Bão chưa đổ bộ nhưng đến nay đã làm ba người chết và mất tích, thiệt hại về nhà cửa, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp chỉ đạo ứng phó với bão số 4 và tình hình mưa lũ ở khu vực miền Bắc sáng 18-8.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, trong những ngày vừa qua tại khu vực Đông Bắc (trọng tâm ở Quảng Ninh, Hải Phòng) đã xảy ra mưa lớn. Do ảnh hưởng của cơn bão số 4 nên khu vực này tiếp tục có mưa và xảy ra cao điểm vào các ngày 20 và 21-8.
Nhận định về diễn biến cơn bão số 4, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết trong ngày 20-8, bão có thể đi vào đất liền khu vực Nam Trung Quốc và đi vào khu vực biên giới Việt Nam, gây mưa lớn cho khu vực miền núi phía Bắc nước ta. Cao điểm mưa xảy ra tại khu vực Việt Bắc và Tây Bắc ngày 21 và 22-8. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét ở khu vực miền núi và ngập úng ở khu vực đô thị.
Theo dõi thường xuyên bảo đảm an toàn hồ chứa sau động đất Sơn La
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chia sẻ, hiện nay theo dõi trực tuyến trên hệ thống giám sát tàu cá không thấy tàu thuyền ở trong khu vực nguy hiểm.
Ông Hoài nhấn mạnh việc bảo đảm an toàn vận hành xả lũ hồ chứa, đặc biệt các hồ chứa lớn ở Bắc Bộ: Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà. Hiện nay, mực nước ở các hồ này đang ở dưới mực nước cho phép. Tuy nhiên, với tình hình mưa hiện nay cần theo dõi chặt chẽ đặc biệt là việc vận hành hồ thủy điện Sơn La trong bối cảnh lũ chính vụ có khả năng kết thúc sớm, việc vận hành tính toán vừa bảo đảm an toàn vừa phục vụ phát điện, cấp nước sinh hoạt và sản xuất, phụ thuộc lớn đến công tác dự báo cảnh báo.
Ngoài ra trong ngày hôm qua, tại Sơn La đã xảy ra sáu trận động đất và dư chấn với độ lớn từ 3-4 độ, do đó cần theo dõi thường xuyên bảo đảm an toàn hồ chứa.
Theo báo cáo của đại diện Bộ đội biên phòng và Tổng cục Thủy sản, ở khu vực Vịnh Bắc Bộ có khoảng 500 tàu cá hoạt động, trong 24 giờ tới sẽ thông báo và kiểm đếm để không có tàu thuyền nào hoạt động ở khu vực nguy hiểm.
Theo báo cáo của đại diện Tổng cục Thủy lợi, trên cả nước hiện có 204 hồ chứa hư hỏng cần lưu ý và 115 hồ chứa đang thi công, trong đó khu vực miền núi phía Bắc có 81 hồ hư hỏng và 51 hồ đang thi công.
Cảnh giác lũ ống, lũ quét và sạt lở đất
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết từ nay đến ngày 23-8, trên khu vực miền núi phía Bắc trọng tâm là khu vực Đông Bắc và Tây Bắc sẽ gặp tổ hợp bất lợi về thiên tai, trong bối cảnh lượng mưa lớn xảy ra trong những ngày qua ở khu vực phía Bắc, bão chưa đổ bộ nhưng đến nay đã làm ba người chết và mất tích, thiệt hại về nhà cửa, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp.
Bão số 4 đổ bộ sẽ gây mưa to ở khu vực miền núi phía Bắc, bên cạnh đó động đất xảy ra tại khu vực này. Đối với công tác bảo đảm an toàn hồ chứa, trọng tâm là việc vận hành xả lũ hồ thủy điện Sơn La, cần tính toán kỹ và xét cả yếu tố lũ thượng nguồn, vừa bảo đảm an toàn cho công trình và hạ du vừa phục vụ mục đích phát điện, sản xuất.
Đối với diễn biến của cơn bão số 4, theo nhận định thì gió không lớn và khả năng đổ bộ vào một số tỉnh của nước ta gây mưa lớn. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương, Bộ ngành cần tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiệm Công điện số 08/CĐ-TWPCTT ngày 17-8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Thứ trưởng nhấn mạnh, đối với khu vực miền núi cần quan tâm về vấn đề lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Trong thời gian qua lượng mưa nhiều nên đất đã ngấm đủ nước do đó nếu ảnh hưởng của bão số 4 tiếp tục mưa sẽ dễ gây ra sạt lở đất. Cần phải di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ, tổ chức trực ban 24/24 đến cấp thôn, thường xuyên thông tin tới người dân về tình hình mưa lũ, sạt lở đất. Cử người canh gác tại các khu vực ngầm tràn, khu vực nguy hiểm để hướng dẫn người dân, cắm biển cảnh báo, rào chắn ở khu vực nguy hiêm.
Đối với công tác bảo đảm an toàn hồ chứa, cần tiếp tục theo dõi rà soát lại các hồ chứa thủy lợi, không được chủ quan đặc biệt với các hồ chứa có dung tích nhỏ (từ 500 nghìn m3 đến 1,5 triệu m3).
Đối với khu vực trũng thấp cần phải chủ động thông báo cho người dân những điểm có nguy cơ ngập úng đặc biệt khu vực đô thị để người dân có các phương án phòng tránh.
Thường xuyên theo dõi, kiểm đếm và thông báo cho chủ tàu thuyền, lồng bè đảm bảo công tác an toàn tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản.