Mối lo an ninh học đường

Mối lo an ninh học đường

(GD&TĐ) - Đảm bảo an ninh trường học là một trong những vấn đề mà ngành Giáo dục quan tâm, nhất là khi những năm gần đây nhiều vụ việc bất ổn xảy ra trong và ngoài nhà trường. Giữ an toàn cho HS khi đến trường không chỉ đặt trên vai các nhà trường mà đòi hỏi toàn xã hội phải cùng vào cuộc.

Mối lo tiềm ẩn

Thời gian gần đây hiện tượng những kẻ xấu đột nhập vào trường và gây ra những vụ việc tiêu cực ảnh hưởng xấu tới GV và HS trong trường khiến toàn xã hội lo ngại. Năm 2012, vụ việc một HS lớp 3 của một trường Tiểu học ở Phúc Thọ (Hà Nội), bị kẻ xấu giở trò đồi bại khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng về sự an toàn của con em khi đến trường… Tại Sở GD&ĐT Hà Nội, trong Hội nghị trực tuyến về công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn, theo kết quả báo cáo của các đơn vị, những thông tin do Ban chỉ đạo nắm được qua thông tin báo chí và kiểm tra thực tế thì trong các tháng đầu năm 2013 - toàn thành phố vẫn để xảy ra 17 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường với 43 lượt học sinh tổng số 1.543.781 học sinh toàn ngành chiếm 0,003% tổng số học sinh; 18 trường để xảy ra mất tài sản chiếm 0,72% tổng số trường; 3 học sinh đuối nước, ngoài ra còn có 5 vụ khác do thanh niên ném đá, bắt cóc học sinh, nhắn tin khủng bố qua điện thoại. 

Theo thông tin tại Trường THPT Mỹ Đức B, gần đây có một nhóm thanh niên đi xe máy dùng gạch đá ném vào trong khu vực nhà bảo vệ và cổng trường làm hư hỏng tài sản nhà trường như mái nhà, cửa kính và gây nguy hiểm cho lực lượng chức năng và HS nhà trường. Tại Trường Tiểu học Vạn Kim (Mỹ Đức), có 4 thanh niên đi xe máy vào trường dọa nạt HS cướp dây truyền. Nhà trường đã báo cáo công an xã và xử lý kịp thời. Nghiêm trọng hơn, tại quận Hà Đông, HS Trương Lê Hùng học lớp 6A1 Trường THCS Nguyễn Trãi quận Hà Đông bị bắt cóc có tống tiền đã được Công an quận giúp đỡ và giải thoát.

HS và GV cần được đảm bảo an toàn khi đến trường
HS và GV cần được đảm bảo an toàn khi đến trường 

Bên cạnh đó nhiều vụ việc HS trong cùng một trường và giữa các trường gây gổ đánh lộn với nhau, hiện tượng mất trộm về tài sản của nhà trường và cá nhân vẫn còn diễn ra tại một số trường học. Hiện tượng một số HS cá biệt kết thành nhóm bắt nạt, trấn tiền của những HS khác vẫn còn. Tình trạng quản lý Internet và HS tham gia game online vẫn là vấn đề bức xúc trong xã hội... 

Theo đánh giá, những HS vi phạm về pháp luật hoặc có những biểu hiện tiêu cực trong các nhà trường thì thường nảy sinh lý do bắt đầu từ phía gia đình. Thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chia sẻ: Khó khăn từ phía gia đình cũng là một trong nguyên nhân dẫn đến việc học sinh vi phạm pháp luật. Khi bố mẹ ly hôn, thường tạo ra yếu tố tâm lý bất thường đối với lứa tuổi học đường. Cộng với việc không được cha mẹ quan tâm giáo dục thường xuyên trẻ sẽ dễ dẫn tới những sai phạm. 

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và xã hội

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết: Để đảm bảo tốt công tác an ninh trong các nhà trường, ngành GĐ&ĐT đã phối hợp với Công an Thành phố Hà Nội để kịp thời nắm bắt và xử lý những vụ việc xảy ra trong các nhà trường. Kết quả nổi bật là tình hình tư tưởng, chính trị đối với đội ngũ cán bộ, công chức, giáo viên, HSSV diễn biến tích cực. Ở một số trường học có HSSV vi phạm nội quy, quy chế, ý thức phấn đấu tu dưỡng kém, tuỳ theo mức độ vi phạm, các nhà trường đã thành lập Hội đồng kỷ luật, xét kỷ luật răn đe giáo dục học sinh kịp thời đúng Điều lệ nhà trường phổ thông. Công tác phòng, chống ma túy trong trường học được các nhà trường quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Kết quả điều tra và tổ chức xét nghiệm nhanh ma túy cho gần 2500 học sinh tại các trường THPT, TTGDTX cho thấy không có học sinh dương tính với test thử nhanh. 

Để giảm thiểu những vụ việc học sinh liên quan đến vấn đề vi phạm pháp luật, về phía xã hội cần phải tạo nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích để các em phát triển thể chất và tư duy. Đối với các nhà trường, ngoài việc dạy về kiến thức văn hóa cần tập trung đẩy mạnh việc giáo dục nhân cách cho học sinh. Đặc biệt môn giáo dục pháp luật phải được giảng dạy và tuyên truyền linh hoạt dưới nhiều hình thức. Gia đình không nên khoán trắng việc dạy dỗ con cái cho nhà trường và xã hội; cần quan tâm đến tâm sinh lý, tạo điều kiện cho các em được tham gia sinh hoạt tập thể, phong trào thể thao, văn nghệ; hướng cho các em biết sống vì cộng đồng và có trách nhiệm với bản thân. 

Đồng chí Phạm Xuân Bình, Phó giám đốc Công an Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Dù trong điều kiện hoàn cảnh nào, Sở GD&ĐT, Sở Công an Hà Nội và chính quyền địa phương phải luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối trong môi trường giáo dục. Trách nhiệm chung của Công an Thành phố và các lực lượng liên quan là cần tăng cường công tác quản lý, phối hợp để nắm bắt thông tin và kịp thời xử lý các vụ việc xảy ra. Tiếp tục triển khai các cuộc giao ban, thường xuyên trao đổi thông tin; tổ chức các đường dây nóng giữa BGH các nhà trường với phòng giáo dục và công an các quận huyện để cùng giải quyết một cách triệt để đảm bảo an ninh trong môi trường học đường.

Minh Châu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ