Miệt mài “gieo chữ” nơi địa đầu Tổ quốc

GD&TĐ - Đặt chân đến địa đầu Tổ quốc Đồng Văn, Hà Giang - điều dễ thấy nhất là sự khắc nghiệt của thời tiết, không chỉ nơi đây là cao nguyên đá mà bởi cuộc sống con người cũng dễ bị xói mòn theo. 

Miệt mài “gieo chữ” nơi địa đầu Tổ quốc

Vậy mà nơi đây vẫn có những con người thầm lặng “gieo chữ”, họ tận tâm với nghề và không ngại “rời xuôi cắm bản” để mong cho trẻ em vùng cao Lũng Cú có một tương lai tốt đẹp hơn.

Hành trình “rời xuôi cắm bản”!

Đi trong những cơn gió lạnh cuối mùa giữa những triền miên đá, chúng tôi được lái xe của Phòng Đào tạo huyện Đồng Văn đón đi thăm tình hình giáo dục trên đỉnh đồi Lũng Cú. Men theo những khúc lượn dốc đá, cheo leo và uốn lượn, nhiều người sẽ thót tim vì nhìn từ xa vì con đường chính tới huyện này chỉ là sợi chỉ vắt vẻo quanh cao nguyên đá.

Từ trong làn sương, Trường Tiểu học Lũng Cú hiện ra chiếc cổng sắt cũ, với những tấm prô xi măng nhấp nhô, xa xa là những dãy núi đá ẩn hiện. Cùng lúc đó, là những tiếng đánh vần “ê a” rôm rả và đầy hứng thú của học trò.

Tiếp chúng tôi là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Lợi, thầy tâm sự: Các thầy cô ở đây hầu hết là người miền xuôi lên dạy học, bản thân thầy cũng là người tận Quảng Xương (Thanh Hóa), rời làng cắm bản từ những ngày trường còn là vách đất chưa có điện và nước. Nhưng cuối cùng thầy vẫn trụ lại nơi đây, có lẽ ngoài tình yêu nghề thì tình yêu trẻ là động lực lớn nhất để thầy cũng như các thầy cô khác âm thầm “cày đá”, “hứng sương” để gieo chữ.

Nhắc đến những ngày đầu tiên, thầy Lợi lặng người đi một chút và trầm ngâm kể lại: “Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng điều ngăn cản lớn nhất là bất đồng về ngôn ngữ, phụ huynh không hiểu, trẻ con lại càng không hiểu hơn, rồi liên tiếp những mùa giáp hạt thiếu đói, mùa hè thì khô nước, mùa đông thì lạnh buốt, những điều đó đã ngăn cản bước chân các em tới trường”. Để vượt qua những khó khăn, những người thầy buộc phải học tiếng dân tộc, học được ngôn ngữ nhưng nhận thức của các bậc phụ huynh còn hạn chế không cho con đi học, muốn con ở nhà làm nương rẫy lại là thử thách không hề nhỏ với các thầy cô.

Rời miền quê Ba Vì, cô Phạm Thị Tuyển - Hiệu trưởng Trường THCS Lũng Cú theo chồng lên đây, chồng chị là bộ đội biên phòng cũng đóng quân ngay trên cao nguyên này. Cô Tuyển nói: “Mới đầu là theo tiếng gọi của tình yêu rồi dần theo tiếng gọi của Tổ quốc, ở cao nguyên này mình không những được làm người lái đò mà còn được đóng một phần công sức bảo vệ cho địa đầu của Tổ quốc”. Cô Tuyển rất tự hào và hãnh diện khi quyết định ở lại gắn bó với cao nguyên đá này.

Cũng là phụ nữ nhưng có số phận kém may mắn hơn khi cô Thạch Thị Bích Lượng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Lũng Cú quyết định làm bà mẹ đơn thân, nuôi con một mình giữa đại ngàn cao nguyên đá. Rời Tuyên Quang, cô lên đây khi trường còn gặp quá nhiều khó khăn, chỗ ăn ở của giáo viên thiếu thốn, trường trải rộng khắp 9 điểm, nhận thức phụ huynh còn hạn chế nên trẻ nhỏ chủ yếu được địu trên lưng để đi làm nương, phơi sương, phơi gió. Thương các em nhỏ như con mình, cô đã tham gia tích cực vào việc vận động các gia đình cho trẻ đi mẫu giáo.

Vượt qua rào cản ngôn ngữ!

Khó khăn vất vả là vậy nhưng nơi địa đầu heo hút Đồng Văn, điều đáng quý nhất là tình người, người dân cũng như học sinh nơi đây họ thật thà, chất phác, yêu quý thầy cô như một phần của cơ thể của họ. Đáp trả lại tình nghĩa đó, các thầy cô cũng không quản khó khăn để trèo đèo lội suối đem con chữ đến cho các em. Thương các em phải vượt qua bốn, năm cây số trên con đường cheo leo dốc núi để đến trường, thầy cô càng quyết tâm gắn bó lâu hơn với nghề.

Thầy và trò nương tựa vào nhau rồi từ trong gian khó đã có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động. Rào cản lớn nhất, ngăn cách giữa thầy trò cũng như phụ huynh là sự bất đồng về ngôn ngữ, ở huyện Đồng Văn lại chưa có lớp bồi dưỡng dạy tiếng dân tộc cho giáo viên. Vậy là, thầy Nguyễn Văn Lợi phải vào bản để tiếp cận nhiều với các bậc phụ huynh hơn.

Ngoài giờ lên lớp thầy đã đến từng nhà trong thôn bản vừa làm công tác dân vận để phụ huynh cho con đi học, vừa tình nguyện trở thành học sinh để học tiếng Mông và tiếng Lô Lô bản địa. Có những khi trời rét buốt nhưng thấy lớp học trống trải thầy cô vẫn lặn lội đến nhà từng học trò đón đi học. Cũng nhờ biết tiếng bản địa mà học sinh giờ hiểu được nhiều hơn “cái chữ”, “cái bụng” của thầy sau mỗi tiết dạy. Sau 15 năm gắn bó nơi địa đầu Tổ quốc, thầy Lợi xây dựng gia đình, trở thành người con của dân bản. Và điều đáng mừng là Trường Tiểu học Lũng Cú ngày càng thu hút đông các em học sinh các dân tộc đến học.

Hi vọng với sự nỗ lực của toàn thể các thầy cô, các em học sinh sẽ ngày càng coi trọng “con chữ”, xứng đáng trở thành những người con bảo vệ nơi địa đầu Tổ quốc.

Những nỗ lực cùng con chữ của các thầy như ngày càng được đền đáp khi hiện tại, Trường Tiểu học Lũng Cú có 30 lớp với tổng số 621 học sinh, tổng số học sinh dân tộc Mông là 578 em và Lô Lô là 41 em. Theo báo cáo mới nhất trong tháng 2/2016 vừa qua thì sỹ số học sinh trên lớp đạt 96,29% đảm bảo thời gian tái giảng đúng quy định của ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ