Đã rất rất lâu, kể từ khi cả dân tộc dùng máu và nước mắt viết nên nền độc lập, tự do. Đã hòa bình, đã độc lập, đã kết thúc chiến tranh, nhưng đâu đó, những kí ức và thanh âm của cuộc chiến vẫn in hằn trong ánh mắt và hơi thở của những người đang sống.
Hàng đêm, trong cái tĩnh mịch của trời đất tháng 4, tôi vẫn nghe rõ mồn một tiếng thở dốc và rên rỉ khe khẽ của bố chồng khi vết thương do mảnh đạn ghim trên vai ông bắt đầu tái phát. Mỗi lúc trở trời, nó lại nhói lên, đau buốt đến tê dại, hành hạ ông những đêm dài mất ngủ. Mẹ chồng tôi cũng trằn trọc trong tiếng thở ngắt quãng của ông, phần vì bà lo cho sức khỏe của chồng, phần vì bà sợ căn bệnh kia của ông lại sắp sửa tái phát.
Lễ kỷ niệm 30/4, cờ Tổ quốc đỏ rực một vùng trời mừng ngày chiến thắng. Trong những tiếng hò reo rộn rã ấy, có một cựu chiến binh với đôi chân khập khiễng và một bộ quân phục đã cũ sờn lao ra giữa đám đông.
Hai tay ông ôm chặt lấy lá cờ tấm thân gầy gò như một quả bom ba càng lao thẳng về phía trước, miệng không ngừng hét “xung phong, xung phong”. Người đàn ông ấy chính là bố chồng tôi. Mỗi dịp lễ 30/4, ông đều sống lại những ngày còn chiến đấu như thế.
Trong làn khói mỏng và mùi trầm hương thoang thoảng, mắt mẹ tôi nhòe đi, không biết vì khói, hay vì nước mắt. Bà đứng lặng hồi lâu trước ngôi mộ gió của anh chồng, tay run run, miệng lầm rầm khấn vái: “Con sống khôn thác thiêng, báo mộng về cho anh em, bố mẹ biết con đang ở đâu trên chiến trường Quảng Trị. Bố mẹ đón con về hưởng hương quả quê nhà, đừng nằm lạnh lẽo nơi đất khách quê người con nhé”. Nghĩa địa lặng im, mấy chục năm bà hỏi như thế.
Chỉ có những dịp được về phép ngắn ngủi, tôi mới được nằm sát cạnh anh, gối đầu lên đôi vai rắn chắc và hít hà mùi mồ hôi của chồng. Tôi lặng im, lắng nghe tiếng anh thở dài, suy tư; chia sẻ với anh những câu chuyện về hòa bình, chiến tranh… rồi thiếp đi trong vòng tay ấm áp. Nắng gió thao trường làm da anh rám nắng, và trái tim dường như kiên cường hơn.
Dịp lễ năm nay, chồng tôi không về. Bố chồng tôi vẫn mặc lại bộ quân phục ấy, vẫn sống trong những kí ức chiến trường của riêng ông. Tôi và mẹ chồng lặng lẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng.
Mẹ nói làm mâm cơm giỗ cho thằng cả, cũng là cúng cho các đồng đội đã hy sinh cùng năm trên chiến trường ngày ấy, biết đâu ở đâu đó, cũng có những người mẹ đang cúng cơm cho con của một người mẹ khác như bà.

Ngoài sân, gió lồng lộng thổi, những lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay mừng ngày thống nhất. Con gái tôi ríu rít đùa nghịch với anh trai trước sân. Chợt con bé chạy lại, tay vẫn cầm chặt lá cờ tí hon anh trai nó vẽ cho, ánh mắt lấp lánh hỏi tôi: “Mẹ ơi, hòa bình có màu gì nhỉ?”.
Quốc Quân – con trai tôi cũng chạy lại, gõ nhẹ lên đầu em gái, dịu dàng nói: “Ngốc thế, hòa bình màu gì cũng không biết. Hòa bình màu đỏ, là màu của quốc kỳ nước ta. Hòa bình còn là màu vàng, màu của ngôi sao năm cánh trên lá quốc kỳ. Bố đã bảo rồi, quốc kỳ là danh dự của một đất nước, chỉ có đất nước hòa bình, độc lập, tự do, lá cờ mới có thể tự do tung bay”.
“Nhưng cô giáo em bảo, màu xanh dương là màu của tự do, chỉ khi hòa bình, dân ta mới được tự do, độc lập. Hòa bình còn có thể là màu xanh lá, giống màu quân phục của ông và bố nữa. Ông chính là người góp phần giành lấy hòa bình, bố chúng mình cũng góp phần gìn giữ hòa bình đấy”.
“Hòa bình có muôn hình muôn vẻ các con ạ. Dáng vẻ đất nước và cuộc sống hiện tại, chính là hình dáng đẹp nhất của hòa bình. Lịch sử đau thương khi giành lấy hòa bình của nước mình cũng vô cùng kiên cường và đẹp đẽ. Các con chỉ cần nhớ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, cũng là góp phần vào sự hòa bình hôm nay đấy”.
Tiếng nói quen thuộc của chồng tôi vang lên ngoài cổng, con gái chạy lại, sà vào lòng bố ríu rít: “A! Bố về! Bố ơi, hòa bình đẹp quá bố nhỉ! Lớn lên, anh Quốc Quân sẽ trở thành bộ đội, để giữ gìn hòa bình giống bố. Còn con sẽ trở thành cô giáo, con sẽ dạy các em thế nào là hòa bình và vẽ nên màu của hòa bình, có được không bố?”.
Ánh mắt bố chồng tôi đỏ hoe, mẹ chồng khẽ cười, đôi mắt cũng long lanh. Ông run run, cất giọng khàn khàn: “Ừ, hòa bình đẹp lắm, đẹp lắm cháu ạ”.