“Mẹ ơi, con sinh ra từ đâu?”: Câu trả lời có thể ảnh hưởng cuộc đời con trẻ, bố mẹ hãy cẩn trọng!

Đôi khi, những câu trả lời sáng tạo của cha mẹ giải đáp việc con sinh ra từ đâu, như thế nào lại có những ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của trẻ. Cha mẹ nên biết để tránh nhé!

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Có lẽ ông bố, bà mẹ nào cũng từng nhận được câu hỏi tò mò của các con: "Mẹ sinh ra con ở đâu?", "Mẹ ơi, con được sinh ra thế nào?"... Đó là một thắc mắc rất thông thường, và các bậc phụ huynh thì sáng tạo ra vô vàn những câu trả lời: "Con cò mang con tới với bố mẹ", "Nhặt từ bãi rác chứ đâu", "Con chui từ nách ra"...

Nhưng nhiều khi những đáp án của người lớn đưa ra không thể thỏa mãn sự tò mò của con trẻ, thậm chí với những câu trả lời hàm ý tiêu cực còn khiến chúng cảm thấy bị tổn thương! 

Câu chuyện 1:

Vào một ngày nọ, Hạt Đậu - 1 bé gái 3 tuổi chạy đến bên bố và bất ngờ hỏi: "Bố ơi, con sinh ra từ đâu?". Đương nhiên, ông bố cảm thấy bối rối, cố tình lảng tránh bằng mọi lý do.

Không chịu từ bỏ, cô bé lại chạy đến bên mẹ hỏi, nhưng đáp lại cũng là 1 lời thoái thác: "Con chưa hiểu được đâu, bao giờ lớn con sẽ biết. Giờ thì con đừng hỏi nữa nhé!".

"Mẹ ơi, con sinh ra từ đâu" - câu trả lời của phụ huynh có thể ảnh hưởng tới cuộc đời của con trẻ, hãy cẩn trọng! - Ảnh 1.

Vì ngại ngùng mà nhiều ông bố, bà mẹ không bao giờ thẳng thắn trả lời câu hỏi này của con. Nhưng chính thái độ lảng tránh lại khiến trẻ bị tò mò, có thể sẽ tự tìm hiểu ở những nguồn không lành mạnh khác, dễ dẫn tới suy nghĩ lệch lạc. 

Cha mẹ cũng đừng cố gắng chấm dứt cuộc hội thoại khi gặp những câu hỏi khó. Đứa trẻ sẽ không thấy thoải mái nếu nhận được quá ít thông tin.

Nếu thật sự chưa biết cách trả lời, cha mẹ tốt nhất hãy tìm cách trì hoãn, nói rằng hiện giờ đang bận, tối sẽ cho con 1 câu trả lời thích đáng!

Câu chuyện 2:

Chấn Hải là một chuyên viên cao cấp, anh có một cô con gái đang độ tuổi lên 4. Một hôm, cô bé đã hỏi anh: "Bố ơi, con từ đâu đến?".

"Mẹ ơi, con sinh ra từ đâu" - câu trả lời của phụ huynh có thể ảnh hưởng tới cuộc đời của con trẻ, hãy cẩn trọng! - Ảnh 2.

Ông bố bắt đầu nghiêm túc, nói với con: "Đây là những kiến thức thật sự khó hiểu, nhưng bố vẫn nói để con hình dung nhé! Bố và mẹ kết hợp với nhau, sau đó tạo ra 1 bào thai, ban đầu nhỏ như hạt đậu - chính là con đó. Rồi hạt đậu nảy mầm, sinh sôi, trưởng thành.

Và con cũng tương tự, con lớn dần từng ngày trong bụng mẹ thành hình hài, được 9 tháng 10 ngày con chào đời, bố mẹ nuôi nấng, chăm sóc để con ngày 1 trưởng thành như ngày hôm nay đó!".

Không rõ con gái của hiểu hay không, thế nhưng cô bé tỏ ra rất hài lòng, gật gù: "Con là bào thai nhỏ như 1 hạt đậu, con từ bụng mẹ chui ra!".

Rõ ràng, trong trường hợp này, dù đứa trẻ đã không hiểu rõ về những điều bố nói, thế nhưng thái độ của nó thể hiện rằng: "Tôi không hiểu chính xác mọi thứ bạn nói là gì, nhưng tôi hài lòng với câu trả lời của bạn".

Với những em bé dưới 6 tuổi, trẻ có thể chưa hiểu thế nào là tinh trùng và trứng, cha mẹ có thể liên hệ với những thứ xung quanh như hạt đậu, hạt lạc... giúp bé dễ hiểu hơn.

Câu chuyện 3:

Lạc Lạc là cậu bé rất đỗi ngây thơ và nhút nhát. Ngay từ khi cậu chưa tròn 3 tuổi, mẹ đã sinh thêm em bé do đó cậu hay bị cảm giác thiếu thốn tình thương.

Lạc Lạc thường hay ngẩn ngơ đứng phía xa nhìn mẹ âu yếm em nhỏ với ánh mắt thèm thuồng. Có 1 lần, cậu bé mon men tiến đến gần rồi hỏi mẹ: "Mẹ ơi, con từ đâu tới thế ạ?".

"Mẹ ơi, con sinh ra từ đâu" - câu trả lời của phụ huynh có thể ảnh hưởng tới cuộc đời của con trẻ, hãy cẩn trọng! - Ảnh 3.

Mẹ của cậu không hề nghĩ ngợi gì, trêu 1 câu: "Một ngày mẹ đi qua bãi rác, vô tình thấy 1 bọc tròn, mẹ đã lượm về và nuôi nấng. Đó chính là con đó!".

Và tại thời điểm đó, Lạc Lạc đã tin vào câu trả lời của mẹ. Cậu cảm thấy mình đúng thật là được nhặt từ bãi rác về và cảm thấy không được yêu thương. 

Một lần nọ, khi cả nhóm bạn đang trò chuyện về chủ đề chúng ta được sinh ra thế nào, Lạc Lạc nói mình được nhặt từ bãi rác khiến ai nấy phá ra cười. Cậu bé cảm thấy mình rác rưởi thật, bật khóc rồi bỏ chạy.

Và suốt thời thơ ấu, cái ý nghĩ mình được nhặt từ bãi rác luôn đeo bám trong tâm trí của cậu bé. Có thể, với người mẹ khi ấy câu trả lời đột nhiên nảy ra trong đầu và chẳng có ý gì.

Thế nhưng ở góc độ của trẻ, chúng sẽ đánh giá từ câu trả lời của bố mẹ xem mình quan trọng như thế nào. Và câu trả lời tiêu cực này có thể trở thành một cái bóng đen theo suốt cả cuộc đời của trẻ.

Vậy nên trả lời những câu hỏi này của trẻ như thế nào? Trẻ em ở các độ tuổi khác nhau có cách trả lời khác nhau. Miễn là chúng có thể trả lời tích cực và giao tiếp với thiện chí, chúng là một cách giáo dục hoàn hảo giữa cha mẹ và con cái.

1. Câu trả lời tình yêu

Nếu trẻ còn quá nhỏ, không cần phải giải thích 1 cách chi tiết và khoa học, thay vì thế, hãy nói theo cách này: "Cha và mẹ của con yêu nhau, chúng ta kết hôn, và sau đó con được sinh ra!".

2. Câu trả lời khai sáng

Thái độ của cha mẹ đối với giáo dục giới tính quyết định thái độ chấp nhận của trẻ. Nếu trẻ lớn hơn một chút, cha mẹ nên trả lời tích cực, thẳng thắn và đúng đắn.

Cố gắng sử dụng những ngôn ngữ dễ hiểu cho trẻ. Nếu sự tò mò của con bạn sâu sắc hơn, hãy thật kiên nhẫn để giải thích cho con.

3. Câu trả lời liên tưởng

Cách đơn giản cha mẹ có thể áp dụng, tức là thông qua những sự vật, sự việc thực tế để gợi mở sự việc. Ví dụ, cha mẹ có thể đưa con đi khám cho mèo cưng đang mang thai.

Khi nhìn những hình ảnh siêu âm, mẹ sẽ so sánh với bản thân: "Khi xưa con trong bụng mẹ như mèo con trong bụng mèo mẹ đấy!".

Hoặc đơn giản hơn, cha mẹ mua cho con một đĩa về thế giới động vật, sau đó bật lên xem cùng con. Khi tới đoạn con vật đó giao phối, mang bầu, sinh con, mẹ hãy bảo: “Bố và mẹ cũng gặp nhau, yêu nhau, sau đó mẹ mang bầu và sinh ra con".

Đây được đánh giá là một phương pháp giáo dục tốt, cha mẹ có thể giúp con hiểu vấn đề 1 cách nhanh chóng. Có rất nhiều ví dụ tương tự xung quanh chúng ta có thể được sử dụng: Chó sẽ có con nhỏ, chim sẽ đẻ trứng,...

Tuy nhiên, khi trẻ lớn lên, sự tò mò tăng lên. Vì thế, cha mẹ luôn luôn tìm phương pháp giáo dục giới tính phù hợp cho trẻ em ở các độ tuổi khác nhau.

Theo Helino

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ