Hành trình mang “Đông ấm yêu thương” đến vùng non nước nơi địa đầu tổ quốc là một phần của dự án nhân văn “Cùng em khôn lớn” mà quỹ Vì Tầm Vóc Việt khởi động từ tháng 6/2020.
Cùng nhau trao yêu thương
Ngày 14/1-16/1/2021, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt cùng 16 tình nguyện viên (TNV) nhiệt huyết đã vượt qua 400 km để đến với huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), trao những món quà yêu thương cho 206 em nhỏ tại 5 điểm trường Mầm non. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Cùng em khôn lớn”.
206 suất quà, mỗi suất quà bao gồm: 1 áo ấm, 1 mũ len và 10 đôi tất chân được các TNV hỗ trợ đóng gói và vận chuyển từ trung tâm thị trấn Bảo Lâm đến với học sinh tại 2 điểm trường Khau Noong, Nà Ó (trường Mầm non Thạch Lâm) và 3 điểm trường Bản Là, Sáng Xoáy và Khau Dề (trường Mầm non Thái Sơn).
Phạm Hà, sinh viên trường KHXH&NV, một tình nguyện viên đi cùng Quỹ Vì Tầm Vóc Việt chia sẻ: “Chuyến đi đến huyện Bảo Lâm - Cao Bằng đã giúp em cảm nhận được sự gian khổ thực sự mà các bé và các cô phải trải qua. Có những bé 5 tuổi cõng đứa em 3 tuổi trên lưng, vượt qua hơn 5km đường đèo núi, sông suối tới trường chỉ để có được ăn cơm, để được đắp chăn ấm.
Các bé vất vả bao nhiều thì các cô cũng vất vả gấp bội, vượt qua gần 50km đồi núi với những quãng đường chỉ là đất đá, những con dốc treo leo, những vách vực sâu ngay cạnh mình. Các cô đã chịu đựng sự cô đơn nơi điểm trường heo hút, không kể nắng mưa, ngày ngày vượt qua quãng đường gian khổ đó chỉ để các bé có thể được ăn no hơn, được ấm hơn”.
Nhìn các con rạng rỡ trong những chiếc áo ấm mới tinh, cô Đinh Thị Cúc - Hiệu trưởng trường mầm non Thái Sơn xúc động chia sẻ với đoàn: “Khi được tin Quỹ và các nhà tài trợ sẽ tặng áo ấm, tất và mũ, cô trò, phụ huynh ai cũng hân hoan. Cảm ơn Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, các nhà hảo tâm và các anh chị tình nguyện viên đã yêu thương các con thật nhiều”.
Bữa trưa đầy đủ, đưa bước em tới trường
Điểm trường Khau Noong và Nà Ó là 2 trong số 16 điểm trường của Trường Mầm Non Thạch Lâm còn chưa có bữa ăn bán trú. Theo báo cáo đầu năm học 2019-2020 tất cả 85 học sinh từ 3-5 tuổi đang theo học ở hai điểm trường này đều suy dinh dưỡng khi có chỉ số chiều cao, cân nặng dưới mức chuẩn (Theo tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng theo lứa tuổi của Viện dinh dưỡng Quốc Gia).
Mỗi một ngày đến trường, các em chỉ mang theo một túi cơm trắng hoặc mèn mén, hiếm khi bữa trưa có thêm các món ăn khác như rau hay thịt. Tỉ lệ bỏ học buổi chiều của học sinh lên tới 80%.
Còn điểm trường Bản Là, Sáng Xoáy và Khau Dề là 3 điểm trường khó khăn nhất của trường Mầm non Thái Sơn ,có 100% học sinh dân tộc thiểu số (87% dân tộc H’Mông và 13% dân tộc Dao).
“Nhà nào khá giả lắm thì 1 năm được 2 lần ăn thịt. Còn có gạo với muối ăn hàng ngày là tốt lắm rồi anh chị ạ”, một cô giáo ở điểm trường Bản Là chia sẻ.
Từ tháng 6/2020, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã khởi động dự án “Cùng em khôn lớn” kêu gọi bảo trợ bữa ăn bán trú và cải thiện điều kiện học tập cho học sinh mầm non tại nhiều địa bàn khó khăn trên cả nước. Chỉ với 1.700.000 VNĐ/năm, mỗi bé sẽ được cung cấp 200 bữa ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo cho việc phát triển sức khỏe và học tập.
Ba tháng qua, tại 05 điểm trường: Khau Noong và Nà Ó (Trường MN xã Thạch Lâm); Khau Dề, Sáng Soáy và Bản Là (Trường MN xã Thái Sơn) đã có 10.907 suất ăn bán trú được nấu. Các bữa trưa được cân đối với rau, củ, quả và thịt lợn/gà/cá/giò và 1 bữa phụ (Mì hoặc cháo) vào buổi chiều.
Hiệu trưởng trường Mầm non Thái Sơn - cô Đinh Thị Cúc cho biết: Từ ngày được bảo trợ từ Quỹ Vì Tầm Vóc Việt các con đi học đều hơn, rất hiếm khi bỏ học vì những bữa ăn bán trú đầy đủ dinh dưỡng ở lớp.
Theo kết quả thống kê, sau 3 tháng, 100% trẻ đi học đầy đủ, không nghỉ học buổi chiều; 86,6% trẻ có chỉ số phát triển thể chất tốt (tăng cân và tăng chiều cao). Nhờ việc đi học đầy đủ, giảm tỉ lệ bỏ học buổi chiều, kỹ năng về ngôn ngữ, nhận thức và kỹ năng xã hội của trẻ đạt từ 94,4% đến 96,7%.
Có thể thấy, việc hỗ trợ bữa ăn đủ chất không chỉ góp phần quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe và tầm vóc của trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước mà còn níu chân trẻ tới trường, tiếp thêm động lực giúp các em vững chí học tập và vươn lên trong cuộc sống. Xa hơn nữa, việc triển khai mô hình dự án này có thể mở rộng tại các xã miền núi khó khăn khác, nhằm góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, và đóng góp cho việc thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững Quốc gia.