Mộ của nhà giàu

GD&TĐ - Tết Thanh minh đi tảo mộ mới thấy rằng, xã hội phân chia khoảng cách giữa những người sống đã xa lắm rồi. Thế mà, giữa những người chết lại còn xa hơn.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Từ xa xưa, chuyện mồ mả với người Việt được xem trọng, đó cũng là nét văn hoá tốt đẹp của người Việt ta vậy. Dân gian quan niệm “mồ yên mả đẹp” thì mới yên bề gia thất, cuộc sống mới hạnh phúc ấm no, con cháu mới đề huề hòa thuận.

Những người thân trong gia đình khi đã khuất thường được an táng gần nhau và theo thứ tự. Mỗi ngôi mộ sẽ có một bia đá để ghi tên, tuổi thọ, năm sinh, quê quán cùng bát hương, đĩa cúng vào mỗi dịp lễ tết, giỗ chạp.

Biết được tầm quan trọng của mộ phần, cũng là biết tới văn hoá truyền thống. Thế nhưng khi xã hội phát triển, quan niệm “mồ yên mả đẹp” cũng thay đổi theo chiều hướng kinh tế. Mộ không chỉ phải đẹp mà còn phải to, không chỉ bề thế mà còn phải đẳng cấp kiểu “mộ nhà vườn”.

Cũng từ quan niệm “giàu vì mồ vì mả” mà nhiều nghĩa trang dành riêng cho nhà giàu hình thành. Ví như Lạc Hồng Viên ở Hoà Bình với những khu mộ trị giá bạc tỉ nằm trên những quả đồi có “view đẹp” được ví von như biệt thự cho người chết. Riêng tiền mua đất cũng giá bạc tỉ, cộng thêm tiền khuôn viên, khu nhà thờ thì giá trị lên đến cả chục tỉ/khu mộ.

Ấy thế mà có tiền chưa chắc đã mua được đất để làm mộ. Bởi hầu hết những vị trí đắc địa giá bạc tỉ đã được đặt chỗ trước, nhằm đề phòng cho “cơn sốt” nơi chôn cất sau này.

Ở các tỉnh khác như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình, Huế… cũng không kém. Những khu mộ gia đình rộng cả hecta, được xây dựng bề thế khiến cho những người sống cũng phải khát thèm.

Một đại gia nổi tiếng ở Nam Định trước khi chết còn dặn người thân phải làm sao xây dựng thành một khu mộ to đẹp – vĩ đại nhất. Và cứ thế, nhà giàu thi nhau tậu đất đẹp, xây mộ to trở thành một phong trào mà chính họ cũng không biết là tốt hay xấu.

Chỉ biết rằng, trong vài năm qua bao nhiêu bờ xôi ruộng mật đã phải nhường chỗ cho lăng mộ. Và bao giờ mộ làm sau cũng phải to hơn mộ làm trước, nhiều dòng họ mâu thuẫn chỉ vì tranh giành miếng đất xây mộ, cho đến người sống cũng mòn mỏi vì lo sau này chết không có chỗ chôn. 

“Thương dân dân lập đền thờ/Hại dân dân đái ngập mồ thối xương”, dù là quan hay dân thì khi chết được kính trọng hay bị khinh thường, không phải do mộ to – mộ nhỏ, mà bởi có để lại được “tiếng thơm” hay không.

Chính phủ đã ban hành Nghị định về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang. Không được phép xây cất hoành tráng, diện tích phần mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa 5m2, cát táng không quá 3m2.

Luật đã rõ, nhưng thử hỏi có bao giờ chính quyền xử lý hành vi “xây mộ hoành tráng” hay chưa? Phải chăng, lỗi ở người đã chết!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ