Bà mẹ cũng nhìn con rồi cười. Nhưng khi vừa bước ra khỏi thang máy thì bác bảo vệ đã đợi sẵn để nhắc nhở. Bà mẹ bị nhắc nổi khùng lên: “Trẻ con nó biết gì mà trách?”.
“Đó là một trong số vô vàn những cách ứng xử và dạy con mà tôi cho rằng rất tệ của nhiều bà mẹ trong khu chung cư này” – Chị Hà (Tòa Trung tâm Thương mại, khu đô thị Xa La, Hà Nội) nói.
Gần tòa chung cư mà chị sinh sống có một khu vui chơi dành cho trẻ em. Ở đó, các trẻ em được sử dụng đồ chơi, sân chơi một cách miễn phí. Vì thế, đã có rất nhiều chuyện xảy ra khiến các con thắc mắc mà chị không biết phải giải thích thế nào.
Chị kể: “Hôm đó là cuối tuần, mình đưa 2 đứa con (5 tuổi và 3 tuổi) xuống khu vui chơi từ sớm. Lúc các cháu đến, khu vui chơi mới chỉ có vài người vì thế hai con mình mỗi cháu ôm lấy một chiếc ô tô để chơi. Đang chơi thì một bà khác cũng đưa cháu đến. Đứa cháu cũng muốn chơi ô tô nhưng không biết làm thế nào để lấy nên cứ kéo áo đòi bà.
Bà đứa bé tìm quanh không thấy ô tô nên chạy ra chỗ thằng Tý (con mình) và giật lấy cái ô tô từ tay thằng bé. Tý bị giật đồ chơi thì khóc. Nó hỏi: “Sao bà lại giật ô tô của cháu?”, bà này trả lời: “Có phải ô tô của mày đâu? Mày chơi nhiều rồi phải để bạn khác chơi nữa chứ”.
Tý không đồng ý nên giật lại chiếc ô tô từ tay bạn kia. Thế là bà ấy trợn mắt và thẳng tay tát vào tay thằng bé khiến thằng bé khóc toáng lên. Mình chạy lại thì bà ấy chửi xối xả, bảo thằng bé hỗn".
Chị Hà không đồng ý với cách hành xử như vậy nhưng cũng không làm lớn chuyện chị dàn xếp với các con rồi về nhà giải thích với con.
"Tuy nhiên, Tý vẫn cứ thắc mắc: “Sao bà muốn lấy đồ chơi mà lại giật chứ không bảo con đưa cho bạn ?” khiến mình rất khó để trả lời” – Chị Hà nói thêm.
Ảnh minh họa
Các mẹ cãi nhau vì trẻ mâu thuẫn
Chị Hà tiếp tục chia sẻ chuyện bức xúc mà chị phải chứng kiến. Chị nói,chiều tối những người dân trong khu chung cư chị ở thường đưa con xuống sân tầng 1 chơi.
"Lúc đó, một cháu bé khoảng 4 tuổi nhưng rất hiếu động chạy loanh quanh sân để đá bóng. Không may, trái bóng rơi đúng vào đầu một bé gái khác đang chơi gần đó. Vì thế, bé gái khóc toáng lên.
Cậu con trai thấy bé gái khóc liền ôm quả bóng trốn đi chỗ khác. Bà mẹ nhìn thấy con khóc thì không cam lòng nên chạy lại chỗ thằng bé trốn và lôi thằng bé về phía con mình và bắt xin lỗi.
Thằng bé có vẻ bướng bỉnh nên không chịu xin lỗi vì thế mà bà mẹ càng tức. Chị ta tát nhẹ vào chân thằng bé. Nhưng vừa tát thì mẹ của cậu con trai xuất hiện. Thế là hai mẹ cãi nhau ầm ĩ" - Chị Hà kể.
Nghe chuyện của chị Hà, chị Hoàng (ở một chung cư cao cấp Hà Nội) cũng kể câu chuyện mà chị cho rằng, cách ứng xử của những người lớn trong cuộc đã góp phần tạo cho trẻ thói ích kỷ.
Chị kể, cô bạn hàng xóm của chị đưa con xuống sân để hóng mát, khi đi chơi, thằng bé đòi mang theo chiếc xe đạp đắt tiền mà bố mẹ vừa tặng hôm trước.
Chiếc xe đạp rất đẹp, vì thế có vài bạn muốn được chơi cùng. Cậu bé cũng đồng ý và cả nhóm 4, 5 đứa trẻ tập trung quanh chiếc xe. Đứa ngồi, đứa đứng, đứa bám giỏ xe, đứa lại trèo lên bàn đạp.
Bà mẹ cậu bé có xe xót của, sợ hỏng xe nên chạy ra quát con và đuổi tất cả những đứa trẻ khác đi. Vừa đuổi, chị vừa mắng con ngu dại, đồ của mình mà không biết giữ gìn.
Chị còn dặn, lần sau “cấm được cho đứa nào động vào” khiến một bà mẹ có con vừa trèo lên xe của bạn tự ái. Chị lôi con mình ra và cũng cấm con lần sau không được lại gần cậu bạn đó khiến không khí đôi bên căng thẳng.
“Hai bà mẹ còn từ mặt nhau cũng chỉ chấp nhau câu nói đó” – Chị Hoàng kể lại.