Lý do không phong tỏa toàn tỉnh Bắc Giang

GD&TĐ - Nguyên nhân số ca mắc Covid-19 ở Bắc Giang tăng mạnh một phần là do công tác xét nghiệm được đẩy nhanh hơn.

Khu cách ly y tế dành cho người mắc Covid-19 không triệu chứng tại Bắc Giang. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
Khu cách ly y tế dành cho người mắc Covid-19 không triệu chứng tại Bắc Giang. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Hiện tại, Bắc Giang đã khoanh vùng được các khu vực dịch. Do đó, việc phong tỏa toàn tỉnh được cho là không cần thiết.

Lực lượng hỗ trợ vùng dịch

Tính đến chiều 31/5, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, tổng số cán bộ, giảng viên, sinh viên lên đường tham gia hỗ trợ phòng chống Covid-19 tại Bắc Ninh và Bắc Giang là 2.743 người. Những người này bao gồm lực lượng y bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng… đến từ nhiều bệnh viện, viện và y tế các tỉnh, thành phố, sinh viên đại học, cao đẳng y dược và lực lượng quân y, công an.

Cùng đó, tổng số cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên ngành Y Dược đăng ký sẵn sàng tiếp tục lên đường tham gia hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang, Bắc Ninh là 1.355 người. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đây là đợt huy động tổng nhân lực y dược đông nhất trong cả nước, nhằm hỗ trợ ngành Y tế Bắc Ninh, Bắc Giang chống dịch.

Về vấn đề tiêm chủng, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam hiện đã nhận được gần 2,6 triệu liều vắc-xin Covid-19 từ COVAX Facility. Tổ chức này thông báo sẽ tài trợ cho Việt Nam tổng số 38,9 triệu liều vắc-xin trong năm nay. Lãnh đạo ngành Y tế cho biết, Việt Nam đang triển khai tiêm chủng cho các lực lượng phòng chống dịch và bảo đảm tiến độ an toàn, hiệu quả theo kế hoạch đã được COVAX thông qua.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, hiện nay, tình hình dịch tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện của các chủng virus mới nguy hiểm hơn. Ngoài ra, số trường hợp mắc bệnh ghi nhận cao trong các khu công nghiệp và tại cộng đồng. Do đó, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng được coi là điều vô cùng cần thiết.

Nguyên nhân số ca mắc tăng mạnh

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhiều ý kiến cho rằng, việc phong tỏa toàn tỉnh Bắc Giang là điều cần thiết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định, hiện tại, việc phong tỏa toàn tỉnh là không cần thiết. Bởi, nguyên nhân số ca mắc Covid-19 ở Bắc Giang tăng mạnh một phần là do công tác xét nghiệm được đẩy nhanh hơn, với sự chi viện từ các nơi khác.

“Hiện tại, Bắc Giang đã khoanh vùng được các khu vực dịch. Các ca mắc mới đều vào diện cách ly và nằm trong tầm kiểm soát. Các tỉnh khác cũng đã có những biện pháp mạnh để ứng phó với những cư dân từ Bắc Giang về nên không lo dịch sẽ phát tán ra những nơi khác”, PGS Nga cho biết.

Cụ thể, chuyên gia này lý giải, khi dịch được xác định và khoanh vùng, việc phong tỏa toàn tỉnh sẽ không giúp dập dịch nhanh hơn. Thực tế, biện pháp này chỉ ngăn dịch lan sang các nơi khác.

“Do đó, ở thời điểm này, việc phong tỏa toàn tỉnh Bắc Giang là không cần thiết. Tuy nhiên, Bắc Giang vẫn phải duy trì giãn cách xã hội và thực hiện nghiêm các nguyên tắc 5K”, PGS Nga chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, phong tỏa sẽ gây ra những hệ lụy về kinh tế, xã hội. Phong tỏa trên diện rộng và giãn cách toàn xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế cũng như đời sống nhân dân. Ngoài ra, nhiều công ty sẽ phá sản, hàng loạt người cũng thất nghiệp. Bởi, dịch bệnh đã kéo dài một thời gian.

“Chúng ta chỉ giãn cách xã hội từng nơi theo tình hình thực tế và phải chấp nhận sống chung với dịch đến khi có vắc-xin bao phủ đạt tới mức miễn dịch cộng đồng. Không nên giãn cách toàn quốc vì sẽ không biết giãn cách đến bao giờ! Phương pháp tốt nhất hiện nay là thực hiện 5K và tiêm vắc-xin”, PGS Nga nhận định.

Trong khi đó, theo bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), giãn cách xã hội luôn mang lại hiệu quả phòng dịch tốt, làm giảm số ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn F0 trong cộng đồng đòi hỏi thời gian giãn cách dài. Từ đó, gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế.

“Nếu kỳ vọng không có số ca nhiễm trong cộng đồng, Bắc Giang sẽ phải giãn cách xã hội rất lâu”, bác sĩ Phúc nhận định.

Do đó, theo bác sĩ Trần Văn Phúc, với đặc điểm của biến thể Anh và Ấn Độ, giãn cách xã hội diện rộng chỉ nên được áp dụng khi tốc độ lây nhiễm vượt quá sức chịu đựng của hệ thống y tế.

Sáng 31/5, Bộ Y tế có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế Hà Nội về việc hỗ trợ Bắc Giang triển khai tiêm chủng phòng Covid-19. Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất cấp bổ sung 120.000 liều vắc-xin cho Bắc Giang. 
Dược sĩ Đào Giang - quản lý kho vắc-xin tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Bắc Giang báo cáo, hiện, cơ sở này có 10 tủ chứa vắc-xin. Những tủ này có thể chứa 300.000 liều (mỗi tủ 30.000 liều). Tất cả tủ chứa vắc-xin đều bảo đảm điện dự phòng 2 ngày, trong trường hợp mất điện. Đồng thời, tủ có hệ thống theo dõi tự động và từ xa.
Từ ngày 1/6, Bắc Giang triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại các xã thuộc huyện Việt Yên. Đợt tiêm được dự kiến kéo dài khoảng 7 - 10 ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ