Mặn chát nước mắt ngư dân vụ 5 tàu cá cháy rụi trong đêm ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Gặp sự cố chập điện, 5 tàu cá của ngư dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị cháy rụi, nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, "trắng tay" chỉ sau một đêm.

Hiện trường vụ cháy tại cảng Lạch Quèn đêm 28/7.
Hiện trường vụ cháy tại cảng Lạch Quèn đêm 28/7.

“Trắng tay” sau một đêm

Vụ hỏa hoạn xảy ra đêm 28/7 tại cảng cá Lạch Quèn (xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) khiến 5 tàu cá của ngư dân bị thiêu rụi.

Dù không có người bị thương, nhưng vụ cháy gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng, nhiều ngư dân “trắng tay” chỉ sau một đêm.

Những ngày qua, ông Bùi Xuân Xin (trú tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu) - chủ tàu NA-99699-TS vẫn chưa hết bàng hoàng khi con tàu hơn chục tỉ đồng của gia đình bị cháy trụi.

Trong lúc chạy ra cứu tàu, ông Xin bị ngã rồi ngất xỉu, được người dân đưa về nhà sơ cứu.

Ngồi chăm sóc, an ủi chồng, bà Nguyễn Thị Thanh (vợ ông Xin) động viên “của mất, nhưng không thể để mất sức khỏe. Có sức khỏe mọi người lại chung tay làm lại”.

Bà Thanh kể, ngày 28/7, tàu cá trở về cảng Lạch Quèn sau 10 ngày lênh đênh đánh cá trên biển.

Chuyến đi không như mong đợi khi chỉ thu về được 200 triệu đồng. Nếu trừ mọi chi phí, tiền cho các thuyền viên trên tàu thì chủ tàu không đủ mà phải bù lỗ.

Bởi vậy, khi về đến cảng, các thuyền viên lại tất tả chuẩn bị ngư cụ, đồ ăn để sáng 29/7 ra khơi chuyến tiếp theo nhằm kiếm thêm tiền để trả lãi ngân hàng.

Chiều 28/7, mọi việc chuẩn bị đã xong, ông Xin cũng như các thuyền viên khác về nhà ăn cơm tối nghỉ ngơi thì nghe tin báo tàu bị cháy.

Bỏ vội bát cơm đang ăn dở, ông Xin tức tốc chạy ra cảng. “Vừa chạy, vừa la hét cứu tàu thì ông Xin ngã xuống ngất lịm. Mọi người chạy lại sơ cứu rồi đưa ông về nhà”, bà Thanh kể.

Theo bà Thanh, năm 2017, để đóng được chiếc tàu này, vợ chồng bà đã vay mượn bên ngoài 3 tỉ đồng và cầm cố 4 sổ đỏ để vay ngân hàng 7 tỉ đồng.

Trong 3 năm đầu, vì Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm nên hầu hết các chủ tàu ai cũng mua. Khi hết chính sách hỗ trợ thì không đủ điều kiện mua.

“Sau gần 6 năm đánh bắt trên biển, chúng tôi mới trả được 2,8 tỉ đồng cho ngân hàng. Giờ tàu cháy, mọi vốn liếng mất hết, giờ chúng tôi không biết phải làm sao để sống tiếp”, bà Thanh ngậm ngùi.

Tàu là kế sinh nhai của nhiều gia đình

Cùng hoàn cảnh tương tự, ông Trần Văn Đoàn (trú tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) mấy hôm nay đứng ngồi không yên.

Thỉnh thoảng, ông Đoàn lại chạy xe máy ra cảng Lạch Quèn ngồi nhìn con tàu mà ông gắn bó bao nhiêu năm nay đã bị cháy rụi.

“Nhìn xót lắm, bao nhiêu tiền của đổ vào đó, giờ không còn lại một thứ gì. Nợ nần chồng chất, không biết lấy gì mà trả nợ”, ông Đoàn nói.

Ông Đoàn kể lại, sáng 28/7, ông cùng 19 thuyền viên cập cảng Lạch Quèn sau hơn nửa tháng ra khơi đánh bắt xa bờ.

Vệ sinh tàu thuyền xong, ông Đoàn bàn giao tàu cho một người đàn ông lớn tuổi canh gác để bơm nước và thông báo khi có sự cố.

Khoảng 20h tối cùng ngày, ông Đoàn đang ngồi quây quần bên gia đình thì nhận cuộc điện thoại của người canh tàu nói vội vã: “Cháy rồi, tàu cháy rồi, anh ra nhanh lên”.

Nhận được hung tin, ông Đoàn chạy vội ra cảng cá để xem tình hình. Khi xuống đến nơi, ông Đoàn thấy tàu cá của mình đã bị khói lửa lớn bao trùm. Dây neo tàu bị đứt khiến con tàu trôi xa bờ.

Không thể tiếp cận để dập lửa, ông Đoàn chỉ biết đứng trên bờ nhìn tàu mà khóc. Chừng 10 phút sau, vợ con, người thân của ông cũng chạy đến. Thấy cảnh tượng đau lòng, ai cũng òa lên khóc.

Ông Đoàn kể, con tàu của ông được đóng mới theo diện hỗ trợ vay vốn của Nghị định 67 với hơn 8 tỉ đồng. Số tiền rất lớn nên ông Đoàn kêu gọi 7 người khác trong xã chung nhau để đóng tàu. Trong đó, ông Đoàn đóng góp vốn nhiều nhất với 30%.

Khi con tàu được đóng xong, ông Đoàn và mọi người phải vay thêm ngân hàng hơn 2 tỉ đồng để mua sắm nhiều trang thiết bị, ngư cụ, đèn điện rồi ra khơi đánh bắt. Kể từ đó, con tàu trở thành kế sinh nhai của 8 gia đình cùng góp vốn.

Những chuyến đi biển gần đây, tàu cá của ông Đoàn đánh bắt được nhiều cá, chưa kịp vui mừng vì sẽ có tiền trả bớt nợ thì nay cả con tàu đã bị cháy trơ khung.

“Nghề biển ông, cha truyền lại bao đời nay, giờ chuyển đổi cũng không được. Vay tiền đóng tàu mới thì không ai cho nữa, chắc tôi phải xin tàu khác đi làm thuê”, ông Đoàn tâm sự và cho biết tàu của ông vẫn còn vay nợ hơn 3 tỉ đồng.

Hỗ trợ ngư dân có tàu bị cháy

Ông Nguyễn Hữu Kỳ, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Sơn Hải cho biết, mỗi con tàu cùng các thiết bị có giá trị xấp xỉ chục tỉ đồng. Trong số 5 tàu bị cháy, chỉ có 1 tàu mua bảo hiểm.

Theo ông Kỳ, việc chủ tàu không mua bảo hiểm sẽ phải đối diện với nguy cơ trắng tay, vỡ nợ nếu tàu gặp tai nạn, sự cố.

Mỗi tàu cá thường có nhiều người góp vốn, chung nhau để tạo phương tiện, công ăn việc làm cho một số người khác.

Ông Kỳ cho biết, trong thời gian qua, nghiệp đoàn nghề cá và nhiều tổ chức thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân mua bảo hiểm, nhưng kết quả không mấy khả quan.

Ngư dân thất thần nhìn con tàu tiền tỉ là kế sinh nhai của gia đình bị cháy rụi.

Ngư dân thất thần nhìn con tàu tiền tỉ là kế sinh nhai của gia đình bị cháy rụi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, ngay sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra, chính quyền huyện Quỳnh Lưu đã tập trung công tác chỉ đạo khắc phục vụ cháy.

“Bước đầu, cơ quan chức năng xác định vụ cháy xảy ra do chập điện tại con tàu của ông Bùi Xuân Xin, sau đó cháy lan sang 4 tàu cá neo đậu gần đó.

Để hỗ trợ cho các ngư dân, huyện Quỳnh Lưu đã quyết định hỗ trợ 20 triệu đồng cho mỗi tàu; đồng thời đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và các sở, ngành liên quan xem xét giúp đỡ, hỗ trợ cho các chủ tàu khắc phục khó khăn, ổn định lại sản xuất”, ông Dinh cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ