Mặc những tranh cãi chính trị - kinh tế Mỹ vẫn phục hồi phi mã

GD&TĐ - Ngày 30/8 theo giờ Washington, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, kinh tế nước này tăng trưởng nhanh hơn trong quý vừa qua. Trên cơ sở đó, Bộ Thương mại đã điều chỉnh lại ước tính tăng trưởng trước đó lên 3%, mức tăng nhanh nhất trong vòng 2 năm.

Mặc những tranh cãi chính trị - kinh tế Mỹ vẫn phục hồi phi mã

Con số được điều chỉnh lại này vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4% của Tổng thống Donald Trump, nhưng vẫn là mức cải thiện lớn so với con số ban đầu là 2,6% được chính phủ đưa ra hồi tháng trước.

Những điểm sáng tích cực

Trên thực tế, con số được điều chỉnh cũng tốt hơn nhiều tốc độ tăng trưởng chưa đến 1,5% trong quý 1/2017 của nền kinh tế Mỹ. Động lực tăng trưởng của quý 2 phần lớn là nhờ người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay hơn, trong đó mua sắm hàng hóa lâu bền như ô tô và đồ gia dụng đã tăng mạnh. Một động lực khác là đầu tư kinh doanh khởi sắc hơn.

Nhiều nhà kinh tế dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong nửa cuối năm nay. Mức tăng này đủ mạnh để duy trì sự gia tăng về việc làm và tiền lương giúp mang lại sự cải thiện hơn nữa, cùng lúc vẫn giữ cho nguy cơ lạm phát chỉ ở mức thấp vào lúc này. Nếu nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng hiện thời, đó sẽ là một nấc cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng chủ yếu là 2% trong vòng 8 năm qua.

Chênh lệch 1% nghe có vẻ không nhiều, nhưng với nền kinh tế có quy mô 19.000 tỷ đô la, sự chênh lệch thật khổng lồ. Mức tăng này cũng có thể giúp tăng tiền lương, vốn đã tăng chậm chạp gây chán nản trong nhiều năm qua. Nhà Trắng muốn đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế bằng cách giảm thuế, giảm các quy định, thủ tục, và tăng chi tiêu cho hạ tầng cơ sở. Đến nay, nghị trình kinh tế của Tổng thống Donald Trump vẫn chưa trình ra Quốc hội.

Mặc dù vậy, kinh tế Mỹ tỏ ra vẫn lành mạnh, nhất là về khía cạnh việc làm. Khối tư nhân đã đẩy mạnh tuyển dụng trong tháng 8, tuyển thêm 237.000 người, theo con số ước tính của hãng ADP chuyên về xử lý các khoản thanh toán. Theo kế hoạch, báo cáo việc làm của chính phủ - được theo dõi chặt chẽ - sẽ được công bố vào 1/9. Người ta kỳ vọng báo cáo sẽ cho thấy tỉ lệ thất nghiệp giữ ở mức 4,3%, mức thấp nhất trong vòng 16 năm.

Sẽ cắt giảm thuế vì người lao động?

Gần như cùng với công bố về chỉ số phát triển nền kinh tế của Bộ Thương mại, cũng trong ngày 30/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một bài diễn văn về cải cách thuế khóa tại Công ty Loren Cook ở Springfield, bang Missouri.

Bài diễn văn tập trung vào đề tài cải cách thuế với những lập luận có tính cách dân túy đặc trưng của ông, mà theo các giới chức Nhà Trắng, đã mô tả biện pháp cắt giảm thuế như một cách để giúp các công nhân và tầng lớp trung lưu trong một nền kinh tế “gian lận”, bất lợi cho họ.

Trong bối cảnh nghị trình về chính sách đối nội của ông đang dậm chân tại chỗ, trong nội bộ đảng Cộng hòa có mâu thuẫn và tỉ lệ ủng hộ Tổng thống ở mức rất thấp, chỉ tới 35%, việc ông Trump quay sang đề tài cải cách thuế, một vấn đề mà ông đã hứa hẹn trong nhiều tháng, ngay từ lúc bắt đầu tham gia tranh cử, có thể sẽ là bước đi để lấy lại uy tín của mình.

Nhắc lại một chủ đề khi vận động tranh cử năm 2016 trong chuyến thăm Springfield, bang Missouri, không ngạc nhiên khi ông Trump lập luận rằng nền kinh tế Mỹ đã bị uốn nắn méo mó một cách gian lận để có lợi cho một số ít người có đặc quyền và ông thúc giục hãy bịt lại những kẽ hở dành cho thành phần giàu có và các nhóm lợi ích đặc biệt, để giúp cho phần đông người dân.

Các giới chức cho biết bài phát biểu cũng nêu lên những lý do “vì sao” cần cải cách luật thuế vụ, chứ không phải là “làm thế nào” để cải cách luật này.

Ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm ngoái, một phần là nhờ chiếm được sự ủng hộ của những người Mỹ thuộc tầng lớp lao động cho một loạt các quan điểm về chính sách kinh doanh của ông, kể cả việc giảm thuế suất cho các doanh nghiệp Mỹ, từ 35% xuống còn 15%.

Bởi vậy, dù đang là tâm điểm của rất nhiều tranh cãi chính trị, trong đó có nghi vấn liên quan tới người Nga trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, nhưng chí ít diễn biến của nền kinh tế Mỹ thời gian gần đây cho thấy chính quyền ông Trump đang đi rất đúng hướng, nền kinh tế Mỹ đã thực sự phục hồi ở tốc độ phi mã, điều mà người tiền nhiệm của ông đã không làm được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ