Có một tàu cá mang số hiệu ĐNa 27028 TS công suất 30CV do ông Đinh Văn Kỷ, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà làm chủ tàu, đang neo đậu tại cầu cảng công trình 15 (Thọ Quang, Sơn Trà) đã bị chìm. Một số thuyền thúng của ngư dân neo đậu tại khu vực Bãi Ngang (Thọ Quang, Sơn Trà) cũng bị gió đánh lật úp, trôi dạt. Nhiều ngư lưới cụ để trên các thuyền thúng này bị tấp vào bờ, hư hại.
Từ 7 giờ đến 9 giờ sáng 31/10, thành phố Đà nẵng có mưa rất lớn và gió giật mạnh khiến người dân hết sức vất vả khi di chuyển trên đường. Trong đó, rất nhiều phụ huynh chở học sinh tới trường khi đi qua các cây cầu của thành phố như cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Tuyên Sơn... đã bị gió mạnh táp ngã ra đường.
Trao đổi với phóng viên vào sáng nay, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Đà Nẵng cho biết, các cấp học trên địa bàn thành phố vẫn đi học bình thường. Tuy nhiên, Sở đã yêu cầu các trường chủ động phương án phòng chống lụt bão. Đồng thời, Sở cũng yêu cầu các trường nhắc nhở giáo viên, phụ huynh, học sinh cẩn trọng trong quá trình đi lại…
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, bão số 5 cũng đã gây ra mưa lớn và gió giật mạnh làm nhiều địa phương trong tỉnh bị ảnh hưởng. Cụ thể như ở xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên. Vào hồi 6 giờ 45 phút ngày 31/10, trên địa bàn đã xuất hiện một cơn lốc xoáy kèm theo mưa lớn. Theo thống kê sơ bộ cho thấy, lốc xoáy đã làm 4 người dân ở địa phương bị thương nhẹ và ít nhất 50 ngôi nhà bị tốc mái một phần (chủ yếu tại 2 thôn Vân Quật và Thi Thại).
Nước trên các sông đang lên |
Hiện nay, chính quyền địa phương đang khẩn trương huy động lực lượng thanh niên xung kích tập trung hỗ trợ những hộ dân có nhà bị tốc mái nhanh chóng khắc phục thiệt hại để ổn định cuộc sống.
Do ảnh hưởng của mưa lớn, đường dây 35kV từ huyện Tiên Phước lên huyện Nam Trà My gặp sự cố và gây mất điện trên địa bàn huyện Nam Trà My. Ngành điện lực đã tập trung khắc phục và đến sáng sớm 31/10 đã có điện trở lại.
Riêng đối với đường dây kéo lên địa bàn xã Trà Cang, do cây cối ngã đổ vào đường dây quá nhiều gây mất điện toàn xã. Tại huyện Đông Giang, sáng nay một số điểm trường tiểu học, THCS đã cho học sinh nghỉ học để phòng tránh mưa bão.
Tại một số khu vực trũng thấp như ngầm Dốc Rùa (xã A Ting), cầu Sông Vàng (xã Ba)... nước lũ dâng cao tràn mặt đường gây cô lập cục bộ tuyến quốc lộ 14G đi lên trung tâm huyện.
Ông Phan Duy Phương - Trưởng phòng GD-ĐT Quế Sơn cho biết, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 5, từ đêm qua 30.10 đến sáng nay 31.10 trên địa bàn huyện liên tục có gió mạnh và mưa to kéo dài.
Để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho giáo viên và học sinh, hôm nay 31.10 các trường học (bậc mẫu giáo, tiểu học, THCS) trên toàn huyện cho học sinh nghỉ học. Về việc dạy và học trong ngày mai 1/11, ông Phan Duy Phương cho biết, tùy theo diễn biến của tình hình thời tiết…
Tại Quảng Ngãi, bão số 5 đã gây nên mưa lớn và gió mạnh làm ngã đổ nhiều cây xanh và nhà dân. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là các huyện nằm ở phía Nam tỉnh Quảng Ngãi như Mộ Đức, Đức Phổ, Ba Tơ… Qua thống kê sơ bộ ban đầu, ước tính khoảng 200 nhà dân ở xã Đức Phong và xã Đức Minh (huyện Mộ Đức) bị bão số 5 làm tốc mái, hư hỏng gây thiệt hại nhiều trăm triệu đồng.
Trưa 31/10, ông Nguyễn Minh Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Minh cho biết: Tối qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 5 đã khiến cho 71 nhà dân trên địa bàn xã bị tốc mái, hư hỏng nặng, 3 người bị thương, nhiều diện tích hoa màu và rừng phòng hộ ven biển bị ngã đổ.
Chính quyền địa phương đã cử các lực lượng đến giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại. Trong khi đó, tại xã Đức Phong, bão số 5 cũng làm khoảng 125 mái nhà của người dân trong xã bị tốc mái, hư hỏng nặng.
Tại Bình Định, bão số 5 đổ bộ vào đất liền với sức gió giật cấp 12 đã gây nhiều thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân. Theo thông kê sơ bộ của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định sáng 31/10, bão số 5 đã làm cho 144 ngôi nhà bị sập; 250 ngôi nhà khác bị ngập nước; 45 tàu cá bị va đập, hư hỏng; 2 km kè biển bị sạt lở, trong đó 600 m bị sập hoàn toàn… Tổng thiệt hại ban đầu ước tính là 350 tỷ đồng.
Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định cũng đã có báo cáo sơ bộ tình hình thiệt hại do mưa bão gây ra, trong đó đáng chú ý là không có thiệt hại về tính mạng của học sinh và giáo viên.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành GD&ĐT ước tính thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng, bao gồm các thiệt hại do phòng học bị tốc mái, cây xanh ngã đổ, tường rào sập, máy vi tính bị sét đánh.
Cụ thể, khối phòng GD&ĐT thiệt hại khoảng 7 tỷ đồng, khối các trường trực thuộc Sở GD&ĐT thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng. Sở GD&ĐT tiếp tục nắm tình hình, chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng khắc phục thiệt hại và báo cáo chi tiết thiệt hại do bão lụt gây ra. Để đảm bảo an toàn, học sinh được nghỉ học từ chiều 30/10 đến hết ngày 31/10.
Tại tỉnh Phú Yên, bão số 5 đã gây thiệt hại lớn cho thị xã Sông Cầu. Tính đến trưa 31/10, có 13 nhà sập hoàn toàn, 55 nhà thiệt hại 50-70% và hơn 100 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, hơn 110ha lúa bị ngập nước, hơn 430 tấn muối bị nước lũ cuốn trôi, nhiều diện tích cây trồng, hoa màu bị thiệt hại nặng.
Về thủy sản, đã có gần 40 tàu thuyền bị chìm, gió bão thổi lên bờ gây thiệt hại nặng; có 5 bè nuôi thủy sản bị gió bão đánh vỡ, hàng trăm ha ao nuôi thủy sản bị ngập làm cho thủy sản nuôi sổng ra ngoài, một số đối tượng nuôi khác như ốc hương bị ảnh hưởng nước ngọt nên chết với tỉ lệ cao…