Máy thay đổi thời tiết: Cơ chế chống biến đổi khí hậu

GD&TĐ - Để buổi lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 1/7 vừa qua diễn ra tốt đẹp trong không khí dịu mát, chính phủ nước này đã “gieo mưa” để kiểm soát ô nhiễm không khí tại thủ đô Bắc Kinh.

Máy tạo mưa nhân tạo.
Máy tạo mưa nhân tạo.

Kỹ thuật tạo mưa nhân tạo

Phát động chiến dịch quy mô lớn, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng phương pháp tẩm hóa chất vào các đám mây nhằm kiểm soát lượng mưa và giảm ô nhiễm không khí tại thủ đô Bắc Kinh và một số khu vực lân cận. Phương pháp này đã được nhóm nghiên cứu do ông Wang Can, Giáo sư ngành Khoa học Môi trường, Trường Đại học Thanh Hoa, nghiên cứu và công bố trên Tạp chí Khoa học Môi trường của Trung Quốc.

Gieo mưa là kỹ thuật thay đổi thời tiết bằng cách đưa chất hóa học vào đám mây, như hỗn hợp bạc iodide khiến các giọt nước tụ lại xung quanh đám mây. Từ đó, làm tăng khả năng xuất hiện mưa trong một khu vực. Chính quyền đã tiến hành chiến dịch rải đám mây kéo dài 2 giờ trên diện rộng ở ngoại ô Bắc Kinh và một số khu vực lân cận vào ngày 30/6, một ngày trước khi kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn.

Những người dân sống ở vùng núi phía Tây Nam Bắc Kinh kể lại, vào ngày 30/6, họ đã chứng kiến một lượng lớn tên lửa được phóng vào các đám mây. Một người dân giấu tên cho biết: “Tên lửa chạm vào đám mây gây ra tiếng động rất lớn, giống như sấm sét và nó diễn ra trong một thời gian rất dài. Sau đó, mưa trút xuống khá lớn”.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học ước tính lượng mưa nhân tạo được tạo ra làm giảm hơn 2/3 mức độ ô nhiễm không khí. Tại Bắc Kinh, lượng mưa đã cải thiện chất lượng không khí từ “vừa phải” thành “tốt” theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Các nhà khoa học bác bỏ giả thuyết mức độ ô nhiễm giảm nhờ nguyên nhân tự nhiên do mưa nhân tạo là sự kiện bất thường duy nhất diễn ra trong ngày hôm đó.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng kĩ thuật thay đổi thời tiết. Cơ quan quản lý thời tiết nước này đã cố gắng tác động vào thời tiết nhân các sự kiện quan trọng kể từ năm 2008, khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Olympic.

Trở lại năm 2020, chính phủ Trung Quốc thông báo đến năm 2025, nước này sẽ có “hệ thống điều chỉnh thời tiết” diện tích hơn 5,5 triệu km2 với lượng mưa nhân tạo và ngăn chặn mưa đá.

Trung Quốc đã xây dựng mạng lưới lớn, phức tạp nhất thế giới để điều chỉnh thời tiết. Năm 2020, chính phủ nước này khởi động chương trình điều chỉnh thời tiết trên một khu vực rộng lớn ở phía Tây đất nước, bao gồm Tân Cương và Tây Tạng, nhằm mục đích ngăn chặn không khí ẩm ở độ cao lớn. Dự kiến sẽ tăng lên do biến đổi khí hậu, không khí ẩm tràn vào những khu vực có độ cao lớn được mang theo bởi gió từ Ấn Độ Dương qua dãy Himalaya.

Sử dụng vệ tinh, máy bay, trạm radar di động và công nghệ trí tuệ nhân tạo, các chuyên gia thời tiết Trung Quốc đã tìm cách dự đoán chuyển động của không khí ẩm, từ đó gieo hạt đám mây để kiểm soát thời điểm và địa điểm mưa.

Mưa lớn gây ngập một số tuyến đường tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Mưa lớn gây ngập một số tuyến đường tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Nhu cầu gắn với biến đổi khí hậu

Việc thay đổi thời tiết tại Trung Quốc vẫn chỉ được thí điểm trong các nghiên cứu, dự án quy mô nhỏ. Tuy nhiên, dịp kỷ niệm 1/7 năm nay, các nhà khoa học ở Đại học Thanh Hoa đứng trước những thách thức chưa từng có, buộc phải nhanh chóng tiến hành “gieo mưa”.

Khó khăn lớn nhất là sự gia tăng đột ngột của các chất gây ô nhiễm không khí trong thời gian dài trước ngày 1/7. Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu dừng các hoạt động công nghiệp, vận tải ở Bắc Kinh và các tỉnh lân cận để giảm thiểu ô nhiễm. Tuy nhiên, do việc lưu thông không khí cũng chậm lại, chất ô nhiễm khó phân tán hơn.

Ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến các hoạt động trong lễ kỷ niệm và sức khỏe của hàng nghìn người tham gia. Việc tạo mưa sẽ giúp Bắc Kinh giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm, ít nhất trong ngày đặc biệt quan trọng.

Có lo ngại rằng, những dự án quy mô như vậy có thể phá vỡ các hình thái thời tiết ở những nơi khác trong khu vực. Nhưng theo ông Xu Xiaofeng, cựu Phó Giám đốc Cục Khí tượng Trung Quốc, Bắc Kinh nhận thức được những rủi ro cũng như hạn chế của công nghệ điều chỉnh thời tiết. Do đó, họ vẫn tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh và thử nghiệm ở quy mô nhỏ trước khi đưa cơ chế này vào hoạt động thường nhật.

Không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia cũng đầu tư vào công nghệ gieo mưa do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng trong những năm gần đây.

Công nghệ này cũng được sử dụng ở Mỹ. Đơn cử, trong hai thập kỷ, công ty tư nhân Idaho Power, đã sử dụng phương pháp gieo mưa để bổ sung nguồn nước cho sản xuất thủy điện ở phía Nam Mỹ.

Khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, các quốc gia cũng cân nhắc nhiều kỹ thuật khác để tạo lượng mưa. Mùa hè năm nay, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất đã sử dụng máy bay không người lái bay phóng điện vào những đám mây để kích mưa ở thành phố Dubai, nơi có nhiệt độ lên tới 48 độ C. Điều này làm giảm nhiệt độ và cung cấp nguồn nước rất cần thiết cho đời sống sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để kết luận về mức độ hiệu quả, tính cấp thiết của công nghệ thay đổi thời tiết. Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay là việc thao túng thời tiết ở một khu vực sẽ tác động như thế nào đến tình hình thời tiết ở nơi khác.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ