Em thì nghịch nước ven hồ bị trượt chân, em thì tắm nhưng không biết bơi; có em chết vì cứu bạn…
Đang là mùa hè, khắp các miền đều nóng bức, nhiều nơi hạn nặng, thiếu cả nước uống nhưng học sinh thì lại chết vì đuối nước, thật quá đau xót! Nghịch lý này đã tồn tại nhiều chục năm nay nhưng rồi cứ hè đến, bao nhiêu bậc phụ huynh đã tan nát cõi lòng vì con đuối nước.
Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐ - TB&XH), mỗi năm, nước ta có 2.000 trẻ bị đuối nước. Khảo sát trong hai năm 2015 - 2016, có đến 70% trẻ em ở Việt Nam không biết bơi. Đến năm 2020, số trẻ em biết bơi có tăng sau những cảnh báo nhiều vụ đuối nước thương tâm nhưng không đáng kể. Hàng năm, số trẻ chết vì đuối nước ở Việt Nam vẫn rất cao, thuộc tốp đầu các nước Đông Nam Á.
Có đủ lí do để mọi người đổ lỗi, như bận việc, không có điều kiện để dạy bơi cho con, nhà không có tiền để theo học các lớp dạy bơi… Thực ra, lý do lớn nhất là chúng ta thiếu quan tâm thật sự đến trẻ em. Phải thú thật là, việc quản lý trẻ em rất khó, nhất là những gia đình mà cả bố lẫn mẹ đều lao vào công việc để kiếm kế sinh nhai. Tất tật mọi sự quản lý con em đều phó thác cho nhà trường và các thầy cô giáo.
Nhưng nhà trường cũng như các thầy cô giáo đâu có quản lý 100% thời gian “rảnh” của các em! Vì vậy cách tốt nhất để có thể hạn chế được những cái chết thương tâm vì đuối nước là làm sao đó dạy cho bọn trẻ biết bơi. Trừ số em nghịch ngợm ở những thác nước nguy hiểm, còn ở những ao hồ, sông suối mà nước không chảy xiết, rất khó để một đứa trẻ biết bơi nhuần nhuyễn bị đuối nước.
Cứ sau mỗi vụ chết đuối, cả nước lại rộ lên phong trào “dạy bơi miễn phí”, rồi bắt buộc các trường “đạt chuẩn” phải có bể bơi, rồi phải đưa môn bơi vào trong tiết dạy thể dục. Có những địa phương như Quảng Ngãi, họ “quây” cả một góc sông Trà Khúc lại để dạy bơi cho các em sau vụ đuối nước làm 9 em ở TP Quảng Ngãi phải bỏ mạng năm 2016.
Thế nhưng chỉ được một mùa hè thì đâu lại vào đó. Trẻ vẫn cứ chết vì không biết bơi. Vì toàn bộ những hoạt động rầm rộ trên đây chỉ là “phủi nóng”, chỉ là “phong trào” để đưa vào các bản báo cáo thành tích. Dạy bơi phải được xem như một hoạt động thường xuyên và liên tục vì số trẻ chào đời hằng năm rất nhiều và chúng phải đến trường.
Bỏ ra chừng vài chục buổi chiều để tập bơi là một đứa trẻ có thể biết bơi, ít nhất là thoát khỏi một vũng nước sâu. “Học phí” đó đâu có “đắt” mà sao nhiều phụ huynh không chịu thực hiện để khi xảy ra sự cố thì lại tặc lưỡi “hay hồi”?
“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn”. Buồn ở đây không phải vì tạm chia tay bạn bè, thầy cô giáo mà buồn vì rất nhiều trẻ em phải bỏ mạng vì đuối nước.