Lý do CSTO thay đổi địa điểm tập trận

GD&TĐ - Kyrgyzstan sẽ là địa điểm diễn ra cuộc tập trận quân sự năm nay của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) thay vì Armenia.

Quân nhân Nga diễu hành sau khi kết thúc cuộc tập trận của lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO tại Cộng hòa Tatarstan. (Ảnh: Sputnik)
Quân nhân Nga diễu hành sau khi kết thúc cuộc tập trận của lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO tại Cộng hòa Tatarstan. (Ảnh: Sputnik)

Việc thay đổi địa điểm của cuộc tập trận “Tình anh em không thể phá hủy-2023” đã được tướng Nga Anatoly Sidorov, người giữ chức vụ Tham mưu trưởng liên quân của CSTO, xác nhận trong cuộc họp báo hôm 14/2.

Ngoài Armenia, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan, khối này còn bao gồm Belarus và Kazakhstan.

Cuộc tập trận thường được lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO tiến hành hàng năm vào mùa thu. Cuộc tập trận dự kiến diễn ra vào giữa tháng 10 năm ngoái đã bị nước chủ nhà dự định là Kyrgyzstan hủy bỏ vào phút chót.

Chính phủ Kyrgyzstan đã đưa ra quyết định trên vào tháng 9/2022 vì cuộc đụng độ biên giới ngắn nhưng gây chết người với Tajikistan, một thành viên CSTO.

Phó Thủ tướng Kyrgyzstan Edil Baysarov khẳng định sự bất ổn này là lý do hủy bỏ cuộc tập trận.

Tháng 1, Armenia thông báo sẽ không tổ chức bất kỳ cuộc tập trận nào của CSTO vào năm 2023, Thủ tướng Nikol Pashinyan cho rằng việc tổ chức tập trận là điều “không nên làm”.

Yerevan trước đó phàn nàn về phản ứng tiêu cực của CSTO đối với yêu cầu triển khai quân đội trong bối cảnh căng thẳng biên giới với đối thủ Azerbaijan. Cuộc đụng độ trên bùng phát vào tháng 9 năm ngoái khiến hàng chục binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng.

CSTO đã chọn cách tiếp cận ngoại giao và đề nghị triển khai một phái bộ quan sát biên giới sau khi đụng độ kết thúc. Tuy nhiên, chính phủ ông Pashinyan từ chối tổ chức này và gọi các giám sát viên của EU. Moscow bày tỏ sự không hài lòng với diễn biến trên, cáo buộc EU đang cố gắng thay mặt cho NATO để “có chỗ đứng ở Armenia và gạt Nga ra bên lề”.

Azerbaijan và Armenia có xung đột kéo dài hàng thập kỷ về khu vực Nagorno-Karabakh, một khu vực chủ yếu là người Armenia sinh sống ở Azerbaijan, nơi tự coi mình là một quốc gia có chủ quyền.

Trong cuộc chiến kéo dài 44 ngày vào đầu năm 2021, Baku đã giành được một số lãnh thổ. Cuộc giao tranh kết thúc với một thỏa thuận ngừng bắn do Moscow làm trung gian và việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga.

Tháng trước, ông Pashinyan cho biết sau khi nhiệm vụ của lực lượng Nga hết hạn vào năm 2025, đất nước của ông có thể muốn thay thế nó bằng lực lượng của LHQ.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ