Michael Bloomberg ra tranh cử vì ghét Donald Trump?

GD&TĐ - Nhà tỷ phú, cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg, một trong những người giàu nhất thế giới, đã chính thức tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ cho đảng Dân chủ. Phương châm khi ra tranh cử của ông là để “đánh bại Donald Trump và xây lại nước Mỹ”.

Tỷ phú Michael Bloomberg - một trong những người giàu nhất thế giới, đã chính thức tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ
Tỷ phú Michael Bloomberg - một trong những người giàu nhất thế giới, đã chính thức tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ

Tranh cử muộn

Đã 77 tuổi, ông Bloomberg tuyên bố tranh cử hôm 24/11, ở tuổi còn hơn cả Tổng thống đương nhiệm. Ông nói toẹt ra thông điệp nhằm vào đối thủ tiềm năng của mình: “Chúng ta không thể chịu đựng thêm 4 năm nữa với những hành động phi đạo đức và bất cẩn của Tổng thống Trump. Ông ta là một mối đe dọa hiện sinh với đất nước và những giá trị của chúng ta. Nếu ông ta thắng cử một nhiệm kỳ nữa, chúng ta có thể không bao giờ hồi phục khỏi các thiệt hại”.

Chỉ còn 10 tuần nữa là vòng bầu cử sơ bộ khởi động, ông Bloomberg tuyên bố tham gia tranh cử muộn một cách bất thường. Đây là một hành động không chính thống, phản ánh sự lo ngại trong đảng Dân chủ về sức mạnh của các ứng cử viên hiện nay. Chính Bloomberg cũng tỏ ra lo ngại rằng không có ứng cử viên hàng đầu nào của phe Dân chủ có thể đánh bại ông Trump.

Vốn là một người trung dung với những mối liên hệ khăng khít với giới tài chính Mỹ, ông Bloomberg sẽ không dễ dàng gì khi theo đuổi cương lĩnh theo hướng tiến bộ của đảng Dân chủ. Ông cũng mới trở thành người của đảng Dân chủ năm ngoái. Nhưng nguồn lực khổng lồ và tiểu sử ôn hòa của ông có thể trở nên hấp dẫn trong bầu cử sơ bộ, khi mà việc tìm kiếm một ứng cử viên thật tốt cho phe Dân chủ vẫn là thách thức.

Tờ Forbes xếp ông Bloomberg là người giàu thứ 11 trên thế giới trong năm 2018 với tài sản ròng chừng 50 tỷ USD. Còn ông Trump xếp thứ 259 với tài sản ròng chỉ hơn 3 tỷ USD. Đế chế kinh doanh của ông đem lại việc làm cho hơn 19.000 người ở 69 nước, trong đó có các dịch vụ dữ liệu tài chính, dịch vụ tin tức dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đây là thế mạnh, nhưng cũng có nguy cơ làm dấy lên những câu hỏi về đạo đức xem các kênh tin tức của ông sẽ đưa tin về chiến dịch tranh cử thế nào, cùng những xung đột lợi ích về tài chính đối với một tổng thống tiềm năng.

Thù ghét Trump hay “mua” cử tri?

Ông Bloomberg đã cam kết dành ít nhất 150 triệu USD trong tài sản của ông cho chiến dịch tranh cử, trong đó có hơn 100 triệu USD cho các quảng cáo trên Internet để tấn công Tổng thống Donald Trump, từ 15 - 20 triệu USD cho chiến dịch đăng ký cử tri chủ yếu nhằm vào các nhóm cử tri thiểu số, và hơn 30 triệu USD cho quảng cáo tranh cử trên truyền hình trong vòng sơ bộ - số tiền khủng kỷ lục để mua quảng cáo trong lịch sử bầu cử sơ bộ Mỹ.

Là người giàu thứ 8 nước Mỹ, ông không nhận các khoản quyên góp mà tự bỏ tiền ra tranh cử. Ông không nói sẽ dành bao nhiêu tiền cho tham vọng tranh cử, nhưng cố vấn cấp cao Howard Wolfson đã nói: “Cho dù là bao nhiêu đi nữa để đánh bại ông Donald Trump”.

Tất nhiên điều này cũng gây những phản ứng không tích cực. Các đối thủ Dân chủ như ông Bernie Sanders đã lên tiếng về kế hoạch của ông Bloomberg về tranh cử dựa trên tài sản cá nhân. “Chúng tôi không tin rằng các tỷ phú có quyền mua bầu cử” - ông Sanders phát biểu khi tranh cử ở New Hampshire hôm 24/11 - “Đó là lý do tại sao các đại tỷ phú như ông Bloomberg sẽ không đi xa trong cuộc bầu cử này”.

Elizabeth Warren, một ứng cử viên hàng đầu khác, cũng chỉ trích ông Bloomberg đang cố mua ghế tổng thống. “Tôi hiểu rằng người giàu sẽ có nhiều giày hơn phần lớn chúng ta, có nhiều xe hơi hơn chúng ta, và sẽ có nhiều nhà hơn” - bà nói - “Nhưng họ không thể giành phần lớn hơn của nền dân chủ, đặc biệt là trong bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Chúng ta cần làm mọi việc mặt đối mặt để lưu tâm đến mỗi tiếng nói”.

Phác thảo chính sách

Trong video tuyên bố tranh cử, ông Bloomberg chưa nói gì. Nhưng video xây dựng hình ảnh ông là một doanh nhân thành công từ gốc rễ khiêm tốn, và cuối cùng “đặt tiền vào nơi có tấm lòng” để tác động đến sự thay đổi những vấn đề chính sách hàng đầu của đất nước, như bạo lực súng đạn, biến đổi khí hậu, người nhập cư hay bình đẳng.

Ông Bloomberg đã dành hàng chục triệu USD để theo đuổi các ưu tiên chính sách trong những năm gần đây, tạo ra những thay đổi đo đếm được ở các thành phố và các bang khắp nước Mỹ.

Ông đã giúp đóng cửa 282 nhà máy than ở Mỹ, tổ chức một liên minh các thành phố theo đuổi việc cắt giảm 75 triệu tấn khối phát thải carbon cho đến năm 2025. Ông cùng nhiều thị trưởng khác đã đầu tư những khoản tiền khổng lồ để giúp huấn luyện quan chức địa phương và khuyến khích họ có hành động về khí hậu, súng đạn, người nhập cư.

Tuy nhiên, ông Bloomberg sẽ gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm sự ủng hộ của các cử tri đa sắc tộc. Trong 12 năm làm thị trưởng New York, ông đã chọc giận nhiều cử tri các cộng đồng thiểu số vì ủng hộ và bảo vệ chiến lược “chặn và khám” gây nhiều tranh cãi của cảnh sát, cho dù tác động bất cân xứng của chiến lược đó với người da màu.

Tại một giáo đoàn người Mỹ gốc Phi đầu tháng 11 vừa qua ở Brooklyn, ông Blommberg đã xin lỗi và thừa nhận rằng chiến dịch này thường dẫn tới việc bắt giữ người da đen và người gốc Mỹ Latinh. Nhiều người nghi ngờ rằng lời xin lỗi chỉ là bước đi của ông để bước vào tranh cử.

Chiến dịch tranh cử của ông Bloomberg sẽ được đặt trụ sở chính tại Manhattan và do cố vấn lâu năm của ông là Kevin Sheekey điều hành. Cố vấn Wolfson cũng giữ vai trò quan trọng.

Con đường trước mắt ông sẽ khó khăn. Ông dự định bỏ qua 4 bang đầu trong lịch trình bầu cử sơ bộ là Iowa, New Hampshire, Nevada và South Carolina, mà tập trung vào các bang sẽ bỏ phiếu vào ngày Siêu Thứ Ba 3/3/2020 và sau đó.

Đó là một chiến lược thừa nhận những hạn chế của việc tham gia vòng sơ bộ muộn và những cơ hội mà tài sản cá nhân khổng lồ của ông có thể cáng đáng. Các cố vấn của ông lưu ý rằng, một số cử tri đã dành phần lớn năm 2019 để xây dựng sự ủng hộ ở những bang bầu cử sớm, và ông Bloomberg cần thực tế để tập trung vào các bang bỏ phiếu sau mới có cơ chiến thắng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ