Mạng lưới GD nghề nghiệp còn nhiều bất cập

GD&TĐ - Theo Luật Quy hoạch năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH được giao xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Việc phân bố các cơ sở GDNN không hợp lý giữa các vùng miền ảnh hưởng tới công tác đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng tại chỗ.
Việc phân bố các cơ sở GDNN không hợp lý giữa các vùng miền ảnh hưởng tới công tác đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng tại chỗ.

Để có đủ cơ sở triển khai nhiệm vụ, cần đánh giá đúng thực trạng và định hướng mạng lưới cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý. Theo một số chuyên gia, DGNN tuyển sinh khó khăn do tâm lý không muốn học nghề.

Xác định các vấn đề mâu thuẫn

Theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, việc đánh giá thực trạng cơ sở GDNN sẽ tập trung vào 4 nội dung gồm: Quy mô tuyển sinh; mạng lưới cơ sở GDNN; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN; cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo.

Trong đó, đối với mạng lưới cơ sở GDNN, việc đánh giá sẽ căn cứ theo loại hình cơ sở GDNN, bao gồm trường cao đẳng, trường trung cấp và trung tâm GDNN (công lập, tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài); đánh giá theo cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp và sơ cấp và dưới 3 tháng); theo vùng và theo lĩnh vực quản lý.

Hoạt động đánh giá sẽ tập trung vào xác định tính hợp lý, các điểm mạnh trong quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN hiện nay. Đồng thời xác định các vấn đề mâu thuẫn, điểm xung đột trong bố trí mạng lưới cơ sở GDNN của thời kỳ quy hoạch trước. Làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Bộ LĐ-TB&XH  cũng đã có Công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ về việc đánh giá thực trạng và định hướng mạng lưới cơ sở GDNN.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, Bộ LĐ-TB&XH  cũng đề nghị các Bộ, ngành dự báo xu thế, kịch bản phát triển mạng lưới cơ sở GDNN, dự kiến mạng lưới cơ sở GDNN. Dự kiến mạng lưới cơ sở GDNN của Bộ, ngành phải đáp ứng các yêu cầu, bao gồm: Phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Chiến lược, Quy hoạch phát triển nhân lực, Chiến lược phát triển giáo dục, Chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực có liên quan.

Bên cạnh đó, phải căn cứ thực trạng mạng lưới cơ sở GDNN để nghiên cứu, đánh giá, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của Bộ, ngành, vùng và cả nước trong từng thời kỳ. Đồng thời, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà nước trong từng thời kỳ và mở rộng hợp tác quốc tế về GDNN.

Cần đầu tư có trọng điểm

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức, công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia các hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa với quy hoạch thời kỳ trước, các quy hoạch có liên quan. Bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các bên liên quan trong quá trình lập và triển khai thực hiện và giám sát quy hoạch...

Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có trách nhiệm bảo đảm việc triển khai thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, cơ cấu phân bố các cơ sở GDNN còn chưa đồng đều, tập trung nhiều nhất ở vùng Đồng bằng Sông Hồng và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Các vùng Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc là những vùng có ít các cơ sở GDNN, chủ yếu là các cơ sở GDNN phục vụ cho đào tạo nghề ngắn hạn, còn các trường cao đẳng và trung cấp có số lượng rất ít.

Theo TS Lê Đình Kha - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng: Bối cảnh phát triển khoa học công nghệ đang đặt ra một yêu cầu cấp thiết cho các cơ sở sản xuất kinh doanh là phải đổi mới công nghệ đi đôi với nâng cao trình độ đội ngũ công nhân. Do vậy, việc phân bố các cơ sở GDNN không hợp lý giữa các vùng miền như hiện nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới công tác đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng tại chỗ cũng như ảnh hưởng tới hiệu quả lao động cho các trung tâm lao động.

Các cơ sở GDNN đang phải đối mặt với nhiều thách thức về việc tuyển sinh khó khăn do tâm lý người học không muốn học nghề. Phần lớn người học nghề thuộc đối tượng gia đình có thu nhập thấp, khó quy định trần thu học phí ở mức cao dẫn đến nguồn thu từ học phí thấp. Trong khi chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu để dạy thực hành lớn.

Việc triển khai thực hiện xã hội hoá GDNN còn chậm và nhiều lúng túng, không đồng đều ở các tỉnh, thành phố, địa phương. Các cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài thường tập trung ở các thành phố, vùng kinh tế trọng điểm. Có tình trạng nhiều trường cùng đào tạo nghề giống nhau trên một địa bàn, trong khi chính sách thu hút người học lại thiếu thống nhất.

Việc sắp xếp các cơ sở GDNN ở các bộ, ngành, địa phương hiện nay còn mang tính hành chính, cơ học. Các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng nguyên tắc sáp nhập cụ thể, chưa xác định chỉ tiêu giảm đầu mối cơ sở GDNN công lập. Chưa xây dựng cụ thể lộ trình tự chủ đối với các cơ sở GDNN công lập, chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN sau sắp xếp. Thậm chí một số địa phương lại bố trí cơ sở vật chất, nhất là quỹ đất ở trung tâm đô thị vào mục đích sử dụng khác.

TS Lê Đình Kha cho rằng, giải pháp để quy hoạch mạng lưới GDNN đồng bộ cần được sự quan tâm từ các Bộ, ngành, địa phương… để có các chính sách ưu đãi và đầu tư có trọng điểm, truyền thông định hướng và phân luồng. Phải gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, đặc biệt là doanh nghiệp địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ Trung đội 11 (Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 3-Sao Vàng, Quân khu 1) hướng dẫn chiến sĩ mới cách đặt mũ. Ảnh: Lê Quang Hội

Màu xanh áo lính

GD&TĐ - Ngày còn trong quân ngũ, tôi thường nhận được những cánh thư tay của bạn bè, người thân gửi đến.