiệt huyết với nghề dạy học.

Tiết mục văn nghệ của tập thể cán bộ, giáo viên  mừng 20 năm thành lập trường THPT Ý Yên, Nam Định.
Tiết mục văn nghệ của tập thể cán bộ, giáo viên mừng 20 năm thành lập trường THPT Ý Yên, Nam Định.

"Em đã từng là học sinh cá biệt của thầy!"

Thầy Nam kể, 15 năm trong nghề dạy học tại ngôi trường mà nhiều học sinh có hoàn cảnh khá đặc biệt, với cương vị là giáo viên chủ nhiệm, thầy đã nhiều lần gặp gỡ, làm việc riêng với phụ huynh và học sinh để xử lí về vấn đề bỏ học giữa chừng không ít phụ huynh. 

Hạnh phúc của thầy Nam là mỗi sáng âm thầm đứng dõi theo dòng học sinh bước vào cổng và vỡ òa niềm vui khi thấy học sinh mà mình cảm hóa hôm qua đã đến trường.

Dịp tri ân nhà giáo hàng năm, thầy hạnh phúc vô bờ khi nhận được nhiều đóa hoa chúc mừng của các cựu học trò mà chính thầy đã kỳ công vận động đến trường từ nhiều năm trước.

"Tại buỗi lễ kỉ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa qua, tôi bỗng giật mình vì lời chào rất to của một cựu học sinh, cùng với đó là cái bắt tay ấm áp, một món quà nhỏ và câu giới thiệu: Em đã từng là học sinh cá biệt của thầy!". Tôi vẫn nhớ rất rõ cậu học trò này với từng kỷ niệm không thể nào phai" - thầy Nam tâm sự.

Chân tình sẽ lay động mọi trái tim

Món quà của em cựu học sinh khiến cảm xúc của thầy vỡ òa bởi chứa đựng trong đó cả một thời kỷ niệm và bước chuyển đầy ý nghĩa trong giáo dục - cảm hóa một nhân cách. Món quà là bức thư cùng với bài thơ do thầy Nam tặng em học sinh ấy 15 năm trước.

Giấy đã ngả màu, nhiều nét chữ cũng đã mờ, thầy bồi hồi đưa mắt dõi theo từng con chữ trong bài thơ của chính mình:

Tình cha

Dẫu biết rằng phải “hi sinh đời bố”

Cũng nguyện làm để “củng cố đời con”

Bao năm qua cha “vục mặt xuống bùn”

Cùng cây lúa, cây khoai ngoi ngóp.

Mẹ chẳng quản đôi chân trần phồng rộp

Khuya sớm ngoài đồng cùng con ốc, con cua

Mái nhà gianh chẳng đủ thấm đêm mưa

Con khô ráo biết đâu lòng mẹ ướt.

Cha buồn rầu nhìn mỗi phiên mái lợp

Suốt đêm dài xoong, chậu cứ long tong

Nhưng tình con là cả trái tim hồng

Sưởi ấm mẹ, soi đường cha bước tiếp.

Khi con lớn là khi cha mỏi mệt

Mẹ còng lưng vì gánh nặng đời con

Sinh, dưỡng, dục một cơ thể vuông tròn

Nhưng lại “được” một tâm hồn méo mó.

Cơn bão cuộc đời đã xua tan nghèo khó

Nhà gianh kia nay đã hóa ngói hồng

Con lại thèm, lại khát ở nhà tầng

Cơm ấm cật quên bữa khoai, bữa sắn.

Tin mẹ báo làm tim cha chết lặng

Con đua đòi tập hút, hít cho oai

Bỏ học hành , theo một vết trượt dài

Công cha mẹ, con dập vùi tàn nhẫn.

Giờ nhìn con, cha biết thương hay giận

Vì tình cha chỉ có vậy mà thôi

Nguyện vì con hi sinh cả cuộc đời

Để tạc một “con số không tròn trĩnh”...

Thầy giáo Trần Hải Nam.
Thầy giáo Trần Hải Nam.

Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của bài thơ, thầy Nam xúc động cho biết, đó là năm học 2003 – 2004, cũng là năm đầu tiên thầy bước chân vào nghề dạy học, 

"Một chiều thu, vừa tan buổi phụ đạo cho lớp 10C, tôi đang bước trên sân trường vắng thì từ phía cổng có một người đàn ông khoảng gần 50 tuổi với chiếc nón mê rách trên tay, đôi chân trần vẫn còn vương bùn đất, đi vào trường, hỏi gặp thầy Nam chủ nhiệm lớp 10C.

Chúng tôi luôn ý thức về sứ mệnh của “người lái đò” vĩ đại, để tình thương, trách nhiệm, tinh thần cầu thị và cầu tiến dẫn lối, vượt qua mọi khó khăn. Và luôn tin rằng: Mỗi nhà giáo sẽ như một ngọn hải đăng làm điểm tựa cho những con thuyền ra khơi - các thế hệ học sinh yêu mến- được xã hội, nhân dân tin tưởng, tôn vinh”.
 Thầy Trần Hải Nam.  

Tôi mời bác về phòng mình, bắt đầu lắng nghe vị phụ huynh chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, về những đòi hỏi, về ý định nghỉ học giữa chừng của con, về sự cố gắng của những người làm cha làm mẹ để cho con có cuộc sống đầy đủ, không thua kém bạn bè…

Giọng bác nghẹn lại và những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má gầy gò của một người cha lam lũ vì con.

Trước khi ra về, vị phụ huynh gửi gắm đến tôi một câu nói khiến tôi thấy xót xa và trăn trở: “Trăm sự nhờ thầy, nếu con em mà bỏ học, em sợ sau này nó sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội”. Và tôi cầm bút viết 1 mạch theo dòng cảm xúc bài thơ trên" - thầy Nam tâm sự.

Hôm sau tôi gặp riêng em học sinh, tôi phân tích, động viên và tặng em bài thơ này. Từ hôm đó cho đến hết 3 năm học THPT, em đã có sự chuyển biến rõ rệt về học tập và tu dưỡng đạo đức. Mặc dù năm lớp 11 và 12 tôi không còn chủ nhiệm em nữa nhưng tôi vẫn dõi theo việc học tập của em.

Trong ngày 20/11/2018, cũng là dịp kỉ niệm 20 năm thành lập trường THPT Ý Yên, tôi đã nhận được món quà “đặc biệt” của em học sinh năm ấy – Đó là sự trưởng thành của em trong cuộc sống. Qua đó, tôi càng vững niềm tin: "Chân tình sẽ lay động và cảm hóa mọi trái tim".

"Đối với tôi và các đồng nghiệp, học trò chính là một phần cuộc đời không thể thiếu; Là tuổi trẻ, là niềm vui, là niềm hạnh phúc và cả những khát vọng, trăn trở khôn nguôi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.