Quyết định được thông qua với 72 phiếu thuận trên tổng số 123 nghị sỹ Quốc hội Macedonia. Theo đó, quốc hội sẽ giải tán vào ngày 24/2 tới; bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 24/4. Các nghị sỹ đã ghi nhận việc Thủ tướng Nikola Gruevski từ chức để mở đường cho bầu cử sớm.
Tuy nhiên, Đảng Dân chủ Xã hội (SDSM) đối lập cho biết đảng này sẽ không chấp nhận và không tham gia cuộc bầu cử trước thời hạn do còn nhiều điều kiện chưa được thực hiện, ví dụ về tự do truyền thông và thay đổi danh sách cử tri.
Động thái trên diễn ra sau khi Ủy viên phụ trách mở rộng Liên minh châu Âu Johannes Hahn tới thủ đô Skopje của Macedonia để hối thúc các đảng phái chính trị thực thi thỏa thuận hồi tháng 7/2015, được ký kết nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng ở quốc gia vùng Balkan này.
Theo thỏa thuận, Thủ tướng Gruevksi phải trao lại quyền lực cho một chính phủ lâm thời ít nhất 100 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội ngày 24/4.
Ông Gruevksi đã đệ đơn từ chức lên Quốc hội ngày 15/1 vừa qua. Liên minh cầm quyền Tổ chức Cách mạng toàn Macedonia - Đảng Dân chủ đoàn kết dân tộc (VMRO-DPMNE) của ông Gruevski đã chỉ định Chủ tịch đảng DPMNE là ông Emil Dimitriev làm Thủ tướng lâm thời.
Quốc hội Macedonia ngày 18/1 cũng đã thông qua việc thành lập chính phủ lâm thời do ông Emil Dimitriev làm Thủ tướng. Chính phủ của ông Emil Dimitriev có nhiệm vụ chính là chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 24/4.
Thủ tướng Gruevski lên cầm quyền đã được hơn 9 năm, nhưng từ tháng 1/2015 phải chịu sức ép mâu thuẫn gay gắt giữa Chính phủ và phe đối lập. Chính phủ cáo buộc lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SDSM) đối lập Zoran Zaev cùng 4 nhân vật khác hoạt động gián điệp và đe dọa bạo lực chống lại nhiều quan chức Macedonia.
Đáp lại, phe đối lập cáo buộc chính phủ từng nghe lén điện thoại của ít nhất 20.000 người, gồm các chính trị gia, các nhà báo và nhiều thủ lĩnh tôn giáo. SDSM đã tẩy chay Quốc hội trong hơn một năm, vì cho rằng có gian lận trong các cuộc bầu cử hồi tháng 4/2014, trong đó chiến thắng thuộc về VMRO-DPMNE.
Căng thẳng ngày càng leo thang khiến EU phải đứng ra can thiệp và kêu gọi đối thoại./.