Cứ đến những ngày tháng 2, tháng 3 nắng nhẹ, đi dọc khắp con phố lớn nhỏ của thủ đô, hẳn bạn sẽ cảm nhận rõ nét lắm cái hương thơm dịu nhẹ của những gánh hoa bưởi dập dìu trên phố.
Rổ hoa bưởi trắng tinh khôi, điểm xuyết nhị vàng lẫn lá non của lá, nhìn thôi cũng đủ yêu mến rồi. Thế nhưng, người thủ đô yêu hoa đâu chỉ bởi hương thơm nồng ấm, của dáng hình tinh tế của từng bông mà còn bởi công dụng vô cùng đặc biệt của chúng nữa.
Này nhé, chỉ với bông hoa bưởi trắng muốt, giản dị đó thôi nhưng lại có sức quyến rũ mạnh mẽ lắm nhé! Nào là chế ra được tinh dầu bưởi dùng để gội đầu, tắm xông này, mà đặc biệt hơn, chúng còn thể chế biến món ăn nữa đấy!
Không tin hoa bưởi có thể chế biến món ăn ư? Vậy thì bạn hãy điểm ngay một vài món ăn dưới đây để tranh thủ làm cho gia đình mình mỗi khi mùa hoa bưởi ghé về này nhé!
1. Mía ướp hoa bưởi
Nếu là người đam mê văn học Việt Nam, hẳn bạn sẽ còn nhớ trong Truyện ngắn Đôi mắt của nhà văn Nam Cao, khi tác giả đến thăm nhà một người bạn Hà Nội đang đi tản cư, có được mời món: mía ướp hoa bưởi.
Món ăn nghe đơn giản là vậy thế nhưng lại thể hiện sự tao nhã, tinh tế của người Hà Nội xưa. Để làm món ăn này có khó gì đâu, bạn chỉ cần chuẩn bị nguyên liệu là mía và hoa bưởi thôi.
Bạn chọn cây mía bóng khỏe, cầm nặng tay, không quá già, chẳng quá non sau đó đem róc vỏ, cắt khúc, cho vào hộp cùng với hoa bưởi đã rửa sạch để ướp hương.
Sau khi để hộp mía ướp hoa bưởi vào ngăn mát tủ lạnh vài tiếng đồng hồ là có thể bày ra đĩa để cả nhà cùng ăn.
Một lưu ý nho nhỏ đó là hoa bưởi bạn nên chọn những bông cứng cáp, đài to, tươi tắn, vừa chớm nở. Bởi nếu cánh hoa uốn quá cong thì đó là những bông đã nở từ hôm trước sẽ không còn lưu mấy hương nữa.
2. Hoa bưởi ướp sắn dây
Sắn dây là một trong những thức uống phổ biến của mùa hè. Thế nhưng ly sắn dây chuẩn vị nhất định phải pha chế từ loại bột đã ướp qua với hoa bưởi.
Cách làm cũng khá đơn giản thôi. Sắn dây sau khi phơi nắng già cho vào túi nilông. Hoa bưởi sau khi rửa sạch, để ráo thì cho cùng vào túi sắn dây, buộc kín lại.
Hương thơm của hoa bưởi sẽ quyện vào từng viên sắn dây trắng tinh cho đến suốt những ngày tháng về sau.
3. Hoa bưởi ướp đường để nấu chè, làm bánh
Để có thể chế biến ra những món chè thơm ngon, chiếc bánh thơm dịu hương hoa bưởi, các bà, các mẹ xưa thường ướp đường hoa bưởi hay nấu nước đường hoa bưởi.
Làm nước đường hoa bưởi không hề khó mà bạn lại có thể cất đi dùng lâu dài được chứ.
Đầu tiên, bạn chuẩn bị một lọ thủy tinh sạch, rải một lớp hoa bưởi tươi (đã rửa sạch) xuống đáy lọ, sau đó đến một lớp đường phủ kín, rồi tiếp tục đến một lớp hoa bưởi nữa, cứ làm như vậy cho đến khi đầy lọ.
Nước đường là trợ thủ đắc lực cho món chè hay tào phớ.
Chỉ khoảng 10 ngày sau, đường sẽ tan ra, quyện vào những cánh hoa bưởi, tạo thành thứ nước đường thơm ngát mà người ta hay dùng để nấu chè hoặc làm bánh, hay cho thêm vào nước đường chan chung với tào phớ, ngon lắm đấy.
Bạn chú ý là khi thấy đường đã tan hết thì nhanh vớt hết những cánh hoa bưởi ra. Lúc này tinh dầu thơm trong cánh hoa đã tiết hết vào nước đường, nên vớt cánh hoa ra để dễ dàng sử dụng.