Ở vùng đất “chưa mưa đã thấm” này, đã bao đời cây mía gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân quê. Không phân bón hóa học, thuốc tăng trưởng, bà con tận dụng mọi nguồn phân hữu cơ để bón cho những đám mía thêm xanh ngút ngàn. Đến mùa thu hoạch, trên những cánh đồng mía nghe rộn ràng tiếng nói cười. Người chặt gốc, róc mía, lấy ngọn; đống mía gom lại xếp thành từng chồng, theo chân người về chòi đạp mía. Đấy cũng là lúc những lò đường nổi lửa để bắt đầu công đoạn nấu đường. Chỉ cần hai ba người ngồi sẵn đút mía vào che. Nước mía chảy rào rào, được đưa qua lò nấu cô mãi thành đường non.
Khi nước đường đặc sánh, được múc chuyển qua một thùng bằng gỗ hình trụ, người thợ nấu đường dùng cây dầm quậy đường theo một chiều nhất định đến khi đường đặc vừa độ thì được đổ vào chén trung gọi là đường bát. Khi đường khô, úp hai bát thành một cặp, lấy rơm quấn lại, bỏ vào bầu đan bằng tre có trát dầu rái đậy kín để chống ẩm. Đường tán được người dân dùng cả năm, chế biến những món ăn yêu thích hoặc mang đi bỏ chợ tăng thêm thu nhập.
Ngày nay, dẫu ruộng mía ở Quảng Nam không còn ngút ngàn như xưa nhưng năm nào cũng vậy, những lò đường vẫn đỏ lửa. Còn gì thú vị bằng khi người xa quê về thăm làng, du khách ghé chơi được nghe tiếng kĩu kịt của vòng xoay ép mía, tiếng củi nổ, tiếng nước chè hai sôi trên chảo,.. và được thưởng thức những món ngon ngọt ngào từ cây mía đậm tình quê.