Mang ánh sáng tri thức qua xe thư viện lưu động

GD&TĐ -Những chuyến xe thư viện lưu động mang tên “Ánh sáng tri thức” đã miệt mài đến vùng sâu vùng xa, giúp người dân, học sinh mở mang kho tàng tri thức.

Mang ánh sáng tri thức qua xe thư viện lưu động

Sách đi tìm bạn đọc

Mô hình xe thư viện lưu động đa phương tiện được Thư viện tỉnh Cao Bằng tiếp nhận do Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai triển khai mang tên “Ánh sáng tri thức” từ tháng 11/2019.

Xe được trang bị 4.500 cuốn sách, 6 máy tính xách tay, 1 máy chủ cùng với phần mềm, máy chiếu, tivi, máy phát điện, 100 ghế ngồi phục vụ đọc sách và xem tivi, tài liệu điện tử.

z5943030301244-4664af1057dcbdaee52221661cec263c-9252.jpg
Xe thư viện lưu động phục vụ các em học sinh trường THPT Nà Bao, huyện Nguyên Bình

Đây là mô hình mang ý nghĩa xã hội thiết thực, thể hiện những ưu điểm vượt trội cùng khả năng đáp ứng nhanh, hiệu quả nhu cầu đọc sách, tìm kiếm thông tin, nâng cao trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa trong cộng đồng dân cư.

Em Nông Thị Hà, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Phục Hòa, huyện Quảng Hòa hào hứng chia sẻ: “Chúng em rất vui khi được đọc những cuốn sách mà mình yêu thích, khám phá kho tàng kiến thức rộng lớn, bổ ích và lý thú.

Em mong muốn xe thư viện lưu động thường xuyên đến trường để em và các bạn có nhiều cơ hội học tập, vui chơi và được trải nghiệm nhiều hơn nữa”.

Đặc biệt, vào tối thứ Sáu hàng tuần, tại phố đi bộ Kim Đồng, thành phố Cao Bằng, các em học sinh trong thành phố cũng có dịp được đọc sách miễn phí.

Điểm khác biệt của mô hình này là cách thức phục vụ linh hoạt, học sinh có thể đọc sách ngay tại một không gian mở cùng với các trò chơi, giúp các em phát triển sự sáng tạo và niềm yêu thích đọc sách.

z5943030296123-968113e526cdb27af2fca52e2497151f-8897.jpg
Học sinh có thể đọc sách ngay tại một không gian mở là ưu điểm của mô hình thư viện lưu động

Em Lê Bảo Ngọc, Trường Tiểu học Hợp Giang, thành phố Cao Bằng cho biết: “Tối thứ Sáu hàng tuần, em đều mong được bố mẹ cho ra phố đi bộ chơi để được đọc sách tại xe thư viện lưu động. Em và nhiều bạn đều rất thích đọc sách ở đây vì được đọc nhiều cuốn sách hay, mới lạ, bổ ích ”.

Anh Nông Văn Đạt, thành phố Cao Bằng chia sẻ: “Cuối tuần nào tôi cũng dẫn hai cháu nhà mình ra phố đi bộ. Các cháu nhà tôi thích nhất là ngồi ở xe thư viện và đọc những cuốn sách mà chúng thích”.

Lan toả văn hoá được trong các nhà trường và cộng đồng

Với chủ trương “Sách đi tìm bạn đọc”, những chuyến xe thư viện lưu động đi đến nơi để phục vụ người dân, đặc biệt là những đối tượng độc giả không có điều kiện hoặc gặp khó khăn khi tiếp cận với thư viện, như: người già yếu, người nghèo, người tàn tật, đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi thiếu vắng hệ thống nhà sách và thư viện …

z5943030289809-1b36f97d60f732c2e0da85db1c20af97-508.jpg
Góp phần lan tỏa văn hóa đọc sách trong trường học

Qua đó, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân được tiếp cận với công nghệ thông tin, giải trí, tra cứu phục vụ sản xuất, đời sống, học tập và công tác; tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Từ năm 2022 đến nay, Thư viện tỉnh Cao Bằng tổ chức trên 50 chuyến xe thư viện lưu động đa phương tiện phục vụ tại nhiều trường học, lễ hội, sự kiện lớn trong tỉnh và tại Phố đi bộ Kim Đồng, thu hút trên 6.000 bạn đọc…

Đồng thời, duy trì việc đưa sách phục vụ các điểm ngoài thư viện như: Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh, Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền Phục hồi chức năng.

Ông Phạm Ngọc Khoa, Giám đốc Thư viện tỉnh Cao Bằng chia sẻ: “Xác định mỗi chuyến đi phải thực sự mang niềm vui, sự hứng khởi dành cho sách nên Thư viện tỉnh chủ động chọn lọc những đầu sách chất lượng, phù hợp với độ tuổi, sở thích của từng đối tượng bạn đọc. Mô hình thư viện lưu động là cách làm hay, đưa sách đến gần nhất với học sinh nông thôn, giúp khắc phục khó khăn của hệ thống thư viện cơ sở”.

Thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ tăng cường phối hợp phục vụ tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số qua đó, giới thiệu sách, duy trì và phát triển phong trào đọc sách, báo trong học sinh, góp phần bồi dưỡng, phát triển nhân cách, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh trong lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng - ông Phạm Ngọc Khoa, Giám đốc Thư viện tỉnh Cao Bằng thông tin thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ