Cuối năm ngoái, tôi đi cùng với Tổ chức CARE quốc tế ở Việt Nam tới Bắc Kạn, nơi CARE đang thực hiện Dự án WEAVE về thúc đẩy bình đẳng giới qua phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp. Ở thôn Nà Kham (xã Thanh Vận), một thôn nghèo, kinh tế của người dân chỉ là trồng chuối, trồng rừng, làm nương rẫy, chăn nuôi nhỏ, với thu nhập bình quân đầu người chỉ 2 triệu đồng mỗi tháng.
Cuộc sống bình lặng thay đổi khi Dự án WEAVE vào từ năm 2017. Dự án hướng dẫn chị em lập các nhóm tiết kiệm thôn bản. Hàng tháng, chị em đóng cổ phần, mỗi tháng quỹ đều được đem cho chị em vay, với sự đồng thuận của cả nhóm, không cần thủ tục phức tạp như ngân hàng. Cuối năm, số tiền tiết kiệm sẽ được chia lại cho chị em theo tỷ lệ đã đóng.
Nghe số tiền cổ phần, tôi ngỡ ngàng. Vì nó quá nhỏ. Có thôn ban đầu chỉ 10 nghìn. Mỗi người mỗi lần họp – có thể mỗi tháng một hoặc hai lần – được mua không quá 5 cổ phần. Như ở Nà Kham là 20 nghìn một cổ phần, có thôn kinh tế khá hơn, hoặc hoạt động lâu hơn được chị em tin tưởng, thì một cổ phần là 50 nghìn.
20 nghìn thì mua được gì ở Hà Nội? Chưa được một bát phở. Có lẽ là một chiếc bánh mỳ ba tê bơ trứng. Hay một bông hoa hồng trong ngày 20/10.
Nhưng với những phụ nữ ở đây thì việc góp cổ phần là khi họ được biết khái niệm công khai, minh bạch, đồng thuận. Họ được học kỹ năng về tiết kiệm, quản lý tài chính gia đình. “Trước có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Giờ thì chúng tôi biết dành dụm, Tết cũng được một khoản, rồi con đi học mà cần tiền là có ngay” – bà Hà Thị Quỵ, 50 tuổi kể. Những cổ phần nho nhỏ ấy còn thúc đẩy vị thế kinh tế của người phụ nữ. Hiểu biết hơn, tự chủ về kinh tế hơn, họ cũng được các ông chồng tham khảo bàn bạc nhiều hơn trong các công việc gia đình.
Chồng bà Quỵ, ông Lý Hồng Hải, bảo: “Các đấng mày râu chúng tôi tuy là người dân tộc, nhưng ủng hộ chị em lắm, để chị em được nâng cao năng lực, biết tính toán để về hỗ trợ cho chồng trong việc gia đình, tăng tính tự chủ của chị em”.
Những buổi sinh hoạt nhóm tiết kiệm còn là lúc để dự án nói với các chị em về bình đẳng giới, việc chị em nên chia sẻ công việc trong gia đình với chồng con thế nào, là nơi họ được gặp nhau, được trò chuyện, được thấy có động lực và vui vẻ.
Bình đẳng giới không chỉ là câu chuyện về việc Việt Nam có tỷ lệ nữ doanh nhân cao ở khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và Chính phủ cao.
Bình đẳng giới còn có thể bắt đầu bằng việc đóng góp những cổ phần tiết kiệm bé xíu của những người phụ nữ thiểu số ở các vùng núi, không có mấy điều kiện thuận lợi và cơ hội thì quá ít.
Và so sánh thì vô cùng. Nhưng quan tâm đến nửa kia thế giới không chỉ là những bó hoa, những món quà đắt tiền mà các nhãn hàng rầm rộ quảng cáo trong mỗi dịp 8/3.
Đó còn là việc các anh chồng san sẻ việc nhà cho vợ đi họp nhóm, đi chơi bóng chuyền như ở chỗ chị Năm.
Người phụ nữ, ở nơi đâu, cũng có những thiệt thòi, những nỗi niềm, những định kiến mà xã hội mặc nhiên đã gán cho họ.
Thái độ của người đàn ông trong gia đình, nhiều khi không phải do trình độ học vấn, do việc họ sống ở thành phố lớn được coi là văn minh hơn, mà một phần lớn còn phụ thuộc vào văn hóa, nền nếp cộng đồng.
Chỉ là ở Nà Kham hay những nơi tương tự như thế, câu chuyện của họ ít được biết đến, ít được lắng nghe.