Chồng tôi bề ngoài là một người đàn ông chăm chỉ, có chí tiến thủ nhưng sống trong chăn mới biết chăn có rận. Tôi khẳng định, không ai chịu nổi tính cách của anh, đàn ông nhưng vô cùng tính toán, keo kiệt.
Tôi là cô gái không có ngoại hình nổi trội, tính cách rất bình thường, giản dị vì vậy khi được anh, một người đàn ông đẹp trai, đem lòng yêu thương, tôi và những người xung quanh rất bất ngờ.
Sau này tôi mới biết, anh quen tôi chẳng vì điều gì tốt đẹp ngoài cái nhà bố mẹ tôi mua cho tại một khu đô thị. Bên cạnh đó, tôi có công việc kiếm ra tiền và không phải như nhiều cô gái khác - lúc yêu đến lúc cưới đòi hòi phải có những đồ này, quà tặng kia.
Thế là chúng tôi về với nhau bằng một đám cưới không thua kém gì so với bạn bè. Sau cưới, ngoài căn nhà vợ chồng tôi đang ở, bố mẹ tôi còn cho con rể một số vốn không nhỏ khi anh ngỏ ý muốn đứng ra làm ăn riêng. Chỉ trong thời gian ngắn, anh đã là ông chủ của một nhà hàng ở mặt phố.
Thời gian đầu lập nghiệp, công việc còn khó khăn nên toàn bộ chi tiêu trong nhà, tiền đối nội đối ngoại… tôi đều đứng ra lo liệu.
Tôi chưa một lần được biết đồng tiền chồng làm ra tròn méo thế nào. Không chỉ vậy, tôi còn phải đứng ra vay cho anh khoản này, khoản kia mỗi khi anh bí tiền.
Nhưng đổi lại những sự hy sinh, dốc lòng của vợ, anh cư xử vô cùng tệ hại.
Khi anh làm ăn thua lỗ, anh muốn tôi và bố mẹ tiếp tục rót vốn cho anh tiếp tục đầu tư. Lần này thay vì nhà hàng ăn uống, anh muốn mở quán cà phê. Tuy nhiên rút kinh nghiệm lần trước, tôi muốn anh suy nghĩ kỹ trước khi đầu tư tiền vào bất cứ mảng kinh doanh nào.
Chỉ vậy thôi, anh cho rằng tôi khinh thường, tiếc tiền với anh. Anh trở mặt quay sang giận dỗi, trách móc tôi.
Anh thường xuyên bia rượu, bạn bè không thèm quan tâm đến vợ. Ngay cả khi tôi bầu bí, anh vẫn vùi đầu vào công việc và những cuộc vui ngoài gia đình. Thậm chí tôi còn phát hiện anh đi "bóc bánh trả tiền" ở bên ngoài.
Tôi làm ầm lên, anh tát tôi ngay khi tôi mang bầu 7 tháng. Anh nói: ‘Bầu bí, không chiều được chồng thì tôi có quyền ra ngoài. Ngoài kia, các cô ấy ăn nói ngọt ngào không ai chỏng lỏn, ngoa ngoắt như cô’.
Đối với tôi đã tệ, với gia đình tôi anh cũng chẳng khá gì hơn. Anh rất ít khi về thăm ông bà ngoại dù hai nhà cách nhau không xa. Mỗi lần có cỗ bàn, anh chỉ về đúng giờ ăn, ăn xong anh lấy lý do công việc bận rộn đi luôn.
Thời gian bố tôi ốm nhập viện, anh chỉ lo lắng xem tôi có mang tiền về cho nhà đẻ hay không dù bố mẹ tôi rất có điều kiện.
Tôi đem những bực dọc ấy nói với anh, anh gắt ầm lên: ‘Nhà cô đừng cậy bỏ ra tí tiền rồi lên mặt với con rể’.
Sau đó, anh bỏ đi uống rượu về say xỉn đập phá đồ đạc trong nhà. Tôi hoảng sợ phải ôm con vừa đỏ hỏn trên tay về nhà mẹ đẻ.
Thấy thái độ của con rể quá quắt, bố mẹ tôi yêu cầu họp gia đình hai bên.Thay vì khuyên giải các con bớt cái tôi, bớt tranh cãi để cùng nhau chăm cháu, gia đình anh lại bênh con trai chằm chặp. Mẹ anh lớn tiếng nói tôi và gia đình ngoại cậy quyền ức hiếp con trai bà.
Bà còn kể lể, trách móc nhà tôi có tiền nhưng keo kiệt với con cháu. Trong khi đó, bố mẹ tôi cho chúng tôi nhà cửa, cho vốn làm ăn. Ngược lại, từ ngày cưới tôi chưa nhận được một cái gì từ nhà nội.
Chúng tôi cứ thế cãi nhau ầm ĩ, đến mức đập bàn đập ghế. Trong cơn bức xúc, nhà nội yêu cầu con trai họ về nhà ‘không thèm ở lại nhà ngoại để nó khỏi ức hiếp’.
Ngay đêm đó, anh bỏ ra ngoài sinh sống. Đi đến ngày thứ ba, anh gọi điện cho tôi. Tôi cứ ngỡ, anh nhớ và hỏi thăm con nào ngờ, anh nói tôi vào ngày này… ngày này… tôi phải mở cửa để anh sang lấy hết đồ của anh.
Đồ của anh gồm quần áo, vật dụng cá nhân và các đồ gia dụng do anh sắm sửa trong đó có chiếc điều hòa, ti vi đã cũ…
Tôi chết lặng với những lời nói của anh. Ba năm bên nhau, chẳng lẽ không phải mẹ con tôi, những thứ đó mới ý nghĩa với anh?