Từ thực trạng này, trong nhiều năm qua, Phòng GD&ĐT TP Hà Tĩnh đã phối hợp với Thành đoàn xây dựng mô hình “Nhà vệ sinh thân thiện” tại các trường học. Hiện mô hình được nhân rộng và đạt hiệu quả cao, góp phần thực hiện xây dựng trường học hạnh phúc.
Nhà vệ sinh phát ra nhạc
Được triển khai từ đầu học kỳ II, năm học 2020 - 2021, mô hình “Nhà vệ sinh thân thiện” của Trường THCS Lê Văn Thiêm nhằm hưởng ứng phát động của ngành Giáo dục và Thành đoàn Hà Tĩnh về việc chỉnh trang, nâng cấp công trình nhà vệ sinh tại các trường trên địa bàn.
Khu nhà vệ sinh của Trường THCS Lê Văn Thiêm được bố trí tại cuối hành lang các tầng của dãy phòng học. Toàn bộ khu vệ sinh được xây dựng cao ráo, đủ ánh sáng. Xung quanh khu vệ sinh có các bảng nội quy, cảnh báo và hướng dẫn sử dụng được thiết kế công phu, bảo đảm tính thẩm mỹ. Đặc biệt, chỉ cần bật điện, nhà vệ sinh sẽ phát ra âm thanh vui nhộn từ các bài hát hoặc có khi là những bản tin thời sự, thông tin về học đường…
Em Trần Kim Ngân, học sinh lớp 9/5, Trường THCS Lê Văn Thiêm cho biết: “Trước đây chỉ khi bất đắc dĩ lắm chúng em mới phải sử dụng nhà vệ sinh. Từ khi nhà vệ sinh thân thiện được đưa vào sử dụng, chúng em không còn ngại việc vệ sinh tại trường”.
Theo cô Đậu Thị An (giáo viên, Tổng phụ trách Đội), từ những nhà vệ sinh có sẵn, nhà trường đã cùng học sinh thiết kế lại không gian tại đây thoáng mát và thân thiện hơn. Không gian mới nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của phụ huynh. Qua đó, tạo môi trường học tập xanh, sạch, đẹp cho học sinh.
“Khi xây dựng mô hình này, chúng tôi đã nghĩ đến việc làm sao phải tiết kiệm và hiệu quả nhất để các trường nông thôn cũng có thể áp dụng. Kinh phí trang trí 6 phòng vệ sinh chỉ khoảng gần 2 triệu đồng, trong đó chủ yếu là đầu tư thiết bị cảm ứng, loa phát, và một số vật dụng trang trí. Hệ thống loa này không chỉ đem lại sự thích thú cho học sinh mà còn là kênh truyền thông hiệu quả cho nhà trường trong thời gian dịch bệnh Covid-19”, cô An chia sẻ.
Còn tại Trường Tiểu học Thạch Trung, năm học này, học sinh không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo mới của những phòng vệ sinh. Tranh thủ thời gian nghỉ dịch kéo dài, giáo viên mỹ thuật Trường Tiểu học Thạch Trung đã thay áo cho toàn bộ nhà vệ sinh bằng những bức tranh tường vô cùng đẹp mắt, sinh động.
Bên trong “Nhà vệ sinh thân thiện” của Trường Tiểu học Thạch Trung có không gian thoáng mát, sạch sẽ bảo đảm các yêu cầu của tiêu chí xanh. Nơi đây được treo giỏ hoa, các chậu cây có khả năng khử mùi, hút khí độc, tạo vẻ đẹp cảnh quan môi trường và gần gũi với thiên nhiên. Các bảng nội quy, hướng dẫn vệ sinh đều được in rõ nét, đặt vừa tầm với học sinh tiểu học. Lối vào, sàn nhà được lát gạch men chống trơn trượt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh tiểu học trong suốt quá trình sử dụng.
Cô Lê Minh Phương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Trung chia sẻ: “Một trong những yếu tố giúp học sinh thoải mái khi đến trường là nhà vệ sinh phải được bảo đảm sạch sẽ, thoáng mát. Vì thế nhà trường có ý tưởng vẽ hình ảnh bảo vệ môi trường trên tường, đồng thời tăng cường công tác dọn vệ sinh.
Các giáo viên mỹ thuật hưởng ứng nhiệt tình bằng cách dành nhiều thời gian chọn lựa những bức tranh phù hợp với lứa tuổi học trò và có ý nghĩa giáo dục để vẽ lên tường. Việc làm này, giúp các em thoải mái giải tỏa nhu cầu bức thiết, phòng bệnh tật và góp phần nâng cao hơn nữa ý thức của học sinh về việc bảo vệ môi trường”.
Để nhà vệ sinh luôn thân thiện
Ngoài không gian thoáng mát, việc bảo đảm luôn sạch sẽ là điều quan trọng của mỗi khu vệ sinh trong các trường học. Cô Lê Minh Phương chia sẻ: “Nhà vệ sinh có trang trí đẹp đến đâu nhưng nếu bốc mùi và không sạch sẽ thì không học sinh nào muốn vào. Điều này sẽ gây ám ảnh cho các em, dù có nhu cầu nhưng phải nín nhịn, dễ sinh bệnh tật. Vì vậy, từ đầu năm học, chúng tôi đã ký hợp đồng với lao công dọn vệ sinh. Trung bình, mỗi buổi học sẽ phải dọn dẹp 3 lần (đầu buổi, giữa buổi và cuối buổi). Ban giám hiệu cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác vệ sinh tại các khu vực”.
Việc giữ nhà vệ sinh luôn thân thiện cũng được nhiều trường học lưu tâm bằng cách giáo dục ý thức cho học sinh. Không ít trường nhắc nhở các em giữ gìn vệ sinh chung qua tiết chào cờ đầu tuần, tiết sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa. Ngoài ra, nhà trường còn giao trách nhiệm bảo quản, vệ sinh cho từng lớp học theo lịch phân công.
“Mỗi tuần, nhà trường phân công mỗi lớp có nhiệm vụ dọn dẹp các khu nhà vệ sinh. Bên cạnh đó, việc bố trí cho học sinh lao động, dọn dẹp trường lớp, khu vệ sinh theo lịch hoặc áp dụng hình thức phạt lao động với học sinh vi phạm kỷ luật nhiều lần cũng được duy trì, nhằm giáo dục ý thức kỷ luật và vệ sinh cho học sinh; bảo đảm vệ sinh trường, lớp sạch sẽ… Từ đó, học sinh sẽ không còn ám ảnh mỗi khi đi vệ sinh ở trường, biết trân quý sức lao động của người khác”, cô Đậu Thị An cho hay.
Theo bà Đặng Thị Tuyết Mai - Chuyên viên phụ trách khối Tiểu học (Phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh), mô hình nhà vệ sinh thân thiện được triển khai thí điểm tại một số trường học trên địa bàn từ năm học 2018 - 2019. Hiệu quả từ mô hình được nhân rộng ra trong các năm học tiếp theo. Hiện có khoảng 90% trường học thực hiện mô hình này. Kinh phí xây dựng chủ yếu được thực hiện từ nguồn xã hội hóa, kế hoạch nhỏ của mỗi trường.
“Tùy vào từng điều kiện, có đơn vị sẽ trang trí, mua thêm cây xanh, lắp hệ thống loa nhạc… nhưng đều phải bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, cảnh quan thoáng mát để các em thoải mái khi đến trường. Điều này cũng là cơ sở hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc trong toàn ngành Giáo dục”, bà Mai nhấn mạnh.