(GD&TĐ) - Gần 3 năm học triển khai Đề án thí điểm được UBND tỉnh phê duyệt tháng 12-2006, mô hình cung ứng dịch vụ GD chất lượng cao thực hiện trong trường THPT Hòn Gai (Quảng Ninh) với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đã có những khẳng định thành công về nhiều phương diện.
Ông Hoàng Thế Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT Hòn Gai |
Cơ chế tự chủ đã không chỉ góp phần huy động được nhiều nguồn lực đáp ứng các yêu cầu đảm bảo chất lượng GD mà hơn nữa, cơ chế ấy đã xoá bỏ chủ nghĩa bình quân trong lao động và thu nhập của nhà giáo, tạo nên động lực rất quan trọng để các nhà giáo cống hiến hiệu quả cho sự nghiệp GD. Thành công của mô hình khẳng định tính đúng đắn của một chủ trương, và cũng khẳng định những con người dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm vì công việc chung chính là nhân tố quan trọng nhất.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một trong những con người đó, ông Hoàng Thế Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT Hòn Gai.
1-Trên ủng dưới phù, trong ngoài đồng thuận
PV: GD chất lượng cao hiện đang có tình trạng cung không đủ cầu. Đó là một dấu hiệu đáng mừng. Nhưng đó cũng chính là cơ hội nảy sinh một cuộc đua không lành mạnh để “giành giật” những ưu thế GD về phía mình, gây nên những hậu quả hệ luỵ gây bức xúc cho cả nhà nước và nhân dân. Qua 3 năm thực hiện mô hình dịch vụ GD chất lượng cao tại trường mình, ông có thấy đây là một lối thoát khỏi thực trạng đó?
Ông Hoàng Thế Vinh: Đã cho con cái đi học, ai cũng muốn con mình được học trong những điều kiện tốt nhất, đạt được chất lượng cao để tiếp tục học lên và vào đời vững vàng. Khi điều kiện kinh tế ngọ ngằn thì họ chấp nhận nhà nước lo cho đến đâu được đến đó. Nhưng khi đời sống đã khá lên một chút, thì họ sẽ tìm cách đầu tư cho sự học của con em mình. Thu hút sự góp sức đầu tư của nhân dân, đồng thời cùng với họ đáp ứng nhu cầu học tập chất lượng cho con em họ, đó chính là tinh thần của xã hội hoá GD mà tôi hiểu. Nhà nước mới đủ sức lo đảm bảo các nhu cầu học tập đại trà của nhân dân, còn muốn có dịch vụ GD tốt hơn yêu cầu đại trà đó, thì người dân phải đóng góp, đó cũng là quy luật bình thường. Ấy thế nhưng từ trước đến nay, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có chủ trương đó, và có Nghị quyết rồi, đến cấp địa phương lại có chương trình kế hoạch rồi, nhưng không phải ở đâu cũng triển khai được và làm đúng để có hiệu quả tốt. Chính vì thế mới có cái thực trạng bức xúc về chuyện chạy trường lớp, chạy thầy cô như ta vẫn thấy ở các khu vực có kinh tế phát triển.
PV: Nhưng ở trường công mà lại tồn tại các mức chất lượng khác nhau xem ra cứ có điều gì đó không được ổn lắm, ít ra là về mặt tâm lý, trường THPT Hòn Gai có vướng chuyện đó, thưa ông? Và nếu có thì đã được giải quyết như thế nào?
Ông Hoàng Thế Vinh: Mới nghe, nhiều người cũng ngại, mặc dù nhu cầu là có thật, điều kiện thực hiện đã chín muồi. Bản thân tôi cũng vậy thôi. Nhưng không dám bứt phá thì làm sao có được sự đổi mới tiến bộ? Đã làm là phải dám đương đầu với dư luận trái chiều, với thách thức, chấp nhận rủi ro, thậm chí thất bại, chứ còn cứ muốn an toàn thì đừng có làm.
Sau khi xem xét điều kiện của địa phương và nhân dân, vận dụng vào hoàn cảnh thực tiễn của nhà trường, rồi tìm các căn cứ pháp lý…Thế là mình điểm huyệt, khai thác lợi thế tiềm năng, làm sao để hô lên một cái là người ta ủng hộ ngay. Có đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn rồi, có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài rồi, vấn đề là người đứng đầu phải xốc tới thôi, cùng với hội đồng sư phạm hoạch định bước đi và cách làm sao cho năng động sáng tạo mà vẫn không “chạm vạch”. 3 năm đã trôi qua, bây giờ nghĩ lại, chúng tôi thấy mình đã làm đúng, làm tốt, góp phần khẳng định mục tiêu của đề án là đúng đắn và khả thi, có thể nhân rộng ra các loại hình trường khác, tất nhiên là lại phải có bước đi, cách làm khác cho phù hợp. Rất nhiều đoàn đã đến trao đổi kinh nghiệm và muốn học tập mô hình, từ Quảng Ngãi, Lào Cai, Hải Phòng, Đồng Nai, Hải Dương, Hà Tây (cũ), Nam Định, Hà Nội, mà toàn là những trường có tên tuổi về chất lượng và bề dày truyền thống rồi. Nhưng theo tôi được biết cho đến bây giờ họ vẫn chưa làm được, nhiều nơi vẫn còn “bó” lắm. Chúng tôi cũng đưa GV và CBQL đi học tập ở nhiều nơi, cả trong và ngoài nước, để chuyển nhận thức của anh em mình, rôồ học cái hay của người ta, rút kinh nghiệm những điều chưa được.
Nhớ lại những ngày đầu khi xây dựng Đề án thực hiện mô hình cung ứng dịch vụ GD chất lượng cao cho trường THPT Hòn Gai, không phải mọi ý kiến từ phụ huynh và GV đều nhất trí, tuy nhiên, chúng tôi kiên trì giải thích các mục tiêu và mục đích cũng như cách làm, cuối cùng thì tất cả đều đồng tình với phương án thực hiện. Về kinh phí, ngoài 30% xây dựng cơ bản do tỉnh hỗ trợ thì sẽ thu tiền xây dựng mỗi em 80.000đ/tháng, Học phí 350.000đ/tháng; GV ngoài việc ủng hộ không hoàn lại mỗi người 1 tháng lương còn cho vay từ 5 triệu đồng trở lên, sau 5 năm trường trả gốc, tỉnh trả lãi. Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản và trang thiết bị dạy học; Ngân hàng thương mại cho vay…Tất cả các khoản vay cố gắng trong vòng 10 năm chi trả xong thì công trình sẽ thuộc phúc lợi tập thể.
PV: Mức học phí 4 năm qua không thay đổi, trong khi giá trị đồng tiền thay đổi nhiều lần, nhà trường đã làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn này?
Ông Hoàng Thế Vinh: Đó là một cố gắng lớn của đội ngũ. Toàn thể Hội đồng sư phạm đều nhất trí với mục tiêu là để thí điểm khẳng định mô hình cho tốt, không vì mục tiêu thu nhập, nên GV sẵn sàng bồi giỏi phụ kém mà không lấy thù lao. Tuy nhiên, nhà trường cũng không duy ý chí khi làm việc này, song do nhận thức như vậy nên ngoài đóng góp ban đầu, khi trả 200.000đ tiền dạy thêm cho một buôổ, GV cũng chỉ nhận 180.000đ, còn 20.000 thì để chia sẻ hỗ trợ HS nghèo, diện chính sách. Giá trị đồng tiền không lớn, nhưng tôi cho đây là một sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, rằng làm nghề dạy học thì quan trọng nhất là cái tâm. Và với tấm lòng của anh em như vậy, lại thêm sự đóng góp nhiệt thành của phụ huynh, của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, tóm lại là trên ủng dưới phù, trong ngoài đồng thuận. đến nay nhà trường chỉ còn nợ ít nữa thôi, kết thúc năm 2012 là có thể trả xong nợ, và khi ấy, tôi nghỉ hưu sẽ không phải bàn giao nợ cho người kế nhiệm.
HS nhà trường |
2-Lãnh đạo không phải là đấng bề trên
PV: Học phí là một chuyện, quan trọng là chất lượng có đúng là cao như đã cam kết không, thưa ông?
Ông Hoàng Thế Vinh: Chúng tôi cũng hiểu như vậy. Khi người dân đã quyết tâm đầu tư cho con cái họ, lại tin tưởng mình để giao con cái họ cho mình, thì mình không thể xúc phạm niềm tin ấy. Đảm bảo chất lượng đại trà là trách nhiệm thường xuyên rồi, với các lớp chất lượng cao, càng phải tập trung cho chất lượng hơn. Ngoài việc đầu tư CSVC, trang thiết bị, chúng tôi quan tâm nhiều đến đội ngũ. GV và CBQL được đi học tập các nơi để chuyển biến nhận thức và trao đổi kinh nghiệm như tôi đã nói ở trên, GV dạy chất lượng cao (CLC) còn được tuyển theo các tiêu chí: tự nguyện, được tổ chuyên môn giới thiệu, qua sàng lọc… Động đến chất lượng đội ngũ là va chạm ghê lắm, nếu không công bằng, khách quan, và không đủ năng lực để đánh giá hiệu quả thực tiễn (chứ không chỉ căn cứ vào danh hiệu) thì sẽ không thuyết phục được họ. Có năm trường tôi tuyển 17 thạc sĩ nhưng 3 người phải bật bãi vì không trụ được.
Hiệu quả lao động thực tiễn cũng được ghi nhận bằng giá trị vật chất cụ thể, chứ không chung chung. Thù lao thêm cho mỗi tiết dạy của GV CLC cũng có 3 mức tuỳ theo hiệu quả lao động của họ, ttừ 10.000đ/tiết, đến 15.000, rồi 18.000đ/tiết.
Đánh giá đúng cả giá trị tinh thần và vật chất chính là tạo động lực cho anh em phấn đấu. Cũng qua quá trình này, các tổ chuyên môn đã có sự sàng lọc, tuyển chọn những người lao động có tay nghề cao, chuyên môn giỏi tham gia giảng dạy các lớp CLC, phân loại được năng lực trình độ GV.
PV: Va quệt là không tránh khỏi trong quá trình chỉ đạo chất lượng. Vậy theo ông, làm thế nào dể hạn chế đến mức thấp nhất những va quệt đó?
Trong quá trình làm, mình cũng phải thật dân chủ. Tôi hiểu đơn giản: dân chủ là làm thế nào để người ta thấy đến trường như về nhà mình; dân chru là phải cụ thể, lấy hiệu quả công việc làm trọng; dân chủ là lãnh đạo và GV đi cùng một hướng, chứ không phải hiệu trưởng vào cổng trước thì GV lủi ra cổng sau (để tránh mặt). Phải tôn trọng cá tính của anh em, phát huy ưu tuế của từng người đẻ tập hợp họ vào mục tiêu chung. Lại phải chịu lắng nghe, cập nhật và xử lý những thông tin về đội ngũ của mình, không để những thông tin đó thành sóng ngầm, chuyện bé xé thành to. Đặc biệt là thông tin về mình, cũng phải làm thế nào để tạo niềm tin cho người ta rồi người ta mới góp ý với mình điều này điều kia, giúp mình điều chỉnh cho thích hợp. Lãnh đạo thì phải kiên quyết nhưng hoà đồng chứ lãnh đạo không phải là một đấng bề trên. Thành tích là của chung tập thể nhưng thaâts bại dứt khoát phải quy trách nhiệm cá nhân.
Với quan điểm này, chúng tôi đã xây dựng được một bầu không khí hoà thuận, anh em trên dưới một lòng, cùng chí hướng. Tất cả hội đồng như anh em một nhà, hiểu nhau, thông cảm và chia sẻ với nhau đến từng chuyện nhỏ. Có một cô giáo nghỉ dạy, tôi nghe nói là đang phải nằm bất động, đến nhà thăm thấy cô đi nhẹ nói khẽ là mình phải hiểu ngay cô giáo đó vừa có “sự cố kế hoạch hoá” rồi, và có cách động viên người ta. Chỉ một việc nhỏ thôi nhưng thể hiện sự quan tâm thật lòng đến nhau, thế mới quý.
Dân chủ không chỉ trong nội bộ nhà trường, mà còn phải với cả xã hội. Mà quyết định để dân chủ chính là công khai. Mọi chủ trương đều được công khai bàn bạc, và thực hiện nghiêm túc. Trong tuyển sinh cũng vậy. Dứt khoát trường không phải là trường con nhà giàu, bởi không phải cứ có nguyện vọng, cứ đóng tiền cao là được học CLC. Phải đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn về học lực và đạo đức thì mới được tuyển vào, trong quá trình học lại tiếp tục sàng lọc để kích thích động viên sự ham học của các em. Những em có hoàn cảnh khó khăn mà học giỏi thì được miễn giảm học phí để học lớp CLC.
3-Cơ chế tạo động lực
PV: Ông có cho rằng những kết quả ban đầu của mô hình đã là minh chứng cho sự đúng đắn của chủ trương, cơ chế?
Ông Hoàng Thế Vinh: Trường Hòn Gai đã có danh từ lâu, nhưng chất lượng thì ngày càng được khẳng định, nhát là từ mươi năm trở lại đây và 3 năm thực hiện mô hình mới. Nhiều phụ huynh Hạ Long bây giờ không phải đưa con đi học ở Hà Nội nữa. Có người còn nói với tôi là xin chuyển cho con từ trường chuyên sang đây. Chỉ tiêu chỉ có 6 lớp với 210 HS nhưng năm thứ hai thí điểm đã có 379 đơn, năm 2009 có 497 đơn vào lớp 10, trong khi tổng chỉ tiêu lớp 10 chỉ có 570. Nếu được thực hiện 100% chỉ tiêu là CLC thì tôi tin rằng diện tuyển sinh vào trường sẽ mở rộng toàn thành phố Hạ Long. Chất lượng của lớp CLC thì cao đã đành, nhưng chính các lớp này cũng góp phần kéo chất lượng toàn trường lên. Tỉ lệ đỗ ĐH-CĐ trước đây là 34%, rồi lên 50,7%, rồi sau khi thí điểm mô hình CLC đã lên 82% trong năm vừa rồi, có lớp đỗ ĐH, CĐ 100%. Chúng tôi đang có dự định khoán chất lượng với GV, cam kết đầu ra ngay khi kiểm tra đầu vào luôn. Chúng tôi có thể tin tưởng mà khẳng định rằng mô hình cung ứng dịch vụ GD CLC là đúng đắn, khả thi. Và Sở đã có dự kiến nhân rộng sang một số trường có điều kiện trong thành phố.
PV: Còn những trường khác, như trường ngoài công lập, hay truờng vùng khó, theo ông liệu có áp dụng mô hình này được không?
Ông Hoàng Thế Vinh: Tôi nghĩ rằng trường nào, địa phương nào cũng có tiềm năng, miễn là mình biết cách khai thác tiềm năng để biến nó thành hiện thực, bằng cách làm, bước đi phù hợp, tất nhiên có thể kết quả sẽ khác nhau nhưng chắc chắn sẽ làm chuyển biến chất lượng chung, làm đầu tàu kéo cả đoàn tàu đi.
PV: Trân trọng cảm ơn ông.
Nguyễn Hoàng (thực hiện)