Mẹ già làm “đám ma giả” để kéo con ra khỏi bàn tay “xã hội đen”

Người mẹ “có một không hai” này chính là bà P.T.B. (SN 1944, trú tại xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên). Không còn ai trách móc việc làm của bà, bởi họ biết, “cực chẳng đã” bà mới phải làm đám ma giả cho con trai mình. Và chính nhờ cái đám ma ấy, con trai bà mới tìm được lối thoát để làm lại cuộc đời…

Mẹ già làm “đám ma giả” để kéo con ra khỏi bàn tay “xã hội đen”
Me gia lam “dam ma gia” de keo con ra khoi ban tay “xa hoi den” - Anh 1

Ảnh cưới của Đ.V.Q., người được mẹ làm đám ma giả để thoát khỏi tay “xã hội đen”.

Âm thầm dựng đám ma giả để cứu con

Mới đây, nickname Huyentran đã chia sẻ một câu chuyện “có một không hai” ở gần nhà mình. Trong dòng trạng thái, Huyentran nói đến người mẹ đau đớn tổ chức “đám ma giả” của con trai. Bà đã dùng sự nhanh nhạy của mình để giành giật con từ đám lưu manh. Ngay sau khi câu chuyện này được chia sẻ, nhiều người đã thể hiện sự cảm phục đối với người mẹ này. Để tìm hiểu thực hư thông tin, PV báo ĐS&PL đã tìm đến gặp người mẹ này. “Đúng là tình mẫu tử. Vì con, người mẹ có thể làm bất cứ điều gì. Trong sự việc này, tôi thấy bà B. rất nhanh trí và bản lĩnh”, tài khoản Phuonnguyen bày tỏ.

Ngôi nhà nhỏ của bà P.T.B. nằm trơ trọi trên một ngọn đồi hoang sơ, vắng người qua lại. Chúng tôi đến đúng lúc bà vừa đi làm về. Khi nhắc lại câu chuyện cũ, đôi mắt bà vẫn hiện lên một nỗi niềm đau đáu. Ngày đó, cũng vì không muốn nhìn thấy con đi vào con đường chết, bà B. đã làm một chuyện mà có lẽ trên thế giới này chưa có một người mẹ nào dám làm.

Bà B. ngồi đó, dáng người gầy gò, khuôn mặt sạm đen với những nếp nhăn tuổi tác. Với giọng trầm buồn, bà kể cho chúng tôi về quãng thời gian khốn khó đầy bất hạnh của mình.

Sự việc trên diễn ra khoảng cuối tháng 5/2009. Người dân xã Linh Sơn bỗng nghe tiếng khóc nấc, ai oán, thê lương từ nhà bà B.. Khi người dân kéo đến nhà bà B., để xem sự việc thế nào thì họ thấy một cảnh tượng hết sức tang thương. Trong nhà bà B., khói hương tỏa ra nghi ngút, mấy mẹ con bà B., người nằm, người ngồi vật vã than khóc. Bên cạnh là cỗ quan tài đóng chặt nắp cùng với di ảnh của Đ.V.Q. (SN 1989, vừa đi tù về được mấy tháng), con trai bà B..

Lúc đó không ai bảo ai, người dân trong thôn xóm mỗi người một chân, một tay, xúm vào lo hậu sự giúp gia đình bà. Người thì đi mượn bàn ghế, người thì lao vào làm cơm cúng, người chạy đi thông báo với Trưởng thôn... Chẳng mấy chốc, “đám ma” của Q. đã được hoàn tất theo nghi lễ của địa phương. Cái chết bất ngờ của Q. cũng không làm ai nghi hoặc gì vì Q. vừa ra tù không lâu. Bà B. nói rằng con trai mình chết là do sốc ma túy, bệnh tật, rồi muốn chôn cất nhanh để không lây bệnh tật cho gia đình, làng xóm.

Đám ma kết thúc một cách chóng vánh, theo đúng ý của bà B.. Trong đám tang, ai cũng tỏ ra ái ngại, cảm thông, thương xót, nỗi đau mất con của bà. Thương cảm cho số phận bất hạnh của người mẹ già mất con, người dân còn tự góp tiền, góp gạo đến phúng viếng. Lo việc hậu sự cho gia đình bà B. xong xuôi, họ cũng không ăn uống gì mà lặng lẽ ra về.

Cuộc đời bất hạnh của người mẹ “có 1 không 2”

Bà B. sinh ra ở mảnh đất Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, không được học hành đến nơi đến chốn. Năm 20 tuổi, bà kết hôn với ông Đ.V.C.. Sau đó, hai ông bà chuyển về Thái Nguyên lập nghiệp. Sinh được với nhau mấy mụn con thì ông C. lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường miền Nam, để lại bà một nách nuôi đàn con thơ dại. Bà B. phải làm đủ nghề, làm đủ mọi việc, miễn sao lo được cho các con bữa rau, bữa cháo qua ngày.

Năm 1976, ông C. trở về, bà vui mừng khôn xiết. Từ đây đã có người bên cạnh bà cùng nuôi dạy các con. Tuy nhiên khi sinh đến người con thứ 7 thì cuộc sống của ông bà vô cùng khó khăn. Chưa kể, chỉ sau khi xuất ngũ vài năm, ông C. bị ảnh hưởng di chứng của chiến tranh. Những trận sốt rét, cùng với bệnh hen suyễn hành hạ ông sống dở chết dở. Gánh nặng nuôi 7 đứa con và người chồng ốm đau liên miên lại đè lên đôi vai bà B.. Việc kiếm đủ rau cháo cho 9 miệng ăn mỗi ngày không phải là điều dễ dàng với bà. Sáng tinh mơ, bà đã phải lên rừng kiếm củi. Chiều muộn, bà lóc cóc gánh củi về nhà và sáng hôm sau đem ra chợ bán. Ngoài buổi chợ, bà còn tranh thủ mò cua, bắt cá, kiếm rau lo cho các con bữa đói, bữa no. Cuộc sống khó khăn, lận đận cứ bám riết lấy bà như hình với bóng.

Năm 1995, ông C. trút hơi thở cuối cùng sau một trận ốm nặng. Mọi lo toan, gánh nặng đều đè lên đôi vai gầy guộc của bà. Năm 2005, bất hạnh lại ập xuống đầu bà thêm một lần nữa, một người con trai của bà mất sau một thời gian đau ốm. Thi thể của chồng và con bà B. được chôn cất ngay trong mảnh vườn phía sau nhà.

Trở lại với việc tổ chức đám ma giả cho con trai Đ.V.Q. vào năm 2009, bà B. kể: “Tháng 11/2008, Q. đi tù về. Trong thời gian ở trại giam Tân Lập, Phú Thọ, Q. cùng một người nữa đánh trọng thương một “đại ca” trong tù. Đến khi con tôi mãn hạn tù trở về, “đàn em” của đại ca “xã hội đen” kia liên tục gọi điện đe dọa và tìm đến tận nhà. Chúng bắt con tôi làm tay sai để trả nợ cho chúng. Bọn nó còn dọa giết con trai tôi. Do quá sợ hãi và quẫn bách, Q. đã 3 lần tự vẫn nhưng không thành”.

Để thoát khỏi bọn “xã hội đen”, để bảo toàn mạng sống, Q. đã khóc van xin mẹ cứu mình bằng cách dựng đám ma giả. Không còn cách nào khác, bà B. đành chấp nhận làm theo ý con.

Ngồi cạnh mẹ, anh Đ.V.T., con trai thứ 3 của bà B. tiếp lời: “Việc làm của mẹ tôi cũng chỉ là bất đắc dĩ. Gia đình tôi thật lòng không muốn việc đó xảy ra. Nhưng vì không muốn em trai bị bọn “đầu gấu”, đe dọa, cướp đi mạng sống, lôi kéo vào con đường tội lỗi, mẹ tôi phải làm đám ma giả cho em”.

Những tưởng rằng sau đám ma, bà con lối xóm không ai thắc mắc gì là gia đình bà B. được yên. Nhưng chẳng biết từ đâu có nguồn tin rằng Đ.V.Q. chưa chết, có thể người nằm trong quan tài là một ai đó, chứ không phải là Q.. Những lời đồn đoán ngày càng nhiều hơn. Trong làng, ngoài xóm, mọi người cứ rỉ tai cho nhau nghe về câu chuyện bí ẩn này. Nhiều người dân đã lật lại tình tiết trong đám ma giả, phát hiện ra những điều vô lý nên yêu cầu bà B. trả lời rõ vụ việc. Biết không thể giấu mãi được việc này, bà B. đã đến nhà Trưởng thôn Đặng Văn Sinh, để trình báo sự thật về đám ma giả do bà và gia đình dựng nên.

Sau khi nắm rõ sự việc, ngày 30/5/2009, dưới sự giám sát của chính quyền xã Linh Sơn và Công an huyện Đồng Hỷ, ngôi mộ của Đ.V.Q., đã được tổ chức khai quật. Sự việc đã thu hút hàng trăm người trong và ngoài địa phương. Khi nắp quan tài được bật ra, tất cả mọi người hôm ấy đều “mắt tròn xoe, miệng há hốc”, khi thấy trong quan tài không có thi thể nào, chỉ có một bao xi măng được bọc kín bằng chăn, bên cạnh là vài bộ quần áo cũ rách. Thế là sự việc làm đám ma giả cho con của bà B. được làm sáng tỏ. Trước khi đám ma diễn ra, Q. đã bỏ trốn vào tận Nghệ An.

Hiện tại các con của bà B. đều có gia đình riêng. Kinh tế tuy không khá giả nhưng các con bà đều chăm chỉ làm ăn, sống với nhau hòa thuận. Q. cũng đã lấy vợ sinh con. Vợ chồng Q. rất chăm chỉ làm ăn, nhưng cuộc sống còn nhiều vất vả.

Theo ĐS&PL

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ